130115
topics
566995

Nhân viên y tế, người dân và quan chức đều bất lực vì mục tiêu “Zero Covid-19” của Trung Quốc

Bảo Trâm 19/11/2021 08:16

Trang Guardian về chia sẻ thông tin Thụy Lệ, một thành phố thuộc tỉnh Vân Nam, ở biên giới Trung Quốc giáp với Myanmar đã trở thành “nhà giam” của 260.000 cư dân, tất cả cũng bởi vì mục tiêu “Zero Covid-19” đến tận cùng của Chính phủ Trung Quốc.

Theo Guardian, không một quốc gia nào có những biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt như Trung Quốc. Có những trường hợp trẻ em bị “ngoáy mũi” đến cả trăm lần, đến chảy cả máu mũi, nhân viên y tế và lực lượng chức năng kiệt quệ vì phương pháp truy vết nghiêm ngặt của Chính phủ.

Được biết, ngay cả khi các khu vực còn lại của đất nước này đã trải qua một năm tương đối bình thường với số các trường hợp dương tính Covid-19 nằm trong tầm kiểm soát, thì Thụy Lệ vẫn trải qua gần 200 ngày bị phong tỏa.

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, một đứa trẻ mới biết đi ở Thụy Lệ đã phải trải qua 4 đợt phong tỏa kể từ tháng 9/2020 và đã được xét nghiệm Covid-19 tới 74 lần kể từ lúc được sinh ra.

Kể từ tháng 7, để ngăn chặn sự bùng phát, tất cả các cửa hàng ở Thụy Lệ, ngoại trừ siêu thị, bệnh viện và hiệu thuốc đã được yêu cầu phải đóng cửa. Xét nghiệm Covid-19 trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mọi người bởi người dân cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày để có thể đi tới các cơ sở công cộng.

“Con trai tôi, mới chỉ 22 tháng tuổi đã trải qua 74 lần xét nghiệm Covid-19. Chúng tôi hiếm khi ra ngoài và con trai tôi về cơ bản chỉ ở nhà. Chúng tôi rất sợ Covid-19 bởi không bao giờ biết được mình có thể bị nhiễm bệnh từ nguồn nào,” một người dân tại Thủy Lệ nói với Guardian.

Một người dân khác cho biết ông phải xét nghiệm khoảng 2 lần mỗi 3 ngày. “Tất cả chúng tôi đã quen với điều đó, và chúng tôi chắc chắn đang ở trong thời kì khó khăn trong tình trạng thành phố bị phong tỏa thế này.”

Theo Guardian, kể từ lúc có một đợt bùng phát mới tới nay, bắt đầu vào hôm 17/10, nước này ghi nhận 270 trường hợp dương tính với Covid-19 trong nước. Đây là một con số cao đối với Trung Quốc nhưng là rất thấp so với các nước phương Tây.

Du khách đến Trung Quốc bằng máy bay phải trải qua quá trình kiểm dịch nghiêm ngặt, chính vì thế hầu hết các trường hợp muốn nhập cảnh vào nước này sẽ tìm cách đi qua biên giới đất liền. Đó chính là lý do tại sao chính phủ buộc chính quyền địa phương phải làm gắt gao hơn nữa để ngăn chặn những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.

Kể từ khi làn sóng Covid-19 mới tấn công quốc gia này, hơn 4 triệu người ở Lan Châu, phía Bắc tỉnh Cam Túc đã sống trong cảnh phong tỏa sau khi khu vực báo cáo 6 trường hợp dương tính Covid-19. Cùng với đó, các thành phố ở biên giới với Mông Cổ cũng phải đối mặt với những hạn chế mới.

Đối với Thụy Lệ, những ca nhiễm mới được phát hiện ở xung quanh tỉnh Vân Nam đồng nghĩa với việc các hạn chế sẽ buộc phải kéo dài thêm nhiều tháng. Việc đó khiến khu vực biên giới sôi động một thời trở thành một thành phố u ám.

“Tôi không có thu nhập và tôi lo lắng về tương lai. Có vẻ như việc phong tỏa sẽ không bao giờ kết thúc,” bà Chen, người dân địa phương nói.

Gia đình bà Chen có một nhà hàng nhỏ ở ngoại ô thị trấn đã phải đóng cửa từ tháng 7, khiến họ không có nguồn thu nhập nào. Bà cho biết có những trạm kiểm soát trực 24/24 ở cổng làng.

“Trên mạng nhiều người nghĩ rằng đại dịch đã đi qua Thụy Lệ, nhưng chúng tôi đã chiến đấu không ngừng nghỉ trong suốt 6 tháng qua. Mọi người không thể biết được việc bảo vệ biên giới khó khăn đến thế nào. Họ không biết rằng chúng tôi đã cố gắng như thế nào để kiểm soát dịch bệnh và ngăn không cho nó lây lan sang phần còn lại của đất nước.”

Bài viết của cựu phó thị trưởng thành phố, ông Dai Rongli, về tình hình của khu vực cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội của Trung Quốc: “Đại dịch đã cướp phá tàn nhẫn nơi này (Thủy Lệ) hết lần này đến lần khác, bào mòn sự sống của thành phố và nuốt chửng hy vọng của cư dân nơi đây. Xin hãy cứu lấy thành phố anh hùng!”

Ông Rongli bày tỏ mong muốn mọi người quan tâm nhiều hơn tới khu vực này. Các hoạt động buôn bán nên được phục hồi và vật tư y tế cần được viện trợ thêm.

Bảo Trâm (Theo Guardian)

Tags :
Đọc nhiều