Nhiệm kỳ này giảm hơn 334.000 biên chế thuộc Chính phủ quản lý

16/09/2020 19:39

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo con số trên với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (tính đến năm 2020).

Năm 2021 còn phải giảm hơn 2 vạn biên chế nữa

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu một trong các kết quả nổi bật là công tác tinh giảm biên chế, bộ máy. Theo đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế giao năm 2015.

Nhiệm kỳ này giảm hơn 334.000 biên chế thuộc Chính phủ quản lý - Ảnh 1.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Ảnh: VIỆT DŨNG

“Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người, so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Chính phủ quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đích thân Thủ tướng đã chủ trì hội nghị toàn quốc để chỉ đạo, đôn đốc giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài. Tỉ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2019 đạt cao (86,2%) so với năm 2016 (78,6%).

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết trong giai đoạn 2016-2019, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn trong tất cả các nội dung trọng tâm (đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư; cơ cấu lại thị trường tài chính…).

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Thủ tướng đã ban hành Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các đề án có liên quan, bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới.

Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và tiếp tục chỉ đạo tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 theo phương thức xã hội hóa, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và theo đúng lộ trình được giao.

Tội phạm liên quan đến đất đai thường khó phát hiện

Báo cáo về trách nhiệm của ngành tòa án trongviệc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tính từ ngày 1-6-2019 đến 30-6-2020, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 35 vụ với 138 bị cáo; xét xử 19 vụ với 67 bị cáo phạm các tội liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này được chỉ ra: việc điều tra, truy tố những người phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai thường khó phát hiện hơn những người phạm tội khác; có nơi còn có biểu hiện sợ mất thành tích, mất cán bộ nên không xử lý, thậm chí che giấu vi phạm…

Người đứng đầu ngành tòa án khẳng định quan điểm “áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; đồng thời, chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản”.

Nhiệm kỳ này giảm hơn 334.000 biên chế thuộc Chính phủ quản lý - Ảnh 2.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động xét xử của tòa án được dư luận rất quan tâm. Trong ảnh là chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời các phóng viên bên lề Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội – Ảnh: LÊ KIÊN

Đối với việc thực hiện chủ trương bảo đảm tranh tụng, chống oan, sai trong xét xử, chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết từ 1-10-2015 đến 30-6-2020, các tòa án đã thụ lý 17 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, đã giải quyết dứt điểm 12 trường hợp.

Trong khi đó, báo cáo của VKSND tối cao cho biết “đã thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; giải quyết bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ việc đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.

VKSND tối cao cũng khẳng định đã “tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản… để khởi tố, điều tra, truy tố đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án được dư luận, đồng tình, ủng hộ”.

LÊ KIÊN/TT

Đọc nhiều