Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng có hay không “phạt cho tồn tại”?
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin chính thống và mạng xã hội viết nhiều về công trình tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama xây dựng không phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên trên đèo Mã Pì Lèng tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Chủ nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama phải chấp nhận xử phạt theo quy định của pháp luật
Sáng ngày 8/10/2019, tại buổi họp báo thường kỳ Quý III/2019 của Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ cho biết, Cục Di sản văn hóa đã cử đoàn lên Hà Giang để kiểm tra thực tế công trình Mã Pì Lèng Panorama xây dựng ở khu vực đèo Mã Pì Lèng đang bị dư luận phản ánh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Ông Bình cho biết, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được ý kiến nào xin phép thẩm định dự án nhà hàng ở đèo Mã Pì Lèng. Còn theo Cục Di sản văn hóa, vị trí nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama nằm ngoài khoanh vùng 2 của danh thắng quốc gia.
Nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama nằm ngoài khoanh vùng 2 của danh thắng quốc gia.
Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia năm 2009 bằng Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009. Ngày 07/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn 2030.
Ngày 07/4/2017, bằng Quyết định số 438/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Ngày 21/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Với quyết định này UBND tỉnh đã giao cụ thể trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm bảo vệ theo chức năng nhiệm vụ của mình; đồng thời Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.
Vị trí xây dựng điểm dừng chân có thể ngắm toàn cảnh khu vực di sản, Mã Pì Lèng. Công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ 1 và 2 của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36 của Luật Di sản văn hóa thì công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. Điều này đã được UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận.
Thông qua nhiều cơ quan báo chí, ông Bình biết được chủ nhà hàng này là bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, ngụ TP. Hà Giang). Bà Ánh đã có nhiều phát ngôn bức xúc, thậm chí còn nói sẽ cho nổ mìn để phá bỏ công chính nếu như có quyết định tháo dỡ hay nhảy xuống sông Nho Quế.
Ông Bình đưa ra lời khuyên: “Cảm nhận cá nhân tôi thấy không được lôi sinh mệnh mình ra để tạo áp lực ngược trở lại với luật pháp. Khi sai nhận thức cái sai của mình phải khắc phục, sửa chữa. Đã là doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì phải “được ăn thua chịu”, không thể bắt xã hội gánh chịu”.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, bà Ánh cố tình vi phạm pháp luật. Bởi Hà Giang cũng có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan.
Trách nhiệm xử lý sai phạm tại Mã Pì Lèng thuộc về tỉnh Hà Giang. Còn quan điểm của Bộ VHTT&DL là dù doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật, xây dựng trái phép ở bất cứ đâu trên đất nước này Bộ VHTT&DL đều không đồng tình.
“Nhà chúng ta cần sửa rất nhỏ ngay lập tức chính quyền hỏi ngay. Công trình xây 7 tầng không thể không biết được”, ông Bình đặt câu hỏi.
Không cần nói nhiều, phải đập bỏ, tháo dỡ tòa nhà này ngay lập tức
Tất cả những gì mà quan chức địa phương trình ra liên quan đến tòa nhà Panorama 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng đều cho thấy đây là công trình sai phạm nghiêm trọng. Cho nên, không cần nói nhiều, phải đập bỏ, tháo dỡ tòa nhà này ngay lập tức.
Đập bỏ chưa đủ, bởi vì khi xây tòa nhà này, người ta đã phá rất nhiều cây cối, xâm hại đến mảng núi rừng ở đây. Vì vậy, tháo dỡ tòa nhà Panorama xong, bắt buộc phải xử lý mảng núi bị hư hại đó, trả lại nguyên trạng bằng nhiều cách, trong đó phải trồng cây. Không thể để một vết thương lở loét ở một thắng cảnh tuyệt vời của Mã Pí Lèng. Không đập bỏ, tháo dỡ, mà du di cho qua, tìm cách này cách khác để biện minh cho sai phạm, là vẽ đường cho các sai phạm khác.
Đây mới là cái đầu tiên tại khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pì Lèng, vừa là công trình trái phép, vừa làm xấu cảnh quan. Để không có chuyện “cái sảy nảy cái ung”, cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết tháo dỡ công trình này để không có khách sạn thứ 2, thứ 3 mọc lên trong nay mai phá nát khu vực này.
Nếu không xử lý thì chẳng mấy chốc, cả con đèo này sẽ mọc lên nhiều Panorama khác, rừng xanh bị bêtông hóa, thắng cảnh không phải là của chung mà trở thành tài sản riêng của các nhóm lợi ích.
Một Mã Pí Lèng bị xâm phạm, bị bàn tay nhám nhúa lợi ích nhóm thâu tóm, thì sẽ có nhiều thắng cảnh non xanh nước biếc khác rơi vào thảm họa tương tự. Vì quyền lợi riêng, người ta sẵn sàng phá núi bạt rừng. Đừng tưởng một mảng xanh đâu đó xa xôi trên Tây Bắc không liên quan gì đến lũ lụt hay ô nhiễm ở đồng bằng. Gây tổn thương đến thiên nhiên một nơi, nhưng phải trả giá bằng những thảm họa thiên tai cả một vùng.
Nhưng đập bỏ tòa nhà Panorama vẫn chưa đủ, mà phải “đập bỏ” những nhóm lợi ích liên quan đến công trình này. Một tòa nhà 7 tầng đồ sộ, xây dựng trên đỉnh đèo, thời gian xây dựng kéo dài, nhưng quan chức địa phương đi đâu, làm gì mà không biết. Nếu biết tại sao không xử lý. Một tòa nhà làm khách sạn, nhà hàng, đâu phải cái chòi giữ rẫy mà không biết.
Một trong số nguyên nhân của việc xây dựng chen ở các khu danh thắng gần đây, có thể xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Người quản lý có thể không biết Luật Di sản cấm điều này, hoặc không màng đến tầm quan trọng của di sản. Người dân lại cho rằng đây là vấn đề xấu đẹp chứ không biết mình đã vi phạm luật.
Qua chuyện này còn lộ ra một thiếu sót của Luật Di sản khi chỉ quy định vùng 1, vùng 2 để bảo vệ di sản mà không quy định về vùng đệm giữa khu vực được bảo vệ với khu vực phát triển đô thị. Nên quy định thêm một vùng đệm, đó là những khu vực lân cận mà khi một người đứng ở khu vực đó có thể nhìn thấy di sản và đứng ở khu lõi di sản cũng nhìn thấy khu vực này.
Một địa phương có đủ các cơ quan quản lý, từ tài nguyên môi trường, xây dựng, văn hóa, nhưng đã để cho công trình này vi phạm hàng loạt quy định như không chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, không có hồ sơ thiết kế đầy đủ… Hãy đặt ra câu hỏi tại sao công trình sai phạm mà các cơ quan quản lý cứ im lặng để nó mọc lên; và phải trả lời tới nơi tới chốn, thật thuyết phục và trung thực với dư luận.
Đinh Lực