Nhà giàn DK1 và tầm nhìn chiến lược trên biển sau sự kiện Gạc Ma
Quyết định đóng giữ khu vực các bãi cạn thềm lục địa Nam Biển Đông đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt, quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa tàu thăm dò của họ xuất hiện sâu xuống phía nam vùng thềm lục địa của Việt Nam. Với tầm nhìn mưu lược, Đô đốc Giáp Văn Cương báo cáo đề xuất, được sự chỉ đạo của cấp trên, ông đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 cử biên đội tầu HQ 713 và HQ 668 do trung tá Phạm Hoa – Lữ đoàn trưởng chỉ huy, khảo sát đo đạc khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta trên khu vực 6 bãi đá ngầm san hô. Phía Bắc là Phúc Tần (160km2), Huyền Trân (40km2), phía Đông Nam là Ba Kè (1.000km2), phía Tây Nam là Tư Chính (700km2), nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300km2) và Quế Đường (90km2).
Đây là những bãi cạn san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9- 25 mét, trong phạm vi rộng khoảng 80.000km2, cách đất liền từ 250 đến 300 hải lý. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, là tiền đồn phía Nam Trường Sa và nó án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng đã báo cáo, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định ngày 17/10/1988 ,Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định, chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi ” Trạm dịch vụ kinh tế – khoa học kỹ thuật trên thềm lục địa Nam Biển Đông” (gọi tắt là công trình DK1).
Ngày 05/7/1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị về việc thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó Chủ tịch HĐBT Trần Đức Lương làm Trưởng ban, phó ban là Thượng tướng Đào Đình Luyện Tổng Tham Mưu Trưởng QĐNDVN – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và các đồng chí đại diện một số Bộ là Uỷ viên. Đô đốc Giáp Văn Cương – Tư lệnh Hải quân là uỷ viên Ban chỉ đạo.
Quyết định của Chính phủ ngày 16/1/1989 yêu cầu …” Khẩn trương, bí mật, khoán gọn, vừa thiết kế vừa thi công, vừa là hợp đồng kinh tế, vừa là lệnh của Nhà nước phải hoàn thành hợp đồng với bất cứ giá nào, hoàn thành tốt sẽ được khen thưởng thích đáng.. Xây dựng xong trong Quý 3/1989 ở Tư chính ( DK1/1), ở Phúc Tần (DK1/3) và Ba Kè ( DK1/4), quý 3/1990 là DK1…
Trong thực tế triển khai cũng có những vấn đề cần điều chỉnh, đây là nhiệm vụ rất hệ trọng cần phải thay đổi cơ chế phù hợp, Chủ tịch HĐBT quyết định giao cho Bộ Quốc phòng chức năng quản lý Nhà nước (bên A) đối với công trình DK1 theo QĐ 363/CT ngày 18/12/1989… Ngày 26/2/1990 theo điện triệu tập Thiếu tướng Nguyễn Hữu Yên – Tư lệnh Công binh và Đại tá Nguyễn Quý – Cục trưởng cục kỹ thuật vật tư trang bị thuộc Bộ Tư lệnh Công binh lên Bộ họp…
Tại cuộc họp nhiều ý kiến bàn đi tính lại cuối cùng thống nhất tín nhiệm và Thủ trưởng quyết định: – Giao Bộ Tư lệnh Công binh là Chủ đầu tư công trình DK1, ngày 26/2/1990 Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ban Xây dựng công trình DK1 và bổ nhiệm: 1/ Đại tá Nguyễn Quý- Cục trưởng Cục KTVTTB-Binh chủng Công binh làm Trưởng ban; 2/ Tư lệnh Công Binh quyết định Thiếu tá Nguyễn Thành Định làm Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính; 3/ Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh làm Trưởng phòng Kỹ thuật…
Đồng thời Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước do Giáo sư Đặng Hữu – Chủ nhiệm Uỷ ban KHKT Nhà nước (sau là Bộ KHCN) làm Chủ tịch. Bắt đầu từ đây việc thiết kế, dự toán, sản xuất trên bờ, thi công trên biển, nghiệm thu, thanh quyết toán đều phải thông qua Hội đồng 3 cấp: cấp cơ sở (Bộ Tư lệnh Công Binh) – cấp Bộ Quốc phòng và cấp Nhà nước.
Khi thi công trên biển Nhà nước ra quyết định cử Đại tá Nguyễn Quý là Tổng chỉ huy, PGS – TS Phạm Ngọc Nam – Trưởng phòng của Viện kỹ thuật Công binh làm chủ nhiệm đồ án thiết kế. Huy động lực lượng các nhà khoa học hàng đầu về công trình biển tham gia thiết kế và thẩm định.
Các nhà máy X49 và Z756 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh thi công phần thượng tầng trong bờ tại Vũng Tàu, về đóng cọc thép dài 60 mét, đường kính 72 cm, dày 8 mm sâu vào nền san hô 20 mét và cẩu lắp phần thượng tầng trên biển hợp đồng với Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô thực hiện. Có một số đơn vị khác tham gia thi công các phần phụ trợ.
Toàn bộ các công việc được triển khai rất chặt chẽ, tuyệt đối bí mật khẩn trương, tận dụng thời cơ thời tiết thuận lợi trên biển để thi công. Tổng số đã xây dựng 19 công trình trên 6 bãi cạn từ năm 1989 đến năm 1998, mỗi cụm có một nhà trung tâm lớn hơn, ở được tối đa 35 người, các nhà khác nhỏ hơn, ở được tối đa 20 người.
Hệ thống công trình nhà giàn DK1 được xây dựng trên 6 bãi cạn khu vực thềm lục địa phía nam của nước ta trên Biển Đông, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng suốt và quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam trong khẳng định chủ quyền và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông theo Công ước quốc tế năm 1982 về Luật biển.
Chúng ta đã huy động cao nhất các nhà khoa học về công trình biển, tham gia thiết kế, thẩm định, nghiệm thu đánh giá. Huy động các đơn vị trong và ngoài quân đội sản xuất gia công các hạng mục trên bờ, thi công trên biển với phương pháp đóng cọc thép trên nền san hô chưa có tiền lệ trên thế giới thành công, an toàn mọi mặt, cũng thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông rất cao của các lực lương được tham gia thực hiện nhiệm vụ.
(Theo Dân Việt)