Nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đóng cửa, nói vì… lỗ vốn, hết xăng

07/02/2022 16:51

Ngày 7-2, nhiều cửa hàng xăng dầu ở các huyện Phú Tân, Châu Phú và TP Châu Đốc (An Giang) tạm đóng cửa hoặc treo bảng “hết xăng”. Khi hỏi thì các nhân viên bán xăng đều bảo đã hết mấy ngày nay, xăng chưa về…

Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang, đã đóng cửa từ ngày 5-2 vừa qua, họ cho biết bán xăng không có hoa hồng – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ghi nhận của PV, tại cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang) vẫn “cửa đóng then cài” sau khi có đơn gửi chính quyền xin nghỉ bán từ ngày 5-2 đến nay. Lý do là cửa hàng này lấy xăng dầu từ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) An Kiên, huyện Chợ Mới với giá xăng A95 là 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.560 đồng/lít. Doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ bán.

Còn tại cửa hàng xăng dầu Hướng Dương (cửa hàng xăng dầu số 6 của thương nhân phân phối xăng dầu Công ty TNHH Thuận An Yên) nằm cặp quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú cũng treo bảng “hết xăng”. Nhân viên ở đây cho biết cửa hàng đã hết xăng 2 ngày nay. Khi được hỏi bao giờ có xăng bán trở lại, nhân viên cửa hàng này nói: “Mấy ngày nay chưa có xăng về, chắc phải đợi thôi. Em cũng không biết bao giờ có xăng bán nữa”.

Cửa hàng xăng dầu số 6 (hay còn gọi là Hướng Dương) nằm cặp quốc lộ 91, đoạn xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang đã treo bảng “hết xăng” 2 ngày qua – Ảnh: BỬU ĐẤU

Tiếp tục di chuyển trên tuyến quốc lộ 91 vào TP Châu Đốc thì gặp cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 58 thuộc Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông, ở phường Vĩnh Mỹ, cũng treo bảng “hết xăng 95”.

Anh P., nhân viên bán xăng tại đây, cho biết cửa hàng này đã hết xăng 4 ngày nay. Khi được hỏi tại sao xăng hết nhiều ngày mà cửa hàng không đưa xăng về bán, anh P. nói: “Cái này là quyền của các sếp. Đâu phải muốn lấy xăng về bán là được, phải qua nhiều thủ tục giấy tờ. Có thể mấy sếp bận nên chưa ký giấy tờ đưa xăng về bán”.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Ngọc Thới – giám đốc DNTN An Kiên – cho biết trước đây ông bán xăng cho ông Việt có hoa hồng từ 200 – 1.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung khan hiếm nên không có đại lý nào bán xăng có lãi cả. Một số đầu mối phân phối thì “hoa hồng bằng không” nên các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ từ 200 – 300 đồng/lít.

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 58, ở phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc cũng treo bảng “hết xăng”. Nhân viên nói đã hết xăng 95 suốt 4 ngày qua nhưng lãnh đạo Công ty dầu khí Mê Kông nói do xăng chưa lên kịp – Ảnh: BỬU ĐẤU

“Tết này, các chủ cây xăng không được vui xuân mà phải bán phục vụ cho bà con, còn thua lỗ đủ thứ chi phí. Nguyên nhân chính là ngày 21-1 vừa qua điều chỉnh giá xăng dầu nên đầu mối kinh doanh xăng dầu thua lỗ, mà đầu mối thua lỗ thì họ phải bán lại hoa hồng bằng không. Vì vậy, đến cấp cuối cùng phải chấp nhận chịu lỗ các chi phí: hao hụt, vận chuyển, nhân công…”, ông Thới nói.

Ông Thới đề nghị Chính phủ xuất quỹ bình ổn xăng dầu để hỗ trợ các đầu mối có hoa hồng để họ phục vụ nhân dân. “Đúng là bây giờ không đóng cửa kNgọc Anhông được, vì không đóng cửa sẽ thua lỗ nên các cửa hàng xăng dầu hiện nay bán xăng là lỗ rồi”, ông Thới nói thêm.

Còn ông Trần Thanh Trung – phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) – cho biết vào ngày 5-2 vừa qua, cửa hàng xăng dầu Hiệp Vinh ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân dừng hoạt động với lý do là Petrolimex An Giang không cung cấp đủ nguồn nhiên liệu là không chính xác.

“Hiện nay giá xăng dầu thế giới đang tăng cao nên một số doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng cửa thì chúng tôi phải cung cấp liên tục dù không có hoa hồng khi bán xăng. Chúng tôi chỉ cung cấp xăng dầu trong hệ thống của chúng tôi thôi, còn bên ngoài không thể cung cấp vì nguồn cung rất ít. Cửa hàng Hiệp Vinh được đơn vị cung cấp 337% lượng xăng dầu trong dịp Tết nhưng họ đòi nhiều hơn bình thường nên chúng tôi chưa kịp đáp ứng, chứ chúng tôi không có ghim hàng chờ giá”, ông Trung giải thích thêm.

Chiều cùng ngày, đại diện Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông thừa nhận: “Cửa hàng số 58 hết xăng 95 do xe bồn chứa xăng chưa lên kịp để cung cấp. Vì các ngày Tết lượng người đi quá đông, kẹt xe liên tục nên anh em chưa chở xăng kịp thời. Các cửa hàng xăng dầu tư nhân họ đóng cửa được, còn bên công ty tôi và Petrolimex là của Nhà nước nên phải mở cửa liên tục, chứ không ghim hàng chờ giá”.

Ông D. (ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết khoảng 13h ngày 6-2, ông chạy từ xã Phú An đến thị trấn Phú Mỹ (trung tâm huyện Phú Tân – PV) gần 12km nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân.

“Nhiều cửa hàng bán xăng dầu họ nói bán không có lời nên không bán nữa. Một số khác họ nói Petrolimex An Giang chỉ cung cấp cho hệ thống của họ mà không bán cho bên ngoài, vì xăng đang khan hiếm. Chính quyền phải làm sao chứ các cửa hàng bán xăng đóng cửa vậy là không hay”, ông D. bức xúc nói.

Ngọc An

Đọc nhiều