Nhật và Australia đạt thỏa thuận quân sự mới

17/11/2020 20:36

Nhật và Australia đạt thỏa thuận mới cho phép các lực lượng vũ trang tập trận chung, thăm lẫn nhau và có thể cùng tiến hành chiến dịch quân sự.

“Tôi xin thông báo rằng chúng tôi đã nhất trí về nguyên tắc trong một thỏa thuận tiếp cận có qua có lại, được đàm phán nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật và Australia lên một tầm cao mới”, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay, đề cập tới Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA), sau khi tiếp đón người đồng cấp Australia Scott Morrison tại Tokyo.

“Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sự hợp tác an ninh – quốc phòng giữa Nhật và Australia, hai quốc gia có ý chí và năng lực đóng góp cho sự hòa bình và ổn định khu vực, đang trở nên ngày càng quan trọng”, ông Suga nói thêm.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (phải) và người đồng cấp Australia Scott Morrison trước cuộc họp tại Tokyo hôm nay. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (phải) và người đồng cấp Australia Scott Morrison trước cuộc họp tại Tokyo hôm nay. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, ông Morrison ca ngợi RAA là một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt. “Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của chúng tôi trở nên thậm chí mạnh mẽ hơn, bởi hôm nay chúng tôi đã đạt được bước tiến quan trọng”, Thủ tướng Australia đề cập đến RAA.

Tokyo và Canberra đã đàm phán RAA trong 6 năm. Đây sẽ là thỏa thuận quân sự đầu tiên của Nhật kể từ sau thỏa thuận về các lực lượng vũ trang với Mỹ vào năm 1960, trong đó cho phép Washington bố trí tàu chiến, tiêm kích và hàng nghìn binh sĩ trên lãnh thổ và xung quanh Nhật Bản, như một phần của liên minh mà Washington mô tả là nền tảng an ninh khu vực.

RAA được cho là giúp củng hộ quan hệ quốc phòng giữa hai đồng minh của Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực gây ảnh hưởng khắp khu vực, còn Mỹ đang trải qua quá trình chuyển đổi bộ máy lãnh đạo. Hồi đầu tháng 10, ngoại trưởng các nước Mỹ, Australia, Nhật và Ấn Độ, hay còn gọi là nhóm “Bộ Tứ”, cũng họp tại Tokyo để thảo luận về sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở”, nhằm đối phó Trung Quốc.

Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá RAA cho thấy Nhật Bản muốn “đa dạng hóa năng lực an ninh để không phải lúc nào cũng phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ”, trong khi Australia là một đối tác có nhiều lợi ích chung, lại gần gũi về vị trí địa lý.

Về phía Australia, John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết RAA nhằm “giảm thiểu mối đe dọa từ một Trung Quốc ngày càng táo bạo”, trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng.

Ánh Ngọc/VE

Đọc nhiều