425
category
411540

Nhiều cơ hội học tập chương trình quốc tế tại Việt Nam

21/07/2020 18:42

Nhằm đẩy mạnh việc cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để học sinh Việt Nam có thể du học tại chỗ trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngày 21-7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Mục tiêu hướng đến người học

Việc tổ chức hội nghị còn là dịp để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo thống nhất giải pháp sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có gần 200.000 du học sinh đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Những năm qua, Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ không đặt vấn đề sinh viên phải học ở nơi này hay nơi kia, cũng không tìm cách “giữ chân” học sinh Việt Nam ở trong nước, mà quan tâm đến việc tạo môi trường, chương trình đào tạo tốt nhất, giúp người học được tiếp cận với nhiều nền giáo dục tiên tiến.

Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng, thì vai trò của các trường đại học là tạo điều kiện để du học sinh trở về được học ở môi trường tốt với chất lượng tốt. Đây là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt. Việc này còn có ý nghĩa nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

“Chúng ta cùng nhau thúc đẩy hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả. Tạo điều kiện cho sinh viên và cũng là cơ hội để các trường đại học xích lại gầu nhau”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương này, đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, 7 đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai 92 chương trình đào tạo quốc tế bậc đại học và 20 chương trình đào tạo quốc tế sau đại học, sẵn sàng tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế học tập, nghiên cứu.

Chia sẻ khó khăn với sinh viên quốc tế trong bối cảnh hiện nay, tại hội nghị, Trường Đại học VinUni và Đại học Cornell (Mỹ) đã ký kết hợp tác chương trình du học mang tên “Study Away”. Theo đó, Trường Đại học VinUni sẽ tiếp nhận những sinh viên quốc tế của Đại học Cornell đang gặp khó khăn trong việc quay trở lại trường học.

Tập trung quản lý chất lượng

Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người học, hội nghị dành nhiều thời gian để các đơn vị đào tạo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế bảo đảm có chất lượng, tránh những rủi ro đáng tiếc cho người học, đồng thời cũng góp phần để các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhận định, các chính sách của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình hợp tác quốc tế. Để thúc đẩy vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định các cơ sở đào tạo phải sử dụng một tỷ lệ kinh phí nhất định cho việc trao đổi hợp tác quốc tế, ví dụ như việc đưa sinh viên ra nước ngoài học tập hoặc ngược lại…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Kinh nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ trong việc dùng 8% kinh phí hằng năm để chi cho việc trao đổi sinh viên trong nước và quốc tế cũng nhận được sự quan tâm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ thông tin: “Để thu hút người học, đồng thời phát huy lợi thế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương nơi trường đóng, hai năm gần đây, nhà trường đã xây dựng chương trình quốc tế về nuôi trồng thủy sản và công nghệ thực phẩm, thu hút hơn 100 sinh viên quốc tế và nhiều sinh viên trong nước theo học”.

Ý kiến của Trường Đại học RMIT bày tỏ sự trăn trở, lo lắng chung của nhiều phụ huynh, học sinh khi tìm kiếm chương trình quốc tế tại Việt Nam và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế quản lý, quy định các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch cho người học rõ đâu là chương trình liên kết đào tạo, đâu là chương trình quốc tế để có sự lựa chọn phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại Việt Nam hiện có 70 cơ sở giáo dục cung cấp khoảng hơn 400 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Để bảo đảm quyền lợi cho người học và kiểm soát chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát toàn bộ các chương trình này và đã cho dừng đào tạo gần 200 chương trình chưa đạt yêu cầu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận các ý kiến đề xuất, đồng thời khẳng định tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế; quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, đồng thời bảo đảm sự minh bạch về thông tin, tạo điều kiện tốt nhất cho người học.

Thống Nhất/ HNM

Đọc nhiều