Nhân sự Đại hội Đảng: Chọn lãnh đạo “thân Tây” hay “thân Tàu”?
Hạnh Văn 15/09/2020 14:23

Vừa qua, nhiều địa phương đã hoàn tất vào Đại hội Đại biểu Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, vì vậy, cũng đã đi vào những giai đoạn nước rút cuối cùng. Trong bối cảnh đó, có không ít dư luận băn khoăn về công tác nhân sự năm nay. Trong khuôn khổ chủ đề Nhân sự Đại hội Đảng, xin bàn về luận điệu “chọn lãnh đạo thân Tây hay thân Tàu” đang được các thế lực thù địch rêu rao thời gian qua.

Đại hội Đảng để làm gì?

Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam – được gọi tắt là Đại hội Đảng – là đại hội then chốt, do Ban Chấp hành Trung ương – trên vai trò cơ quan lãnh đạo cao nhất theo Điều lệ Đảng – triệu tập thường lệ 5 năm một lần. Tham dự Đại hội Đảng gồm có các Ủy viên BCHTW và các Đại biểu do Đại hội cấp dưới – sau khi đã thẩm tra tư cách và biểu quyết – bầu cử.

Về vai trò của Đại hội Đảng, một câu hỏi lâu nay vẫn được nhiều người dân thắc mắc, thì vai trò đầu tiên là kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của nhiệm kỳ trước (2015-2020), theo đó đề ra phương hướng nhiệm vụ của 5 năm tiếp theo (2020-2025); đồng thời kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp; tham gia góp ý vào các văn bản Đại hội Đảng bộ cấp trên.

Nhưng vai trò quan trọng nhất từ trước đến nay của Đại hội vẫn luôn là định hướng cho toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đối với nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu của Đại hội Đảng là tạo nền tảng để đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nói cách khác, Đại hội Đảng nước ta không chỉ đơn thuần là một sự kiện nội bộ của một đảng phái chính trị, mà còn là nơi “mổ xẻ”, phân tích những gì đạt được, những gì không đạt được sau chặng đường năm năm, từ đó đưa ra những quyết sách, định hướng phát triển của toàn xã hội.

Về hoạt động, Đại hội Đảng có hai nhiệm vụ quan trọng, đó là chuẩn bị nhân sự và văn kiện Đại hội Đảng. Trong đó, công tác nhân sự luôn được người dân đặc biệt quan tâm, do tính chất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, uy tín, danh dự của mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên……

Đặc biệt, tại Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới, vấn đề nhân sự Đại hội Đảng lại càng được quan tâm, khi có không ít các lãnh đạo cấp cao đã đi đến cuối nhiệm kỳ của mìn. Nhiều đối tượng, thành phần cơ hội tìm mọi cách dẫn dắt suy nghĩ của người Việt Nam vào tư duy “chọn lãnh đạo ‘thân Tây’ hay ‘thân Tàu’ vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành…”

Từ đâu có quan niệm “thân Tây”, “thân Tàu”?

Trong bối cảnh vô cùng nhạy cảm của Đại hội Đảng lần thứ 13, thời gian vừa qua đã có không ít những lời đồn đoán về thế hệ nhân sự Đảng mới. Nhiều đối tượng và các tổ chức chống đối cực đoan đã bày vẽ những luận điệu xuyên tạc về công tác nhân sự, mà điển hình nhất là những chương trình “bàn luận” về ‘Chọn lãnh đạo thân Tàu hay thân Tây. Chiêu trò “xếp ghế nhân sự” – vốn không mới với những tổ chức này – lại được “hâm nóng” bằng những lời phỏng đoán về “đấu đá nội bộ”, cùng những cụm từ “thân Tây”, “thân Tàu”…

Nhưng dựa vào căn cứ nào để các đối tượng đồn thổi cho rằng nội bộ Đảng có hai khuynh hướng “thân Tàu” và “thân Tây”? Điều này trước hết xuất phát từ yếu tố lịch sử và địa lý, khi chúng ta có đến hơn 2.200 năm bang giao với Trung Quốc, cùng sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sau hơn 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Còn trong bối cảnh hiện tại, khi Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta, các quốc gia phương Tây lại có những tiếng nói bênh vực cho Việt Nam, tạo nên một cảm tình “thích Tây – ghét Tàu” của người Việt Nam. Và từ đó, nhiều người Việt vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của câu chuyện “Tây – Tàu” thiếu định hướng, trở thành cái cớ cho những đối tượng chống đối xuyên tạc về công tác nhân sự sắp tới.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng về cốt lõi, tất cả những luận điệu này hoàn toàn là phỏng đoán vô căn cứ, hoàn toàn không phản ánh được công tác nhân sự Đảng. Để nhìn rõ bản chất câu chuyện “thân Tây – thân Tàu”, cần có một cái nhìn vào bức tranh ngoại giao, kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, đánh giá trên chính thực trạng những gì đang diễn ra trên chính trường nước ta.

Ngoại giao, kinh tế Việt Nam có “thân” ai?

Năm 1991, Cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ 7 đã đề ra phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đối với đường lối đối ngoại, và một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng nhất của chính sách đó chính là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng từ “bạn bè” để mô tả mối quan hệ của hai nước, khẳng định tầm vóc và cái nhìn của nước ta về đối tác Bắc Mỹ. Chính sách ngày cũng được thể hiện trong mối quan hệ với Trung Quốc từ những năm 1999, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, khẳng định hai nước là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Dù có nhiều xung đột, tranh chấp đặc biệt là về chủ quyền biển đảo, vì lợi ích quốc gia, chính phủ Việt Nam vẫn coi trung Quốc là một đối tác bình đẳng, không đặt láng giềng ở vị thế cao hơn hay thấp hơn trên mọi phương diện. Từ đây cũng có một nghịch lý, đó là các phần tử chống đối, tự gọi mình “căm thù tàu cộng” nhưng lại thường xuyên dùng đến danh xưng “thiên triều”, “mẫu quốc”. Ngược lại, với châm ngôn “làm bạn với tất cả các nước”, không một người Việt Nam, không một lãnh đạo nào lại dùng những ngôn từ như thế để ám chỉ Trung Quốc. Vậy, ai mới là kẻ “thân Tàu”?

Trong bức tranh kinh tế, vào tháng 8/2019, một năm trước khi Mỹ cấm vận tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, Việt Nam đã là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên xây dựng hạ tầng 5G mà không có sự hiện diện của thiết bị Trung Quốc, khi Viettel từ chối sử dụng thiết bị Huawei. Và một câu chuyện khác, báo cáo tài chính của EU cho thấy kim ngạch xuất khẩu đến Hoa Kỳ – đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất – gần gấp đôi so với sang Trung Quốc. Nhưng tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt đến 35 tỷ USD, so với 20,16 tỷ USD sang Hoa Kỳ. Hai hình ảnh đối lập về quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc và Việt Nam-Hoa Kỳ cho thấy nghịch lý “tây-tàu”, bởi mọi khuynh hướng ngả về một “trục” đều phải được phản ánh ngay trong hoạt động kinh tế, như những gì đang được thể hiện trong quan hệ Mỹ-EU.

Điều đó cho thấy, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào đều dựa trên một mối quan tâm duy nhất, đó là lợi ích quốc gia. Dù đó là mối quan hệ hợp tác hay đối nghịch về ngoại giao hay kinh tế, tất cả những quyết sách của lãnh đạo Đảng đều hướng đến một mục tiêu duy nhất: đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Lãnh đạo Đảng có “thân Tây”, “thân Tàu”?

Trở lại công tác nhân sự Đảng trước thềm Đại hội 13, nhiều “chuyên gia” của các đài, trang mạng cực đoan trong những ngày này không ngừng đồn thổi dư luận về chuyện lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng “thân Tàu” và “thân Tây”, và không quên gán ghép các “chức danh” này cho các lãnh đạo Đảng, như việc cho rằng ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung vướng vòng lao lý vì thuộc “phe thân Tây” bị “phe thân Tàu” triệt hạ… Nhưng dựa vào đâu để các phần tử lập luận “ai thuộc phe nào”? Tất cả “bằng chứng” chỉ dựa vào quá trình công tác, làm việc hay phát ngôn của các lãnh đạo Đảng. Các luận điệu “thân Tàu” được gán cho một số lãnh đạo Đảng, đều xuất phát từ các hoạt động có liên quan đến quốc gia Bắc Á, như những chuyến thăm ngoại giao, những cuộc hội đàm và những phát ngôn thể hiện sự hữu nghị của Việt Nam với đất nước láng giềng. Lợi dụng cảm tính của người Việt Nam, các thế lực thù địch thường xuyên soi mói những hoạt động liên quan đến Trung Quốc để làm cái cớ chỉ trích, xuyên tạc về các lãnh đạo.

Ngược lại, như trường hợp của Bí thư thành ủy TP.HCM, ông có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại CHLB Đức, thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, hay Phó Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam bị quy kết “thân Tây” vì sự xuất hiện của ông trên các phương tiện truyền thông, báo chí nước ngoài. Nói cách khác, vì các lãnh đạo không biết nói tiếng Trung, không lên đài truyền hình Trung Quốc, nên được cho là “không thân Tàu”, tức là “thân Tây”… Hay như ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng GTVT, vì có những phát ngôn chỉ trích nhà thầu trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng bị quy chụp “thân Tây”. Nhưng trên thực tế, nếu ông Đinh La Thăng “thân Tây nên bị triệt hạ”, thì người kế nhiệm cũng bị gán cái mác “thân Tây” là một minh chứng điển hình cho sự phi lý của “thân Tây – thân Tàu”.

Lý giải về luận điệu này, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng nói: “các thế lực thù địch sở dĩ kiên trì xuyên tạc Đảng ta có phe này, phe kia là vì họ muốn tấn công vào bản chất truyền thống của Đảng, họ áp dụng chiến thuật ‘một lời nói dối trắng trợn nhưng nói đi, nói lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin là sự thật’ mà không biết rằng, nói dối nhiều lần sẽ thành ‘chú bé chăn cừu’, vài ba lần đầu thì còn có người tin, bịa đặt mãi thì sẽ hết người tin.” Và trong bối cảnh Đại hội Đảng 13 đã bước vào những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, bài học “chú bé chăn cừu” của giáo sư lại càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Lựa chọn một nhân sự, đối với Đảng, có thể nói, chỉ có một câu hỏi duy nhất: Người đó có phải là người có tài, có tâm hay không? Lợi ích quốc gia, dân tộc là tiêu chí cao nhất để lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 13. “Chọn người thân Tây hay thân Tàu”, thực tế không có chỗ trên bàn nghị sự của Đại hội Đảng 13, mà chỉ là sự suy diễn bắt nguồn từ sự lệch lạc về tư tưởng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị.”

HẠNH VĂN

Đọc nhiều