Nhân sự Đại hội Đảng các cấp: Chạy chức, chạy quyền đã giảm hẳn 

16/12/2020 07:35

Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, “những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn”.

Một sự kiện chính trị nổi bật trong năm 2020 đó là cấp ủy các cấp hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025 thành công với các tiêu chí: nghiêm túc, đổi mới, đúng tiến độ và chất lượng được nâng cao.

 

63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (Đồ họa: Thy Uyên)

31% Bí thư cấp tỉnh có trình độ Tiến sĩ

Theo ghi nhận của Ban Tổ chức Trung ương, sau nhiều nhiệm kỳ tổ chức, đây là lần đầu tiên các đại hội hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đặc biệt là các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đặc biệt hơn nữa, điểm sáng trong công tác nhân sự đại hội – một nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, đã có những chuyển biến ấn tượng: Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng phương án nhân sự, với tỷ lệ phiếu bầu cao, đặc biệt, nhiều nhân sự trúng cử các chức danh chủ chốt đạt tuyệt đối 100%.

Không chỉ cơ cấu cấp ủy được cải thiện, trình độ chuyên môn của nhân sự cũng được nâng cao rõ rệt. Nhân sự bí thư cấp tỉnh, thành phố có trình độ tiến sĩ chiếm tới 31%, cao hơn 12% so với nhiệm kỳ trước. Cấp ủy có trình độ thạc sỹ trở lên chiếm 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,11%.

Đặc biệt, theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương tiếp tục được thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Cấp tỉnh, thành có 27 Bí thư không là người địa phương, chiếm 41,54%, tăng 23,08% so với nhiệm kỳ trước. Cấp huyện có 464 cán bộ, chiếm 65%, tăng 38% so với nhiệm kỳ trước.

Thực tiễn cho thấy, các bí thư cấp ủy không là người địa phương đều đạt tín nhiệm rất cao ở Đại hội các cấp. Bình luận về kết quả này, Tiến sĩ Lê Hải – Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến thành công. Thứ nhất, đây là chủ trương được đa số cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đã được quán triệt và thấm vào đời sống chính trị, nên được đa số các đảng bộ thực hiện nghiêm túc, tự giác, thuận lợi cho việc bố trí nhân sự luân chuyển.

Thứ hai, thực tiễn thời gian qua, nhân sự luân chuyển đã có nhiều đóng góp, cống hiến tốt cho địa phương, đặc biệt là nhân sự từ Trung ương về địa phương. Các cán bộ có tư duy chiến lược, bao quát ở tầm vĩ mô, khi về địa phương đã góp phần bổ khuyết tốt những mặt còn hạn chế cho tập thể lãnh đạo của các tỉnh, thành. Đặc biệt, đóng góp qua những công việc cụ thể, kết quả cụ thể của các cán bộ luân chuyển phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề.

Thứ ba, đa số các nhân sự được Trung ương lựa chọn về làm lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành đều là những cán bộ cấp chiến lược chất lượng, tiêu biểu và nổi trội về năng lực, phẩm chất, trí tuệ, được lựa chọn nghiêm ngặt, khách quan qua nhiều cấp, nhiều vòng. Bản thân các cán bộ được luân chuyển cũng xác định được về địa phương là một vinh dự gắn với trọng trách lớn, là cơ hội để học tập, cọ xát, trui rèn qua thực tiễn để trưởng thành nên gắng hết sức, không quản gian khổ, quăng mình vào thực tiễn, công việc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, nên qua thời gian được cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương ghi nhận, ủng hộ.

Chân dung 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (Đồ họa: Quang Huy)

Một chỉ số đặc biệt ấn tượng ở nhiệm kỳ này đó là cơ cấu nữ trong cấp ủy và trong những vị trí chủ chốt. Trong 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ mới có 9 cán bộ nữ. Cụ thể, 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy được bầu ở tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, An Giang, Hà Nam, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Lai Châu và Bắc Ninh. Ở nhiệm kỳ trước chỉ có 3 nữ Bí thư Tỉnh ủy.

Cơ cấu nữ không chỉ thể hiện ở số lượng Bí thư Tỉnh ủy mới được bầu, mà số lượng cấp ủy nữ là 523 người (15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%. Ủy viên ban thường vụ nữ là 123 người, đạt tỷ lệ 12,91%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,37%.

Quan sát đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương, ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) cho biết, điều đặc biệt ở nhiệm kỳ này là có tới 43% tân Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X, đánh dấu sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng ta cho thời kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo giữa lớp thế hệ những cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

Hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục

So với nhiệm kỳ Đại hội XI, nhiệm kỳ XII đã khắc phục được nhiều hạn chế về công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới. Nếu như ở các nhiệm kỳ Đại hội trước, câu chuyện “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, “chạy chức”, “chạy quyền” đã được nhắc tới thì ở các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, câu chuyện này phần nào đã được hạn chế.

Theo ông Vũ Văn Phúc, đó là kết quả tích lũy từ quá trình đổi mới công tác cán bộ trong suốt nhiệm kỳ qua. Qua đó, chúng ta đã chuẩn bị được đội ngũ nhân sự, đặc biệt là Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy một cách chắc chắn, vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng, bản thân các cấp ủy cũng chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp trên; chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy từ sớm. Công tác nhân sự cấp ủy được thực hiện theo quy trình 5 bước; chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau.

Với sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch và thống nhất cao, công tác nhân sự đại hội “có nhiều đổi mới, đã chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đặc biệt, theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, “những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn”.

43% Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 thuộc thế hệ 7X (Đồ họa: Thy Uyên)

Thực hành dân chủ trong Đảng ngày càng mở rộng

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác nhân sự ở một số địa phương. Có nơi vẫn còn biểu hiện cục bộ, địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Có trường hợp người được giới thiệu bầu bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành cấp huyện, cấp xã nhưng không trúng cử. Cùng với đó, nhiều nơi, một số cán bộ trẻ tuy được giới thiệu nhưng chưa thực sự nổi trội nên chưa được các đại hội tín nhiệm.

Kết quả đó không có gì bất thường, cho thấy công tác nhân sự của đại hội đó chuẩn bị chưa kỹ, còn có những “vết gợn”. Ở góc độ khác, kết quả đó lại cho thấy một tín hiệu tốt, đó là tính dân chủ và thực hành dân chủ trong Đảng ngày càng mở rộng và thực chất. Có thể đâu đó, công tác chuẩn bị nhân sự vẫn theo ý chí chủ quan của một số cá nhân, nhưng ra cấp đại hội, nơi tập trung ý chí của đại đa số đảng viên thì khó có thể nhầm lẫn. Và như vậy, đại hội đã thể hiện được quyền quyết định cao nhất của mình đối với vấn đề nhân sự hệ trọng.

Có thể khẳng định, thành công của đại hội đảng bộ các cấp sẽ tạo khí thế mới, vận hội mới, làm cơ sở tổ chức cho Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thanh Hà-Kim Anh/VOV

Đọc nhiều