Nhất nguyên Chính trị của Việt Nam là gì?
Năm năm trở lại đây, các thế lực thù địch đã nỗ lực chống phá, xuyên tạc về nhất nguyên chính trị ở Việt Nam. Thông qua đó kêu gọi đa nguyên, đa đảng. Đã đến lúc cần đơn giản hóa các khái niệm chính trị để người dân nắm được bản chất thật của các luận điệu xuyên tạc này. Vậy nhất nguyên chính trị là gì?
Đó là thể chế một đảng cầm quyền. Ở nước ta, vai trò này thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục tiêu xuyên suốt.
Từ đặc trưng thể chế một đảng cầm quyền của Việt Nam, các nhân vật “dân chủ” được nhiều thế lực thù địch dựng lên vin vào để dẫn dắt, hướng lái dư luận. Từ đó đưa ra những luận điệu xuyên tạc như, “Một đảng cầm quyền, tức là độc tài, không có sự cạnh tranh quyền lực với các đảng phái đối lập, sẽ dẫn đến chủ quan, trì trệ, thiếu đổi mới, cản trở sự phát triển của đất nước”.
Mới nghe qua, nhiều người thấy có vẻ hợp lý, nhưng khi phân tích, sẽ nhận ra sự sai trái của luận điểm này.
Ở các nước phương Tây, nền chính trị tuy đa đảng, nhưng thực chất vẫn là chế độ nhất nguyên chính trị Tư bản chủ nghĩa (TBCN). Tất cả các đảng phái chính trị đều do giai cấp tư sản cầm quyền. Thực tế là các nước này cũng không tránh được các cuộc khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đơn cử là hàng loạt các cuộc diễu hành phản đối chính phủ ở các nước lớn như Anh , Đức, Pháp, Ý… thời gian qua. Một nước vẫn tự hào về thể chế chính trị mẫu mực như Anh đã liên tục thay chính phủ 3 lần trong 8 tuần giai đoạn quý 3 năm 2022, thì không có cơ sở để nói đa đảng ưu việt hơn một đảng cầm quyền. Trong khi Việt Nam luôn được đánh giá cao bởi tình hình chính trị ổn định, người dân được sống trong hòa bình, tự do và phát triển.
Một luận điểm phổ biến được các thế lực thù địch sử dụng thường xuyên là phóng đại sự tha hóa của cán bộ lãnh đạo. Từ đó, để đánh tráo khái niệm, nâng quan điểm, cho rằng một đảng cầm quyền sẽ không kiểm soát được những cá nhân tham ô, tham nhũng, dung dưỡng cho các hành vi trục lợi, chèn ép người dân. Luận điểm nguy hiểm này nở rộ như nấm sau mưa, nhất là khi các vụ đại án như Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”…được đưa ra ánh sáng.
Theo báo cáo của Đại học Illinois tại Chicago về 10 tiểu bang tham nhũng nhất nước Mỹ theo số liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ giai đoạn 1976-2020. Những kẻ tung hô nước Mỹ, cho đó là đất nước hiếm khi xảy ra tham ô, tham nhũng, hối lộ, sẽ phải tròn mắt khi biết để làm lợi cho công ty và các nhà tư bản đã chi tiền cho mình, các chính trị gia hàng đầu tiểu bang Illinois đã sẵn sàng bẻ cong một số đạo luật. Commonwealth Edison (công ty điện lực lớn nhất Illinois) đã hối lộ để Chủ tịch Hạ viện bang Illinois Michael Madigan để ông này tác động lên các nhà lập pháp bang thông qua luật cho phép Commonwealth Edison tăng giá điện. Hậu quả là người dân buộc phải gánh chịu thiệt hại lâu dài, trong khi túi tiền của những kẻ giàu lại phồng to.
Trước đó, ngay cả George Ryan (Thống đốc Illinois nhiệm kỳ 1999 – 2003, từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2005), đã bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ và gian lận khi chuyển những hợp đồng béo bở của tiểu bang cho Warner (nhà vận động hành lang) và bạn bè, người thân khác của ông.
Dẫn chứng để thấy, tham nhũng là vấn nạn trên toàn thế giới, không riêng một quốc gia nào. Quan trọng là thái độ và cách xử lý đối với vấn nạn đó mà thôi. Việt Nam luôn cho thấy quyết tâm bài trừ tham nhũng dưới mọi cấp độ và đang làm rất quyết liệt.
Việt Nam từ một nước nghèo, không đủ lương thực, lạc hậu, đã trở thành 1 trong 30 nước hùng mạnh nhất thế giới, với quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2022 ước đạt 409 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4.110 USD/người, tăng 393 USD so với năm 2021. Năm nay, dù khó khăn, dự kiến nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 6 – 6,5%.
Từ tất cả những gì đã nhìn thấy trong thực tế chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, chúng ta hiểu rằng nhất nguyên chính trị, với chế độ XHCN, Đảng lãnh đạo, là lựa chọn đúng đắn và hợp thời cuộc của người dân Việt Nam.
Phạm Khoa