Nhặt rác thải tạo chế phẩm sinh học, kiếm tiền tỷ, giúp được nhiều hộ thoát nghèo
Là tấm gương phụ nữ điển hình giỏi việc nước, đảm việc nhà của địa phương, bà Trịnh Thị Hồng (TP Đà Nẵng) luôn được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ với việc đi nhặt rác thải thực vật rồi biến thành chế phẩm sinh học.
Đặc biệt, mô hình chế tạo rác thải thực vật thành chế phẩm sinh học của bà Trịnh Thị Hồng (55 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu TP Đà Nẵng) đã giúp gia đình vươn lên làm giàu, đồng thời tạo điều kiện để hàng chục hộ nghèo đổi đời.
Cuộc đời gắn bó với rác
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em và mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên bà Trịnh Thị Hồng sớm phải tự mình bươn chải kiếm sống. Tuổi thơ là những năm tháng lang thang khắp nơi đào đất, bươi rác để nhặt sắt vụn, ve chai kiếm tiền ăn học.
Dù cuộc sống lắm khó khăn, vất vả trăm bề nhưng bà vẫn cố gắng hoàn thành xong chương trình bổ túc lớp 12 và xoay xở học nghề. Bên cạnh đó, bà Hồng là người phụ nữ luôn năng nổ trong mọi hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng và xã hội tại địa phương.
Chia sẻ về cơ duyên biết đến chế phẩm sinh học, bà Hồng hứng khởi nói: “Năm 2011, tôi thấy nhiều thùng rác thải, thức ăn thừa trong khu dân cư bị ùn ứ nhiều ngày không được thu gom, bốc mùi hôi thối. Lúc đó tôi mới nghĩ nếu có cách nào tái chế được rác, “biến” rác thành tiền thì môi trường thành phố sẽ trở nên xanh đẹp biết bao. Và những thử nghiệm đơn sơ lúc đó đều thất bại, mọi người nói tôi vô công rỗi nghề nên mới đem rác về nhà rồi ảo tưởng sẽ kiếm ra tiền từ nó.
Đến năm 2012, tôi may mắn có cơ hội sang Philippines cùng PGS.TS Lê Diệu Ánh để nghe và xem cách họ ủ rác thải thực vật thành chế phẩm sinh học.
Chính điều này đã khiến tôi mừng như trúng số và tạo động lực để tôi bắt tay vào nghiên cứu thử nghiệm bài bản, hi vọng tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, giúp ích cho cộng đồng”.
Sau 2 năm vấp phải vô số thất bại, bà Hồng đã bước đầu có được sự thành công với sản phẩm nước rửa chén sinh học, được tạo nên nhờ công nghệ chiết xuất enzyme.
Những quy trình, công thức “biến” rác thành sản phẩm sinh học hữu ích được bà đúc kết, tập huấn, truyền đạt lại cho nhiều chị em tại địa phương học hỏi, sử dụng trong gia đình. Dựa vào nhận xét của mọi người, bà tiếp tục nghiên cứu và chế tạo nên những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Vừa kiểm tra thùng ủ chế phẩm bà Hồng vừa cho biết, học theo tài liệu chiết xuất enzyme từ lần đi Philippines về là không đủ để tạo nên sự thành công, nên bà phải học thêm kiến thức chuyên ngành sinh học từ nhiều sách vở, tài liệu, hoặc tìm đến các chuyên gia để được giải đáp.
Qua nhiều lần thử nghiệm thì loại rác thải hữu cơ dùng để ngâm tạo chế phẩm phải là loại chưa phân hủy hôi thối, còn tươi mới như: rau, vỏ củ, quả, hoa đã qua sử dụng; cơm thừa; lá cây.
Bà Hồng chia sẻ: “Tôi rửa sạch, cắt nhỏ 3kg rác thực vật trộn với 300g đường và 10 lít nước, sau đó ủ trong thùng nhựa kín 30 ngày sẽ cho ra 10 lít chế phẩm sinh học, tiếp tục lọc qua hệ thống để thu được 2 lít dung dịch thô.
Đến đây, chiết xuất từ rau củ quả đã có thể sử dụng làm nước rửa chén, nước lau nhà, lau bếp. Tuy nhiên, dung dịch ít bọt, có mùi hôi khó chịu nên không thể tiêu thụ trên thị trường.
Giúp người nghèo đổi đời
Tâm huyết với công trình sinh học vì môi trường, bà Hồng tiếp tục mày mò thử nghiệm cách khử mùi và tạo độ đậm đặc cho sản phẩm. Bằng cách trộn dung dịch thô với dầu dừa, cam, sả, chanh, quế để tạo mùi thơm tự nhiên và thêm bồ kết, bồ hòn để tạo bọt.
Kết hợp ủ với tinh bột nghệ hoặc màu hoa quả tự nhiên để tạo màu sản phẩm và ủ trong 45 ngày sẽ cho ra nước rửa chén, nước giặt, nước lau nhà, nước rửa tay sinh học an toàn, tiện lợi, tiết kiệm.
Bà Hồng nói: “Điều quan trọng nhất quyết định sự thành bại của sản phẩm chiết xuất sinh học, là nồng độ pH phải đạt mức quy định từ 6-8. Nếu thấp quá thì không đạt chất lượng, cao quá thì có mùi hôi, cho nên tôi được chị Ánh tặng hệ thống lọc dung dịch trị giá 100 triệu đồng để ổn định độ pH. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cũng giúp đỡ tôi hoàn thiện nhãn mác, logo, nhận dạng thương hiệu để mang sản phẩm đi tiêu thụ.
Đặc biệt, nguồn tiền thưởng từ các cuộc thi lớn như cuộc thi sáng tạo do Hatch Fair tổ chức năm 2016 (3.000$), cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2019 (95 triệu đồng) và nhiều phần thưởng giá trị khác đã giúp tôi có thêm nguồn vốn để thực hiện ước mơ”.
Năm 2016, bà Hồng thành lập Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng và giữ vai trò làm Giám đốc. Mỗi tháng, xưởng góp phần tiêu thụ hơn 1 tấn rác thực vật, xuất bán 10.000 lít dung dịch sinh học các loại. Giải quyết việc làm cho 5 lao động cố định, với mức lương dao động từ 6-9.000.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, bà Hồng nhận thu mua dung dịch thô của 140 người thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với giá 2.000 đồng/lít, để về tiếp tục lọc ủ theo quy trình. Nhờ đó, nhiều người nghèo như có chiếc cần câu cá để ổn định cuộc sống với mức thu nhập từ 3-6.000.000 đồng/tháng.
Những sản phẩm sinh học Minh Hồng gồm các loại: nước rửa chén (khoảng 80.000 đồng/lít), nước giặt (khoảng 55.000 đồng/lít), nước giữ hoa tươi lâu, nước lau nhà, lau kính, lau bếp. Đây là những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa không hại da tay, an toàn cho sức khỏe, xua đuổi côn trùng.
Hiện nay, những sản phẩm của bà Hồng được nhiều đại lý phân phối, tiêu thụ ở: Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…. Mỗi tháng, công ty Minh Hồng đạt doanh thu 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Bà Hồng tâm đắc: “Từng trải qua cuộc sống nhiều khổ cực, nên ngày đó tôi chỉ ước mong sao cho dự án sinh học này thành công, để tôi có thể giúp được nhiều người nghèo khổ có kế sinh nhai. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư sáng chế các sản phẩm làm từ thảo dược, áp dụng công nghệ cao để mở rộng quy mô sản xuất như: sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội dưỡng tóc, nước lau đa năng (sàn, bếp, kính)”.
Được biết, bà Trịnh Thị Hồng từng đảm đương tốt nhiều vai trò làm công tác xã hội tại địa phương và là gương phụ nữ điển hình được mọi người kính trọng. Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, bà Hồng tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện với hi vọng giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
PV/DV