Nhân tài ngã ngựa và lời răn đe, lan tỏa, phòng ngừa cho những ai đánh mất chữ “Đức”
Những ngày này, sau khi dịch COVID-19 đã tạm lắng, có một cái tên được người ta nhắc đến hơn cả. Người đó từng là Giám đốc những bệnh viện hàng đầu Hà Nội, từng là được mệnh danh là chuyên gia hàng đầu, một nhân tài “ngàn năm có một” của ngành phẫu thuật tim của Việt Nam.
Khi thông tin về Quyết định khởi tố hình sự đối với Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn được phát đi rộng rãi, nhiều người đã thở dài tiếc nuối. Họ nhớ về một tài năng hiếm có, một bác sĩ tâm huyết với bệnh nhân, nhưng tất cả đều đau lòng trước những hậu quả mà ông ấy đã gây ra.
Trong 8 năm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn và các thuộc cấp để gây ra hàng loạt sai phạm trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế. Bước đầu điều tra, C03 Bộ Công an đã xác định hành vi “thổi giá”, kê khống giá trị nhập khẩu của hệ thống robot từ 7,4 tỷ lên đến 39 tỷ đồng. Lẽ ra chỉ phải chi trả 4 triệu/ca, người bệnh đã phải chịu chi phí khấu hao lên đến 23 triệu đồng, gần gấp 6 lần. Chỉ trong 2 năm từ 2017 đến 2019, các lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội đã bòn rút của người bệnh đến 10 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước đến hơn 40 tỷ. Và đây có thể cũng chưa phải là toàn bộ các sai phạm của ông Tuấn và các thuộc cấp tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bước “hụt chân” của ông Tuấn và những câu chuyện chia sẻ đượm buồn bất giác khiến chúng ta nhớ về câu nói của Tổng Bí thư: “Chẳng thích gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”. Sự việc của ông Tuấn có rất nhiều cái “đau”, chúng ta đau vì mất đi một bác sĩ giỏi, một nhà giáo kì cựu. Nhưng hơn hết, chúng ta đau vì sự vun đắp giành cho ông Tuấn đã được hồi đáp bằng những sai phạm hàng chục tỷ, bằng những túi tiền của bệnh nhân bị bòn rút, đục khoét…
Vòng lao lý dành cho ông Tuấn “tim” một lần nữa là lời khẳng định về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư Tuấn dành cho nền y học nước nhà, nhưng không phải vì thế mà những sai phạm của ông ta có thể bị bỏ qua hay được “du di”. Những danh hiệu cao quý, những biểu chương vinh danh treo đầy phòng làm việc cũng không thể giúp ông Tuấn qua mặt được cơ quan điều tra. Chức danh, địa vị, tiền bạc của một người có lớn đến đâu, thì bàn tay của họ cũng chẳng bao giờ đủ lớn để che cả bầu trời.
Khi nói về các vụ án thời gian qua, trong đó có vụ việc tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhắc về giá trị răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực của chúng: “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Các vụ án trọng điểm được Bộ trưởng nhắc đến hầu hết là trong lĩnh vực y tế và giáo dục, những ngành nghề luôn được xã hội tôn vinh và nể trọng. Nhưng dù có được bao nhiêu bệnh nhân kính phục, có được bao nhiêu thế hệ học trò tôn kính, một khi bàn tay anh đã “nhúng chàm” thì pháp luật sẽ không có bất kỳ sự kiêng dè nào. Công lý không có mắt, nó sẽ không bao giờ vì sự nể nang hay áp lực nào để đưa tội phạm ra trước ánh sáng.
Có không ít người mong rằng mai đây, sau khi trả hết những gánh nợ trước công lý của mình, Bác sĩ Tuấn sẽ trở về đúng chỗ của mình, ở trong phòng mổ, tận tình cữu chữa bệnh nhân. Hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực, nhưng nó sẽ chỉ xảy ra nếu ông ấy tìm lại được chữ “Đức” đã bị đánh mất của mình.
Hạnh Văn