439
category
468952

Nhà ngoại giao lỗi lạc Việt Nam và những câu chuyện bên lề

25/01/2021 06:05

Nhắc đến những nhà ngoại giao lẫy lừng của Việt Nam, chắc không ai không biết đến tên tuổi của ông Lê Đức Thọ, người từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng với cố vấn ngoại giao Henry Kissinger vào năm 1973.

Ông Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân (TP Nam Định) trong một gia đình nho giáo, ở vùng đất có truyền thống yêu nước, hiếu học.

Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước.

Lần đầu tiên đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger gặp nhau là ngày 21-2-1970. Địa điểm hai người gặp gỡ là căn nhà số 11, phố Dathes, thị trấn Choisy Le Roi (Pháp). Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, ông đã làm cho Kissinger có những ấn tượng khó quên. Trong sổ nhật ký của Kissinger có đoạn: “Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được…”

Ông chính là người trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Thọ từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng với cố vấn ngoại giao Henry Kissinger vào năm 1973, nhưng ông đã từ chối nhận giải với lý do đất nước Việt Nam chưa thể có được hòa bình chừng nào chưa đánh đổ được chế độ tay sai của Mỹ. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.

Năm 2002, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giải Nobel Hòa bình (1902 – 2002), Nevis đã cho phát hành một mẫu tem chân dung cố vấn Lê Đức Thọ và nhắc lại “sự kiện” ông không nhận giải thưởng này. Cũng chính vì những lẽ đó mà ông là một trong những nhân vật được tôn vinh là “Nhà kiến tạo Hòa bình” xuất sắc của thế giới.

Các phiên họp riêng giữa các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger, Cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều là những ngày làm việc dài. Có ngày làm việc đến 13 tiếng đồng hồ, lấn sang cả đêm. Với một người sinh năm 1911, lúc ấy đã ngoài 60 đã làm cho Kissinger nghĩ rằng ông Lê Đức Thọ sẽ không thể nào chịu nổi mà nhanh chóng gật đầu cho qua chuyện.

Tuy nhiên, Kissinger đã sai lầm. Đàm phán càng muộn, ông Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết làm cho Kissinger sau này phải nói là: “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói cả tiếng đồng hồ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi, thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại…”

Trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, có giai đoạn Mỹ đòi ta không được đưa thêm quân miền Bắc vào miền Nam. Mỹ còn đưa ra các bằng chứng để cáo buộc ta về việc này. Có lần họp, Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu cỡ bằng cái khay, chụp từ vệ tinh rất rõ, trong đó chụp bộ đội của ta đang ở trong rừng không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ mà Mỹ cho là đang trên đường hành quân vào Nam.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rất nhanh, phản ứng trước tiên bằng tiếng cười to, chắc khỏe, có ý “khinh khi” sự bịa đặt của Mỹ. Rồi đồng chí nói, tình báo của các ông tồi lắm.

Lúc chúng tôi không đưa quân nữa thì các ông lại chụp ảnh này. Tôi nói với các ông chứ rừng Việt Nam chỗ nào chả giống chỗ nào. Các ông ra Bắc chụp quân mà đội mũ cối, sao vàng, đeo lon thế này là bình thường. Nhưng lúc chúng tôi đưa đại pháo và cả xe tăng vào Sài Gòn thì tình báo các ông lại chẳng biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải. Kissinger ngồi không nói được câu nào!

Tấm ảnh Mỹ đưa ra không hề chính xác, vì khi dàn trận, quân ta không đeo lon, đeo sao như thế. Sau đó, ta họp báo cũng nêu tình tiết này nhằm cho thế giới biết âm mưu và thủ đoạn của Mỹ.

Báo chí ở Paris hồi ấy săm soi nhất cử nhất động của hai đoàn ta và Mỹ rất ghê, nhất là trong những cuộc đàm phán riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger. Họp trong phòng mà có phóng viên còn thuê nhà bên cạnh, dỡ cả mái ngói để trèo lên rồi chĩa máy ảnh sang. Hai ông cố vấn họp xong đi ra ngoài cửa, có bắt tay không, có cười không, mặt lạnh hay cười… đều bị chụp lại rồi đưa lên báo.

Có lần họp căng thẳng, quyết liệt, kết quả chưa ngã ngũ mà chẳng hiểu sao báo chí lại đồng loạt đăng tin nghe chừng đàm phán có tiến triển. Thì ra họ chụp được cảnh đồng chí Lê Đức Thọ đang cười, dẫu chưa biết ông cười vì cái gì, họp có kết quả không nhưng đã vội tung tin lên báo theo chiều hướng tích cực. Ở Hà Nội theo dõi tin tức thấy vậy gọi sang hỏi tình hình thế nào, sao đồng chí Thọ lại cười! Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ mới lộ ra rằng: “Tôi không cười thì khóc à, vì Kissinger bắt tay tôi chặt quá!”.

Một hôm, sau buổi đàm phán, Henry Kissinger có nói với ông Lê Đức Thọ rằng: “Dù mới chỉ gặp được 45 phút nhưng ông hoàn toàn khiến chúng tôi bối rối”. Cách đây 1 năm, trong bài phát biểu trong hội thảo về lịch sử liên quan đến Đông Nam Á của Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Henry Kissinger còn thừa nhận Mỹ đánh giá thấp sự kiên cường của các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ; rằng người dân đất nước hình chữ “S” quá kiên cường và không hề nao núng trước kẻ địch.

“Washington muốn thỏa hiệp nhưng Hà Nội nhất định giành chiến thắng”, ông thừa nhận. Trong buổi hội thảo, ông Kissinger còn bày tỏ sự thất vọng và tiếc nuối vì cuộc chiến đã “chôn vùi” cả một thế hệ người Mỹ.

Trong các cuốn hồi ký, ông Henry Kissinger từng nhiều lần nhắc đến đối thủ của mình trên bàn đàm phán là cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ông Kissinger thừa nhận Lê Đức Thọ là người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo.

Ông Kissinger nhớ như in giây phút đầu tiên gặp nhà ngoại giao Việt Nam ngày 21-2-1970. Ông miêu tả Lê Đức Thọ có mái tóc hoa râm, dáng vóc đường bệ, bao giờ cũng mặc bộ đại cán, đôi mắt mở to và sáng, ít khi để lộ suy nghĩ. Nhưng có một chi tiết mà không bao giờ thấy Kissinger nhắc đến trong hồi ký là chiếc nhẫn sáng bóng mà cố vấn Lê Đức Thọ luôn đeo trong mỗi lần thương thảo. Đơn giản, nó là chiếc nhẫn được gò từ mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam!

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 8-2-1973, ông Henry Kissinger sang thăm Hà Nội. Ra đón cố vấn Mỹ không phải ai khác chính là người quen biết cũ của ông: cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ông đã đưa Kissinger tới thăm Viện bảo tàng lịch sử. Khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, ông Kissinger thốt lên: “Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!”.

Trở lại Paris sáng 8-1-1973 trên đường đến chỗ họp ở Gifsur Yvette, Cố vấn Lê Đức Thọ kéo ông ra một góc: “Hôm nay toàn đoàn ta không thèm ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ nữa. Và hôm nay mình sẽ nói mạnh đấy. Mình nói thong thả và cậu cố dịch theo đúng tinh thần”.

Dù đã được dặn trước và đã trực tiếp chứng kiến hàng chục lần Lê Đức Thọ “cương” (quyết liệt, dai dẳng, kiên trì và cả nổi nóng. Chắc đối phương cũng không ít lần nhầm vì Lê Đức Thọ với sắc mặt bừng đỏ! Ông Cố vấn vốn bị huyết áp cao, nhiều lần đoàn ta thảo luận trong phòng mật anh em đã phải tắt điều hoà mở cửa ra và thường bàn những thứ “đại sự” ở ngoài trời lúc đi dạo) nhưng chưa bao giờ ông thấy Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trút cơn thịnh nộ lên đối phương như buổi sáng xuân Paris ấy! Lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở, lật lọng.

Ông Kissinger đơ người không thể nói gì. Đến mãi sau ông ta mới lắp bắp: “Tôi có nghe thấy những tính từ… Tôi xin không dùng những tính từ đó ở đây. Xin ông Cố vấn nói khe khẽ thôi không các nhà báo ngoài kia nghe được lại đưa tin là ông mắng chúng tôi!”.

Kissinger một lần đã tò mò hỏi Lê Đức Thọ trong mấy phút nghỉ giải lao: “Bây giờ ông Cố vấn đàm phán với tôi, nói như mắng tôi. Thế còn sau này kết thúc đàm phán chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình rồi, ông Cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?”.

Lê Đức Thọ điềm nhiên: “Xin Ngài chớ nặng lời lúc tôi trình bày với Ngài. Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt lật lọng tráo trở đâu mà tôi phải mắng!”.

Sau Hiệp định Paris 1973, cả cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình vì đã đạt thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện rút quân Mỹ khỏi Việt Nam và tạo tiền đề cho kết thúc của cuộc chiến tranh đã tiêu tốn nhiều giấy mực của báo chí quốc tế.

Trước cơ hội trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải Nobel , ông đã thẳng thừng từ chối vì lý do ở Việt Nam chưa có hòa bình thực sự . Ông giữ im lặng, không giải thích thêm về quyết định này cho tới 20 năm sau, khi chính ông tiết lộ lí do chính xác trong bộ phim “From Hollywood to Hanoi” : “Họ trao giải cho cả người gây chiến tranh lẫn hòa bình, sự lẫn lộn đó khiến tôi không thể nhận giải Nobel được.”

Về phía Mỹ, giải Nobel Hòa Bình được đón nhận với tâm thế trái ngược. Kissinger rất vui vẻ khi biết tin, trong khi tổng thống Nixon thậm chí còn phát biểu cho rằng giải thưởng này là “sự tưởng thưởng xứng đáng cho nghệ thuật đàm phán của người Mỹ trong cuộc chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình ở Việt Nam.”

Niềm vui đó không tồn tài được lâu vì truyền thông Mỹ hiển nhiên không đồng tình với Nixon và Kissinger. Tờ New York Times gọi giải thưởng Nobel năm đó là “Nobel vì Chiến Tranh’. Tờ Washington thì cho rằng “người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước”. Diễn viên hài nổi tiếng chuyên châm biếm chính trị Tom Lehrer thậm chí đã phát biểu: “Châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình’’.

Không chỉ dừng lại ở giới truyền thông Mỹ, sự phản đối còn thể hiện mãnh mẽ hơn khi hai thành viên Hội đồng xét duyệt giải Nobel đã lập đơn xin từ chức.

Ông Henry Kissinger sau đó không tới dự buổi trao giải tại Oslo vì lo lắng sẽ trở thành mục tiêu đả kích của các nhóm biểu tình phản chiến. Năm 1975, khi chính quyền Sài Gòn thất thủ, ông đề nghị trao trả lại kỉ niệm chương nhưng không được Hội đồng Nobel chấp nhận.

Tháng 6-1968, ông Lê Đức Thọ (cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Paris) đến Paris, bắt đầu những chuỗi ngày đàm phán cam go và căng thẳng. Ông phải đối đầu trực diện với Henry Kissinger – một nhân vật ngoại giao tầm cỡ và có rất nhiều thủ đoạn ngoại giao, được mệnh danh là “cây đại vĩ cầm về địa – chính trị” của Mỹ. Kể từ đây, ông Lê Đức Thọ trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và được cả thế giới biết đến.

Lê Đức Thọ và Kissinger thường “ăn miếng trả miếng”, tranh cãi tay đôi để bảo vệ lập trường, quan điểm của mỗi bên. Với những nhân chứng từng tham gia đàm phán, Lê Đức Thọ là một nhà chiến lược tài ba, sắc sảo và rất quyết liệt, kiên trì trong việc bảo vệ lập trường của ta. Thêm vào đó, chính nghĩa thuộc về cuộc kháng chiến của quân dân ta nên Mỹ và Kissinger dù dùng nhiều thủ đoạn quân sự và ngoại giao khác nhau cũng không thể giành được “hòa bình trong danh dự” như họ mong đợi.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ – thành viên phái đoàn Việt Nam tại Paris, kể có những buổi họp hai bên trao đổi lý lẽ, lập luận tương đối điềm tĩnh. Nhưng có những ngày không khí rất căng thẳng, thậm chí có cả chuyện đập bàn, đập ghế. Ông Thái kể: “Một lần, Kissinger nói: “Ông Thọ này, nếu các ông cứng như thế này thì có lẽ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, bom đạn sẽ còn tiếp tục rơi ở miền Bắc”. Nghe vậy ông Thọ “phang” ngay: “Tôi xin ngắt lời ông. Có phải tôi với các ông mới đánh nhau hôm qua đâu. Tôi với các ông đánh nhau bốn, năm năm rồi. Bom đạn rơi bốn, năm năm rồi. Các ông đem bom đạn ra dọa tôi hôm nay không được đâu!”.

Lấy ý tưởng từ Tam quốc chí, giới báo chí phương Tây đã ví von ngắn gọn về cuộc đối đầu đặc biệt này, rằng: “Trời đã sinh Kissinger sao còn sinh thêm Lê Đức Thọ”. Còn người trong cuộc, TS Henry Kissinger, hơn 30 năm sau đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”.

Ông Kissinger uy hiếp đối phương, nói “Tôi là giáo sư của ĐH Harvard, mà một giáo sư Harvard không bao giờ phát biểu ít hơn 54 phút”. Ông Lê Đức Thọ trả lời: “Tôi thì chả phải giáo sư tiến sĩ gì nhưng tôi có đứa con trai là tiến sĩ.”

TH

Đọc nhiều