Nhật Bản có thật sự “sạch” như ta luôn nghĩ?

17/10/2019 14:58

Nhật Bản xưa nay vẫn luôn được nhìn nhận là một quốc gia vô cùng sạch sẽ, được gần như cả thế giới tán dương. Sự sạch sẽ đó gần đây lại được cả thế giới trầm trồ khi một vài hình ảnh nước trong xanh, không gợn rác được chia sẻ ngay trong cơn bão Hagibis mà Nhật Bản vừa gánh chịu cách đây mấy ngày. Tuy nhiên, Nhật Bản thật sự có phải một quốc gia “xanh, sạch, hiền hoà với môi trường” mà chúng ta đã luôn nghĩ?

Rác thải nhựa tràn lan tại Nhật Bản
Rác thải nhựa tràn lan tại Nhật Bản

Có những sự thật về Nhật Bản mà có lẽ ít ai trong chúng ta có thể tưởng tượng, Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải đứng thứ hai thế giới, cộng thêm phát thải nhà kính gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng trên hơn 10 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, khoảng 20.000 đến 60.000 tấn chất thải nhựa được xả ra biển, đứng thứ hai toàn thế giới.

Theo thống kê, mỗi người ở Nhật sử dụng khoảng 300 – 400 túi nhựa mỗi năm, tương đương hơn 40 tỷ túi nhựa cho cả quốc gia. Trong đó hầu hết đều do thói quen dùng thức ăn nhanh và đóng gói bao bì sản phẩm. Đây được xem như thói quen đã ăn sâu vào lối sống của họ.

Tại các biển, vịnh đánh cá khắp cả nước Nhật vẫn ngập tràn trong rác thải nhựa. Đơn cử như vịnh Osaka, ông Shoji Kousaka, Phó chủ tịch Liên minh Chính quyền Kansai đã ước tính có hơn 6,1 triệu phế liệu nhựa và khoảng 3 triệu túi nhựa hiện vẫn đang nằm dưới đáy vịnh này. Đây thực sự là con số đáng báo động, ảnh hưởng vô cùng đến môi trường biển, số phế liệu nhựa thải ra biển có thể phá hủy hệ sinh thái, cản trở giao thông đường thủy và gây ô nhiễm đại dương.

Tất cả mọi thứ ở Nhật đều được đóng gói bằng túi nhựa.
Tất cả mọi thứ ở Nhật đều được đóng gói bằng túi nhựa.

Ở một diễn biến khác, trong bối cảnh toàn cầu tuyên truyền hạn chế sử dụng đồ nhựa vì lo ngại gây tác hại tới môi trường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại thể hiện một quan điểm mới lạ khi bảo vệ chất liệu này, vì cho rằng tính tiện dụng của chúng là bước tiến cho xã hội hiện đại: “Chúng ta không nên coi đồ nhựa là kẻ thù, cũng như không nên tẩy chay những người dùng chúng.” Đây được xem là phát ngôn đi ngược lại với tiêu chí bảo vệ môi trường mà Nhật Bản và cả thế giới đang muốn hướng đến.

Việc phân loại rác, xử lí rác vô cùng khoa học của người Nhật được cả thế giới thán phục. Nhưng trên thực tế, dù đã được phân loại thì khoảng 60% rác thải nhựa của Nhật được tái chế bằng biện pháp đốt cháy, tạo nhiệt sản xuất điện. Đây được xem là phương án để giảm thiểu rác thải nhựa tối ưu hiện tại, tuy nhiên nếu để những quốc gia thiếu luật môi trường hoặc thực thi luật không nghiêm ngặt về quy trình xử lí khí thải, thì khả năng phát thải ra các chất ô nhiễm độc hại được thải ra môi trường sẽ càng ảnh hưởng cho con người và môi trường hơn gấp nghìn lần.

Ở một khía cạnh khác, Nhật Bản giảm tải rác của chính mình bằng cách xuất khẩu rác sang các nước nghèo hơn, nơi không có các hệ thống tái chế hiện đại. Và chắc ít người biết rằng, Việt Nam chính là quốc gia thu lượm khối lượng khổng lồ rác thải từ Nhật mà không hề có cách thức xử lí tái chế hiện đại để bảo vệ môi trường.

Lượng rác nhựa khổng lồ ở Nhật được giải quyết bằng cách đẩy hết sang các nước nghèo hơn với tên gọi hoa mỹ là “xuất khẩu”.
Lượng rác nhựa khổng lồ ở Nhật được giải quyết bằng cách đẩy hết sang các nước nghèo hơn với tên gọi hoa mỹ là “xuất khẩu”.

Giáo sư Karen Raubenheimer, đại học Wollong (Úc), chuyên gia về chính sách rác thải biển đã thẳng thừng chỉ trích Nhật Bản là một quốc gia dối trá: “Họ nói rằng họ đang tái chế rác rất nhiều, nhưng tái chế bao nhiêu trong nước và bao nhiêu gửi sang nước khác, không ai biết hay theo dõi được”.

Đặc biệt hơn, Nhật Bản cũng đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng phát thải nhà kính trên toàn thế giới. Hiệu ứng nhà kính cũng chính là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, thủng tầng ozon, thời tiết khiến lượng mưa và nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát triển và sinh sôi. Chính xác hơn, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia góp “công lao” lớn trong việc biến đổi khí hậu.

Sáng ngày 12/10, siêu bão Hagibis đánh trực tiếp vào Nhật Bản. Trong cảnh hoang tàn, đổ nát trước siêu bão Châu Á, một vài hình ảnh nước lũ trong xanh như nước hồ bơi xuất hiện khiến cả thế giới phải ca thán. Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh tại một vùng ven Tokyo, trong khi ở một số nơi khác hình ảnh lại không được xinh đẹp và nên thơ đến vậy khi rác và các vật dụng trôi nổi khắp các nẻo đường phố như một quy luật mà nó vốn có.

Một vài nơi khác ở Nhật vẫn xuất hiện rác trôi nổi.
Một vài nơi khác ở Nhật vẫn xuất hiện rác trôi nổi.

Nghiêm trọng hơn, tỉnh Fukushima đã xác nhận một lượng rác thải phát sinh trong hoạt động khử nhiễm xạ liên quan tới sự cố hạt nhân ở Fukushima năm 2011 đã bị nước lũ cuốn trôi xuống một con sông gần đó sau khi siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản. Mặc dù giới chức thành phố Tamura lên tiếng cho rằng số rác thải này không hề tác động đến môi trường, nhưng thực hư như thế nào còn là một ẩn số.

Sự văn minh, sạch sẽ của Nhật Bản thật sự là tấm gương sáng cho cả thế giới. Tuy nhiên, những vấn đề tác động đến môi trường mà Nhật Bản gây ra cho Trái Đất và các nước kém phát triển hơn cũng đáng bị lên án và Nhật Bản cần có biện pháp xử lí triệt để về vấn đề sử dụng nhựa trong cuộc sống hằng ngày để có thể cùng chung tay với thế giới chống lại rác thải nhựa, hiểm hoạ của toàn cầu.

Thanh Lâm

Tags :
Đọc nhiều