Nhật Bản có thể sẽ phải “nhường” vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới cho quốc gia này
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa tính theo USD vào năm 2023 của Nhật Bản đạt 4,23 nghìn tỷ USD, giảm 0,2% so với năm trước. Con số này thấp hơn mức 4,43 nghìn tỷ USD của Đức (tăng 8,4%). Nghĩa là Nhật Bản có thể sẽ phải “nhường” vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới cho Đức.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh đồng yên mất giá. Cụ thể, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), tỷ giá euro/yên gần đây giao dịch ở mức khoảng 1 euro đổi gần 160 yên. Lần gần đây nhất ở mức này là vào tháng 8/2008.
Sự sụt giảm của đồng yên phần lớn do sự khác biệt cơ bản trong chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ Liên Bang (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ mức thấp của đại dịch để giải quyết lạm phát trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì chính sách kích thích nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau nhiều năm giảm phát. Sự chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng khiến đồng yên ngày càng sụt giảm mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura bày tỏ quan điểm khi được hỏi về dự báo của IMF: “Đúng là tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản có phần tụt lại phía sau và vẫn ở mức chậm chạp. Chúng tôi muốn lấy lại nền tảng đã mất trong 20 hoặc 30 năm qua. Chúng tôi muốn đạt được điều đó thông qua các biện pháp như gói kích thích kinh tế sắp tới.”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết rằng gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm việc mở rộng trợ cấp năng lượng, hỗ trợ những người có thu nhập thấp và có kế hoạch giảm thuế cho các công ty dự định tăng lương cho nhân viên.
Bên cạnh đó, dự báo của IMF cũng cho thấy Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026. Trong giai đoạn 2026-2028, Nhật Bản có thể sẽ rơi xuống vị trí thứ 5 thế giới, Ấn Độ đứng thứ 4 vào năm 2026 và thứ 3 vào năm 2027.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, sự “soán ngôi” trong vị thế toàn cầu giữa 3 cường quốc công nghệ vừa đem lại những cơ hội xen lẫn thách thức cho nước ta. Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, do đó sự giảm sút của nền kinh tế xứ mặt trời mọc sẽ tác động đến năng lực xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản và không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ phải tìm kiếm những thị trường thay thế khác.
Tất nhiên, Ân Độ với hơn 1,8 tỉ dân là lựa chọn đầu tiên có thể tính đến. Vấn đề ở chỗ, sự tương đồng về văn hóa, xu hướng tiêu dùng của Ấn Độ với Việt Nam sẽ không giống như với Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt sẽ phải thích ứng với các cú sốc văn hóa, xã hội trên con đường dịch chuyển sang thị trường đông dân nhất thế giới. Một rào cản tương tự cũng sẽ xảy ra ở Đức và thậm chí có thể gay gắt hơn khi cách biệt địa lý lẫn văn hóa đều xa hơn nhiều so với Ấn Độ.
Thứ hai, trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy ngành công nghệ bán dẫn, mở rộng hợp tác với Ấn Độ và Đức là một lựa chọn không tồi, khi mà cả hai nước đã nổi tiếng là cường quốc công nghệ và khoa học. Ấn Độ cũng có nguồn nhân lực tài năng và trí thức cao, việc tận dụng các cơ hội hợp tác với Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích không chỉ về thương mại mà còn về đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động trong nước và thu hút Expat trình độ cao về Việt Nam.
Đáng lo nhất, có lẽ là nguy cơ suy yếu của đồng yen trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Tuy sẽ giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tỉ giá hối đoái thấp để tăng giá trị cạnh tranh, nhưng cũng làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Nhật. Điều quan trọng là các biện pháp trong tương lai của chính phủ Nhật để giữ vững vị thế của nền kinh tế, hay ít nhất là của đồng yen. Một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế lớn sẽ gây ra không ít xáo trộn đối với các doanh nghiệp của các nước lẫn Việt Nam. Các biện pháp “giảm sốc”, thích nghi là điều mà các doanh nghiệp sẽ phải tính toán ngay từ bây giờ.
Nhìn chung, cuộc tranh hạng của 3 đối tác hàng đầu của Việt Nam sẽ đang ẩn chứa hàng loạt những cơ hội. Nếu biết tận dụng tốt các cơ hội và phòng ngừa rủi ro, kịch bản “soán ngôi” sẽ là cú hích cho nền kinh tế Việt Nam.
Đông Duy