“Nhiều cán bộ nhàn nhã quá, cứ hưởng lương mà không làm việc”

02/10/2019 15:53

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, có 30% cán bộ công chức “cắp ô”, không cần thiết trong bộ máy. Đối tượng này cần tăng giờ làm việc chứ không thể để như bây giờ…

“Nhiều cán bộ nhàn nhã quá, cứ hưởng lương mà không làm việc”
“Nhiều cán bộ nhàn nhã quá, cứ hưởng lương mà không làm việc”

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến những nội dung thuộc thẩm quyền, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, về mặt cơ bản lấy ý kiến của các cơ quan, người lao động, cơ bản đồng tình không nên kéo dài thời giờ làm thêm tối đa, bởi đây không phải là biện pháp tích cực để tăng năng suất lao động.

 Giữ nguyên giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Vì vậy, trước mắt không nên tăng thời giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm mà giữ nguyên như quy định hiện hành là tối đa được làm thêm 300 giờ/năm.

"nhieu can bo nhan nha qua, cu huong luong ma khong lam viec" hinh 1
Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội 

“Trong quy định tối đa được làm thêm 300 giờ/năm đó cũng phải tính toán trả lương theo lũy tiến, để người sử dụng lao động phải rất cân nhắc khi huy động làm thêm giờ tối đa đối với người lao động. Phải lấy căn cứ tăng lương lũy tiến đó để làm thỏa thuận làm thêm giờ, bởi nếu không có phương án tăng lương lũy tiến theo giờ, sẽ rất khó. Và phương án này đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có đề nghị, mong các đại biểu lưu tâm” – ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện nay còn bất cập, bất bình đẳng giữa khu vực hành chính và khu vực doanh nghiệp. Cụ thể khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần, trong khi đó khu vực doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị khu vực doanh nghiệp giảm xuống 44 giờ/tuần, tức là người lao động được nghỉ chiều thứ 7 và Chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe… Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Chúng ta là nước CNXH, không có lý gì lại không thực hiện tiến bộ ấy. Cần tính toán giảm khoảng cách bất bình đẳng, để thời gian làm việc gữa khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp dần dần giảm khoảng cách, không để khu vực doanh nghiệp làm việc quần quật như vậy, trong khi đó khu vực hành chính sự nghiệp nhàn nhã hơn” – ông Cường đề xuất.

Nên tăng giờ làm việc của đối tượng công chức “cắp ô”

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo một số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định về thời giờ làm việc giữa khu vực công với người lao động khu vực sản xuất đang không bình đẳng, đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần. Do vấn đề này chưa được trình trong hồ sơ dự án, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần của Bộ luật hiện hành.

Cũng ủng hộ việc không nên tăng giờ làm thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, theo báo cáo trước đây, có 30% cán bộ công chức “cắp ô”, không cần thiết trong bộ máy. “Đối tượng này cần tăng giờ làm việc chứ không thể để như bây giờ. Tôi thấy nhiều người cứ hưởng lương mà không làm việc. Nhiều cán bộ nhàn nhã quá, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại đi kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm, tay bùn, của những người mồ hôi dưới đổ lên, mồ hôi trên đổ xuống”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Định, quy định thời gian làm việc 48 giờ hay giảm xuống còn 40 giờ mỗi tuần nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, nên quy định phổ quát 44 giờ để cho khoảng cách gần nhau hơn. Nhưng nhiều người trực tiếp lao động lại có ý kiến khác hẳn.

“Người ta nói rằng, đối với người lao động chúng tôi thì tay làm hàm nhai, tay quai miễng trễ. Cho nên nghỉ làm là nghỉ ăn, đặc biệt, lương của chúng tôi được tính theo sản phẩm hoặc tính theo giờ lao động. Các bác quy định cho chúng tôi nghỉ làm là chúng tôi nghỉ ăn luôn. Đặc biệt, khi tiếp cận với công nhân xây dựng, người ta nói đối với chúng tôi, cứ yêu cầu chúng tôi đi làm là phải đi làm để yêu cầu bảo đảm tiến độ. Mặt khác, chúng tôi đi làm thì chúng tôi được hưởng lương, còn người ta bảo nghỉ là chúng tôi nghỉ ăn. Cho nên, phải giải quyết được mối quan hệ, đừng để quá lạm dụng làm thêm nhưng bớt giờ làm đi trong thời điểm này thì tôi cho rằng chưa phù hợp lắm”, ông Tuấn nói.

(Theo VOV)

Tags :
Đọc nhiều