Nhiều địa phương vẫn phớt lờ quy định của Chính phủ, làm ‘mỗi nơi một kiểu’
Nhiều địa phương vẫn ban hành quy định riêng với người dân đi lại liên tỉnh, dù Chính phủ đã ra quy định mới và yêu cầu thực hiện thống nhất toàn quốc.
Ngay sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn theo hướng không chỉ định xét nghiệm trong việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra. Đặc biệt, với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Chính phủ quán triệt việc thực hiện thống nhất Nghị quyết 128 trên toàn quốc, hướng dẫn chuyên môn cụ thể cũng đã có, nhưng tình trạng cát cứ, cục bộ tại một số địa phương vẫn tiếp tục diễn ra, “phớt lờ” yêu cầu của Chính phủ.
Mỗi nơi một kiểu
Ngay tại Hà Nội, dù địa phương quyết định nới lỏng nhiều hoạt động, 21 chốt kiểm soát ở cửa ngõ vẫn kiểm tra giấy tờ, thủ tục như khi áp dụng Chỉ thị 16.
Tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hôm 14/10, nhiều người vẫn phải xếp hàng để khai báo y tế và kiểm tra các giấy tờ liên quan gồm: Giấy xác nhận xét nghiệm rRT-PCR trong vòng 72 giờ, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện công vụ, chống dịch. Việc kiểm soát được thực hiện ở cả chiều ra và vào Hà Nội.
Đến sáng 15/10, nhiều chốt kiểm soát ở cửa ngõ Hà Nội mới được tháo dỡ.
Hải Phòng là một địa phương luôn được nhắc đến với những “quy định riêng” kể từ thời điểm có dịch. Trong bối cảnh Chính phủ ban hành nghị quyết mới với phạm vi áp dụng toàn quốc, thành phố này vẫn theo thông lệ, áp những quy định không thống nhất với Trung ương.
Tối 14/10, Hải Phòng ban hành hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng chống dịch với người từ các tỉnh, thành khác về thành phố theo tinh thần không yêu cầu người vào địa bàn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Nhưng khác với 4 cấp độ dịch mà Chính phủ đã đề cập trong Nghị quyết 128, Hải Phòng tự phân chia dịch thành 5 cấp độ. Cấp độ 1 tương ứng với màu trắng, là khu vực không có dịch hoặc đã công bố hết dịch, được áp dụng 5K và khai báo y tế.
Cấp độ 2 với màu xanh nước biển, được quy ước là khu vực chuyển sang trạng thái bình thường mới, áp dụng biện pháp khai báo, giám sát y tế.
Cấp độ 3 tương ứng với màu xanh lá mạ, yêu cầu người tiêm đủ vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày; người chưa tiêm đủ cách ly tại nhà 14 ngày.
Cấp độ 4 tương ứng với màu vàng yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày với người đã tiêm đủ 2 mũi và 14 ngày với người chưa tiêm đủ vaccine.
Cấp độ 5 tương ứng với màu cam, quy định cách ly tập trung 14 ngày với người chưa tiêm đủ vaccine và cách ly tại nhà 14 ngày với người đã tiêm đủ.
Cũng không theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm, Hải Phòng yêu cầu người đến từ vùng nguy cơ rất cao đã tiêm đủ liều vaccine phải cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều vaccine sẽ cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Người về từ vùng nguy cơ cao nếu đã tiêm đủ vaccine sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Người chưa tiêm đủ liều vaccine cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Người về từ những vùng nguy cơ, chưa tiêm đủ vaccine sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và thứ 7.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước đó yêu cầu người từ nơi khác về địa phương phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong thời hạn 3 ngày hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ. Người chưa tiêm đủ vacicne phải cách ly tập trung 14 ngày; xét nghiệm 3 lần với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3, ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Người đã tiêm đủ vaccine có thể cách ly tại nhà 7 ngày nhưng vẫn yêu cầu xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.
Đến nay, dù Chính phủ ban hành quy định mới, địa phương này vẫn chưa thông báo cập nhật hướng dẫn, đồng nghĩa với việc những quy định cũ như trên vẫn còn hiệu lực.
Tỉnh Bắc Giang sáng nay đã có công văn điều chỉnh theo yêu cầu của Nghị quyết 128 của Chính phủ. Với người đến từ những vùng xanh, vùng vàng và vùng cam, Bắc Giang không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm, không lấy mẫu xét nghiệm khi vào tỉnh (trừ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở…). Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn đang áp dụng các quy định cũ về cách ly, xét nghiệm với người từ nơi khác đến dù nghị quyết mới Chính phủ ban hành đã có hiệu lực từ ngày 11/10.
Cần hành động vì lợi ích chung
TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng những câu chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ở một số địa phương đã cho thấy nhiều bất cập. Ông nhìn nhận việc mở cửa trở lại thời điểm này có cơ hội và thách thức đan xen.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nếu điều chỉnh kịp thời nhiều biện pháp phòng chống dịch như Nghị quyết 128 mà Chính phủ vừa ban hành, doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất trở lại; nhiều doanh nghiệp FDI có thể không chuyển hợp đồng ra nước ngoài; nhiều người lao động sẽ sớm có việc làm; nền kinh tế sẽ tránh được nguy cơ bị suy thoái.
Tuy nhiên, ông cho rằng hệ chuẩn “Zero Covid” tác động tiêu cực đến năng lực tư duy khiến phản ứng chính sách ở địa phương vẫn thiếu mạch lạc và thiếu nhất quán. “Dù Chính phủ đã đề ra chủ trương là phải thích ứng để sống chung an toàn với dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế, hàng loạt địa phương vẫn tiếp tục áp đặt giải pháp Zero Covid”, ông Dũng nói.
Phân tích về hệ lụy của việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận nếu các tỉnh, thành vì an toàn riêng mà đóng cửa, không giao lưu, quan hệ với các địa phương khác thì đất nước không thể mở cửa trở lại để phục hồi và phát triển kinh tế. Chia sẻ với lo ngại và quan điểm muốn bảo vệ thành quả chống dịch của các địa phương, song ông Hòa nhấn mạnh “cần hành động vì lợi ích chung của cả nước”.
“Nếu cứ khư khư đóng cửa trong mỗi tỉnh thì từ nay đến cuối năm, tình hình phát triển kinh tế và việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ chắc chắn không đạt được, chỉ đạt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát dịch Covid-19”, ông nói.
Vị đại biểu nhấn mạnh khi dịch dần được kiểm soát phải tính ngay tới các giải pháp phục hồi kinh tế, khôi phục các đứt gãy vì nếu để đứt gãy quá lâu sẽ không còn khả năng phục hồi.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh Chính phủ đã chọn quan điểm sống thích ứng, an toàn với Covid-19, thí điểm cho những người đã tiêm vaccine đầy đủ và có xét nghiệm âm tính được đi lại thì các địa phương phải tạo điều kiện cho việc này để chỉ đạo của Thủ tướng được thông suốt.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội), Chính phủ cho phép địa phương linh hoạt, sáng tạo, nhưng điều này không đồng nghĩa với địa phương được quyền tự quyết định trái với quy định chung của Trung ương.
Ông lý giải tự chủ là chủ động triển khai sao cho đạt hiệu quả tốt nhất chủ trương của Chính phủ, chứ không phải tự chủ là không làm hoặc làm sai.
Hoài Anh