Nhận diện tham nhũng ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’

15/09/2020 07:40

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo về việc đánh giá, nhận diện về tình trạng ‘tham nhũng vặt’, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Ngày 14.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục họp phiên 48 để cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ và các báo cáo về công tác tư pháp năm 2020.

Báo cáo về kết quả công tác PCTN năm 2020, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2020, hầu hết các nhiệm vụ về công tác PCTN vẫn cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch, có nhiệm vụ vượt yêu cầu.

Trong năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng (cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại – PV) trị giá 31,8 triệu đồng. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).

Bên cạnh đó, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Trong khi đó, báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết trong kỳ báo cáo (1.10.2019 – 31.8.2020), các lực lượng chức năng phát hiện 242 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 13,88%).

Báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2020, bên cạnh những mặt đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết việc minh bạch, cải cách bộ máy hành chính, thực hiện các quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích… vẫn còn hạn chế hoặc chưa chuyển biến.

Từ đó, trong phần kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp từ năm 2019 về việc đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống.

Một vấn đề khác được báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh là việc bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa thật sự phù hợp, có người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự. Bên cạnh đó, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn… đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Theo đó, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, đã xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ (tăng 280%), làm 11 chiến sĩ công an hy sinh, 206 chiến sĩ công an bị thương.

PV/TN

Đọc nhiều