130115
topics
556874

Nhiều bệnh viện dã chiến TP.HCM “hoàn thành sứ mệnh”

09/10/2021 16:28

Các bệnh viện dã chiến tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ là những cơ sở ngừng hoạt động cuối cùng.

Sáng 9/10, Sở Y tế TP.HCM công bố lộ trình chuyển đổi công năng, tái cấu trúc hoạt động của các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Giữ lại 4 bệnh viện dã chiến

Bệnh viện dã chiến số 5 (đặt tại Thuận Kiều Plaza, quận 5) là một trong 4 bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng. (Ảnh: HCDC TP.HCM).

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, TP.HCM thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là tiếp nhận, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Tính đến ngày 8/10, thành phố ghi nhận 9.443 F0 đang điều trị tại các cơ sở này.

Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại học tập.

Dự kiến, các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12 năm nay. Riêng Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (An Khánh, TP Thủ Đức) sẽ là những cơ sở ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12. Nguyên nhân là những bệnh viện này được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để tiếp nhận F0 nặng.

Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 5 (đặt tại Thuận Kiều Plaza, quận 5) cũng trong danh sách cơ sở dã chiến ngừng hoạt động sau cùng. Bệnh viện này phụ trách tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).

Bệnh viện dã chiến quận, huyện tiếp tục duy trì

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận, huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn, giúp điều trị F0 có triệu chứng và góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố.

Tính đến ngày 8/10, TP.HCM có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.

BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1

Mô hình bệnh viện dã chiến quận, huyện càng phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Nhất là trong giai đoạn chuyển đổi công năng khám chữa bệnh của các bệnh viện. Do đó, TP.HCM vẫn rất cần các bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận cách ly F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Theo kế hoạch, các quận, huyện sẽ thành lập bệnh viện dã chiến, với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện, trong đó có 30-50 giường oxy. Cơ sở nào sử dụng hạ tầng là trường học sẽ chuẩn bị phương án di dời sang địa điểm mới, ưu tiên sử dụng nguồn đất công để có thể sử dụng lâu dài.

Chuyển giao 3 trung tâm hồi sức của Bộ Y tế

Về tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 (trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế) khi các bệnh viện Trung ương bàn giao lại cho thành phố, Sở Y tế TP.HCM sẽ phân công các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn tiếp nhận và duy trì hoạt động các trung tâm này.

Được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tiếp nhận Trung tâm hồi sức trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (dự kiến tiếp nhận vào ngày 15/10).

Bên trong Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BYT

Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận trung tâm hồi sức trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến tiếp nhận vào ngày 20/10).

Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM vận hành Trung tâm Hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 14 đến cuối năm nay. Sau đó, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận và vận hành trung tâm này.

Theo kế hoạch, Sở Y tế TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” tại các bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14, tương ứng với các trung tâm hồi sức nằm kế cạnh.

Các trung tâm hồi sức nêu trên sẽ sáp nhập với bệnh viện dã chiến số 16, 13, 14 trở thành các “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”.

Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến bệnh viện này công tác.

Ngành y tế TP.HCM nhấn mạnh mặc dù các cơ sở này gần như hoàn thành “sứ mệnh” trong giai đoạn dịch bệnh của thành phố, việc duy trì bệnh viện dã chiến là nhu cầu tất yếu trước mắt, cũng là chiến lược lâu dài trong tình hình mới.

Anh Thư

Đọc nhiều