Nhận định trước chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính

An Diễm 04/05/2022 09:48

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Như thường lệ, chuyến đi này bị các đối tượng chống phá “dòm ngó” và ra sức “trù ẻo”. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới phức tạp vì cuộc chiến Nga – Ukraine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.

Có một điều không bao giờ thay đổi, là cứ mỗi khi có cuộc gặp hay tiếp xúc nào đó giữa Việt Nam và Mỹ là sẽ xuất hiện những luồng quan điểm “lo ngại” cho Việt Nam phải “ăn nói” ra sao với phía Mỹ. Các “chuyên gia” như RFA, VOA, Việt Tân luôn có suy nghĩ rằng khi gặp Mỹ thì Việt Nam sẽ phải cầu cạnh, nhún nhường, và sẵn sàng nghe Mỹ chỉ trích. Cũng với suy nghĩ như vậy nên các tổ chức như HRW luôn “kêu gọi” lãnh đạo phía Mỹ bày tỏ quan ngại hoặc ép buộc Việt Nam phải làm gì đó liên quan đến các chủ đề như “dân chủ”, “nhân quyền” …

Với quan điểm hăng say bình luận giống như những cầu thủ bóng đá mải mê tấn công, các “chuyên gia” nói trên đã bị “việt vị” không biết bao nhiêu lần trong suốt quá trình phát triển của mối quan hệ Việt Mỹ. Năm 1995 nước Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một cột mốc lịch sử làm nhiều “chuyên gia”, “học giả” sững sờ. Năm 2013, trong chiến lược tổng thể về xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác toàn diện và cũng trong năm này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ tỏ ý tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Năm 2019, Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện.

Có thể thấy lịch sử quan hệ Việt-Mỹ giống như một cỗ xe luôn chạy băng băng và chưa bao giờ chệch hướng, liên tục “phá” các “cột mốc” lớn. Trong khi đó thì các chuyên gia như RFA lúc nào cũng chỉ biết săm soi vào những chi tiết, vụ việc nhỏ lẻ rồi “thổi phồng” lên thành một mối đe dọa nào đó. Trái lại, với những gì đã diễn ra thì chắc chắn Việt Nam tự tin hơn nhiều.

Trước đó, ngày 21/4, Đại sứ Mỹ đã mong muốn nhanh chóng nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành đối tác chiến lược, và thậm chí là “nâng cấp ngay trong chuyến thăm và làm việc tới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ”. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, trên thế giới, cũng như là vì lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.”

Như vậy có thể thấy “tương tác” giữa Việt Nam và Mỹ trước chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hết sức tốt đẹp. Ấy thế nhưng “chuyên gia” RFA lại có một bài viết với tựa đề “Thế lưỡng nan của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước chuyến đi Mỹ”. Nội dung bài viết dựa trên những lập luận không có gì mới, đó là việc Việt Nam bỏ phiếu “trái” với “lập trường” của phương Tây liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại, cùng những “quy kết” không có cơ sở về quan hệ giữa Việt Nam và Nga. Chúng ta đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là ngoại giao đa phương, “không theo nước này để chống nước kia” nhưng có vẻ đối với họ, việc không “ngả” hoàn toàn theo Mỹ là “sai lầm tai hại”. Nhưng nếu trong quan hệ quốc tế chúng ta không có chính kiến, lập trường của riêng mình mà chỉ chạy theo người khác thì giá trị của ta ở đâu?

Đương nhiên phải thừa nhận trong thời điểm cả thế giới bị chia rẽ, chia phe vì cuộc chiến giữa Nga – Ukraine như hiện nay thì giữ vững được lập trường của mình không phải là một điều đơn giản. Và sắp tới phái đoàn Việt Nam sẽ đến Mỹ với “hành trang” là những lá phiếu khác biệt cùng những quan điểm khác biệt nhưng với tâm thế cởi mở của một “đối tác thân thiện”.

Với phong cách ngoại giao thẳng thắn, “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển”, Thủ tướng đã nhiều lần chứng minh ông có thể thành công với những đối tác có quan điểm khác biệt. Đó là khi ông thuyết phục thành công các doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ chính sách chống dịch của Việt Nam “lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”. Đó là khi ông dẫn dắt chiến dịch “ngoại giao vaccine” đạt thành tích ngoài mong đợi.

Nhìn chung, chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa hẹn nhiều kỳ vọng với một người lãnh đạo có phong cách phù hợp, và trong một bối cảnh phù hợp. Chính thời điểm thế giới cạnh tranh, xung đột gay gắt mới là thời điểm các quốc gia, trong đó có Mỹ cần tìm kiếm thêm đối tác để có thêm nhiều lợi ích. Các lá phiếu của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc không phản ánh sự “chọn phe”, mà chỉ thể hiện đường lối của Việt Nam là “luôn xem xét lợi ích của các bên” để lựa chọn “lẽ phải”. Khi đề xuất nâng cấp quan hệ, chắc hẳn nước Mỹ đã hiểu với Việt Nam, họ sẽ có một người bạn đáng tin cậy, một đối tác luôn biết tôn trọng lợi ích.

An Diễm

Đọc nhiều