419
category
440849

Nhận diện thủ đoạn công kích công tác cán bộ

Bảo An 19/10/2020 16:07

Càng đến gần Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xuyên tạc công tác cán bộ càng diễn ra một cách quyết liệt. Từ việc tung ra hỏa mù với chiêu trò đồn đoán nhân sự Đại hội cho đến việc xuyên tạc chủ trương, chính sách về công tác luân chuyển cán bộ, tất cả những gì các đối tượng chống đối hướng đến là vẽ ra một bức tranh về công tác tổ chức cán bộ đầy mảng tối, màu xám nhằm chống phá chính quyền.

Một số luận điệu đang được rêu rao

Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề. Việc chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ tại Liên Xô là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để chống phá công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Việc chống phá diễn ra với nhiều thủ đoạn khác nhau như cài cắm người vào bộ máy Nhà nước; móc nối, câu kết, làm cho cán bộ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; xuyên tạc chủ trương, chính sách về công tác cán bộ để tạo ra sự hoài nghi trong quần chúng nhân dân.

Cẩn trọng trước thủ đoạn xuyên tạc công tác tổ chức cán bộ

Hiện nay, trên các trang mạng do các cá nhân, tổ chức phản động, chống dối, cơ hội chính trị điều hành đang rêu rao lan truyền nhiều thông tin, luận điệu xuyên tạc về công tác tổ chức cán bộ. Trong một bài viết đang được lan truyền hiện nay, các đối tượng đả kích việc luân chuyển cán bộ quản lý, lãnh đạo theo Nghị quyết 11– NQ/TW của Bộ Chính trị là hành động mang tính chất “bắt cá leo cây”. Theo đó, các đối tượng dẫn chứng rằng việc luân chuyển ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sang làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng nay việc Điện Biên có bí thư Tỉnh ủy 7X, từng làm chủ tịch Vietinbank là hành động mang tính “đánh đố”, không phù hợp.

Thực tế, các đối tượng này đang cố tình lấy các sự việc đơn lẻ để quy chụp bản chất của một chính sách hòng tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Luân chuyển cán bộ là một chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang. Luân chuyển cán bộ là nhằm phá bỏ những quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ như: khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, nhất là trong từng địa phương; tâm lý thoả mãn, trì trệ của nhiều cán bộ chỉ muốn chọn nơi công tác dễ dàng, muốn ổn định chức vụ hoặc lên chức nhưng không chịu nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác; công việc trì trệ, kém hiệu quả, cán bộ uy tín thấp nhưng rất khó thay được người phụ trách bằng những cán bộ có uy tín và khả năng hơn; chính sách đãi ngộ còn mang nặng tính bình quân…

Luân chuyển cán bộ rõ ràng không phải là việc “bắt cá leo cây” như luận điệu được một số đối tượng đang rêu rao. Việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ là dựa trên năng lực, trình độ, thế mạnh của cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ phát huy khả năng, rèn luyện trình độ.

Không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc chính sách luân chuyển cán bộ, một số đối tượng còn rêu rao luận điệu cho rằng trong chế độ cộng sản sẽ không thể có được một nhà lãnh đạo giỏi vì chế độ cộng sản “không bao giờ tạo khoảng trống cho người ngoài đảng có chuyên môn giỏi ngồi vào ghế bộ trưởng”; bởi cơ chế, chính sách bổ nhiệm cán bộ thiếu minh bạch.

Cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc

Công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước ta chú trọng. Việc lựa chọn, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo diễn ra theo một quy trình chặt chẽ nhằm lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩn chất ngồi vào các vị trí lãnh đạo.

Thời gian vừa qua, chúng ta vô cùng đau đớn trước việc một số quan chức cao cấp bị nhúng chàm, có hành vi vi phạm pháp luật. Đây là điều không ai mong muốn và Đảng ta đã nghiêm khắc xử lý các cán bộ vi phạm. Hơn ai hết, Đảng ta hiểu rõ muốn giữ vững vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì Đảng ta phải không ngừng làm lớn mạnh chính bản thân mình. Chính vì vậy, mọi chủ trương, quyết sách của Đảng đều được cân nhác, tính toán cẩn trọng. Đặc biệt, vấn đề nhân sự được xác định là then chốt trong mọi then chốt.

Việc xuyên tạc các chủ trương, chính sách về công tác nhân sự là một thủ đoạn đang được các đối tượng tiến hành nhằm chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích của các đối tượng là làm biến tướng bản chất của công tác cán bộ, tạo điều kiện để các đối tượng có cơ hội cài cắm tay sai vào bộ máy của chúng ta, từ đó tiến hành chống phá nước ta từ bên trong.

Hiện nay, Đảng ta đang tập trung làm tốt công tác cán bộ. Để đảm bảo công tác cán bộ hiệu quả, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, mục tiêu năm 2020 là đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Rõ ràng, việc thực hiện công tác cán bộ của chúng ta diễn ra một cách vô cùng cẩn trọng, kỹ lưỡng, ngăn chặn tình trạng cục bộ địa phương, tập trung quyền lực. Vậy hà cớ gì các đối tượng vẫn mãi xuyên tạc?

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều