Nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh bị xử lý kỷ luật như thế có nên “đáng tiếc”?

26/09/2019 17:32

Tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở những người giữ cương vị lãnh đạo quản lý quan trọng sẽ gây tác hại lớn, trực tiếp làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng ta. Tha hóa cũng là biểu hiện ở mức cao của những hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi phải luôn chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết tẩy trừ.


Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã liên tục có thông báo kỷ luật một số đảng viên có hành vi tha hóa đạo đức, lối sống. Điều đó cho thấy, nếu không quyết liệt ngăn chặn thì những “con sâu” này sẽ không chỉ làm “rầu” mà sẽ làm hỏng “nồi canh” – khiến niềm tin vào tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước suy giảm.

Khi cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng vào hồi quyết liệt thì gần như không có ngày nào, không có Đảng viên vi phạm từ cấp xã, huyện cho tới cấp tỉnh/thành phố, thậm chí cả cấp Trung ương bị xử lý kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.

Cử tri Nguyễn Tấn Đồng (quận Cẩm Lệ) cho biết liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng và TP.HCM, có đến 25 cán bộ, tướng lĩnh bị xử lý, trong đó có lãnh đạo của TP. Trong đó, Vũ “nhôm” và những cá nhân liên quan khiến nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Việc này đã làm giảm đi lòng tin ở cán bộ của nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

nguuenphutrong1123
Quyết tâm làm trong sạch Đảng là mệnh lệnh từ cuộc sống

“Tôi tham gia kháng chiến, chưa chứng kiến trận đánh nào mà chúng ta mất nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh như thế.”

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, bức xúc của cử tri là chính đáng và cũng là sự trăn trở của toàn Đảng. Con số 25 cán bộ, tướng lĩnh bị xử lý là rất đau xót.

Hay những vụ xử lí kỉ luật cảnh cáo đồng chí Huỳnh Quang Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính vì đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Tài chính.

Thực tế cho thấy, hầu hết những cán bộ, Đảng viên bị đưa ra xử lý trong thời gian qua đều có biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức mà nguyên nhân trước hết là do chính bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Không ít đảng viên đã không vượt qua được cái “tôi” nhỏ bé, sa ngã trước những cám dỗ vật chất tầm thường, biến mình thành nô lệ của đồng tiền và quyền lực, dẫn đến tệ tham nhũng, cửa quyền, mất đoàn kết…

Những vụ việc trên thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận cán bộ có biểu hiện biến chất, sa ngã, có lối sống buông thả.

Hậu quả đau lòng đã thấy rõ, đúng là số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật nhiều thậm chí có cán bộ lãnh đạo cấp cao cho thấy mức độ đau lòng khi đội ngũ Đảng viên, suy thoái, biến chất ngày một nhiều. Không ít cán bộ đã tự đưa chân mình vào “lò lửa”. Không chỉ bị thi hành kỷ luật mà còn vướng vòng lao lý, tài sản phi pháp bị thu hồi, gia đình người thân tủi hổ, đồng nghiệp cơ quan xa lánh, nhân dân khinh ghét.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cả trong suy nghĩ và hành động. Người luôn coi đức tính giản dị là chân lý cuộc sống. Người sớm nhận rõ sự tha hóa lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng ở mức nào. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người một lần nữa căn dặn cán bộ, đảng viên phải thực hiện và là tấm gương hành động “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để nhân dân trông vào.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống sự tha hóa về lối sống, suy thoái đạo đức của đội ngũ đảng viên. Nhân dân, đảng viên ủng hộ mạnh mẽ điều này, bởi sự tha hóa về nhân cách sẽ dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý, thậm chí gây tội ác cho xã hội.

Do đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa đạo đức, lối sống cũng đồng thời là phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Để công cuộc này có kết quả tích cực cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau.

6 tháng qua, việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Nhưng quyết tâm phòng chống tham nhũng gặt hái được nhiều thành công bao nhiêu, thì nhân dân sẽ càng phải vui mừng vì thành quả bấy nhiêu. Chúng ta không được đau xót, nuối tiếc những con người suy thoái, biến chất, có hành vi tham nhũng, vơ vét tài sản của nhân dân vào túi riêng.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ cơ sở tới trung ương cần gương mẫu tự giáo dục, “tự soi, tự sửa”, tự khép mình vào kỷ luật một cách toàn diện và triệt để, tự biết xấu hổ khi sống trái đạo lý làm người. Người xưa đã nói: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Đó là liêm sỉ và cũng là lẽ tối thiểu ở đời.

“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại câu thơ Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để nhắn nhủ mỗi đảng viên trong cuộc gặp mặt các đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ diễn ra đầu tháng qua.

Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, để phát huy vai trò tiên phong, mỗi đảng viên phải có 2 điều quan trọng là đức và tài. Đức đi đôi với tài nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Người không có tài thì không làm được việc gì, nhưng có tài mà không có đức thì phá cả cách mạng.

Lời nhắc nhở này càng mang tính thời sự hơn khi thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên suy thoái đạo đức, xa rời mục đích, lý tưởng của Đảng, gây họa cho đất nước, cho nhân dân, đến mức phải bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.

Xử lý kịp thời, nghiêm khắc những người giữ chức vụ trong Đảng vi phạm kỷ luật theo phương châm “quốc pháp vô thân” để làm gương đối với các cán bộ, đảng viên. Ở đây, trực tiếp là đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt định kỳ và bất thường trong toàn hệ thống chính trị nhằm quản lý chặt chẽ từng cán bộ, mọi đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú

Tiếp đến là cần đẩy mạnh, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. Bởi không ở đâu nắm rõ về đồng chí, đồng nghiệp của mình bằng chính những người gắn bó với công việc của chính cán bộ, đảng viên đó. Từ những sự việc đáng buồn liên quan đến lối sống của Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Quang Hải, Nguyễn Bá Cảnh… cho thấy, khi vai trò của chi bộ, đoàn thể cơ sở bị tê liệt, không phát hiện được vi phạm từ trứng nước, rất dễ dẫn tới đảng viên của mình trượt dài, sa ngã và cuối cùng là vướng vào lao lý.

Bởi vậy, cần có cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, Ban Cán sự đảng hoặc Đảng đoàn với ban lãnh đạo cơ quan chức năng trong việc phát huy dân chủ, công khai các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên là điều kiện tiên quyết.

Bên cạnh đó phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân và báo chí tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và đoàn thể một cách thực chất hơn, trước hết là trong giám sát đảng viên, cán bộ ở mọi lúc mọi nơi. Nếu buông lỏng, lơ là việc này thì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) sẽ khó thành công.

Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của quá trình mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, càng đòi hỏi người đảng viên phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để có đủ nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống đời thường. Sự tha hóa về lối sống sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, làm sụt giảm uy tín của Đảng và đội ngũ đảng viên trước quần chúng nhân dân.

Vì vậy, cần phải bình tĩnh ngăn chặn, chủ động phòng ngừa, kiên quyết tẩy trừ những thói hư tật xấu đang hiện diện trong đảng viên, để Đảng luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, “trống đã đánh phải đánh liên hồi” khi nói về cuộc chiến chống tham nhũng, chống quan liêu, chống suy thoái hiện nay. Quyền lực phải được kiểm soát và giám sát. Chỉ khi đó, mỗi cán bộ, đảng viên mới có động lực thúc ép mình thường xuyên tu dưỡng, đức sẽ được bồi đắp, tâm sẽ thêm sáng.

Không ai biết mình bằng chính mình. Mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên luôn biết mình đang ở đâu, đã từng tham – sân – si lúc nào, sai phạm ra sao, nặng hay nhẹ để tự sửa chữa, gột rửa; Mỗi đảng viên hãy luôn nhớ lại khoảnh khắc giơ nắm tay tuyên thệ trước lá cờ Đảng là: tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng cả Đảng; có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, để tự soi lại mình, tự nhắc nhở mình, tự cảnh tỉnh mình, trước khi tổ chức “sờ gáy”.

Khi từng cán bộ đảng viên thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn lấy đức làm trọng, lấy tài năng để phụng sự thì Đảng ta sẽ thực sự là đạo đức, là văn minh, là đất nước được phát triển hùng cường, là nhân dân được ấm no, giàu có và hạnh phúc.

Hồng Đinh

Đọc nhiều