Nguyên nhân hàng loạt tỉnh gửi kiến nghị muốn xây điện gió
Nhìn nhận có lợi thế để phát triển năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo, một số tỉnh đã đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện 8) đang được Bộ Công thương hoàn thiện sau nhiều lần thảo luận, chỉnh sửa.
Đề xuất bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo
UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản hỏa tốc đề xuất bổ sung nguồn và lưới điện, trong đó có cả dự án điện khí, điện mặt trời lẫn điện gió. Cụ thể, tỉnh đề xuất 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 10.700 MW, 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 12.000 MW, trong đó có 6 dự án điện gió ngoài khơi.
Với điện mặt trời, Cà Mau đề xuất bổ sung 9 dự án với tổng công suất gần 2.900 MW với các dự án điện mặt trời kết hợp kè chắn sóng và điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Ở khu vực miền Trung, Bình Thuận và Ninh Thuận đều đề xuất bổ sung hàng chục ngàn MW điện gió ngoài khơi, bổ sung các dự án điện khí LNG. Theo đó, Ninh Thuận đề nghị đưa vào quy hoạch khoảng 42.595 MW, trong đó điện gió ngoài khơi 21.000 MW và chuyển 4.600 MW điện hạt nhân trước đây sang điện khí LNG, bổ sung thủy điện tích năng.
Tại Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng đề xuất tiếp tục bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió và Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên. Tới nay, Đắk Lắk đã đề xuất đưa vào quy hoạch điện 8 với số lượng 30 dự án điện mặt trời công suất khoảng 12.000 MW và 60 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 11.000 MW.
Các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa… cũng đề xuất bổ sung hàng loạt dự án. Trong đó Quảng Ninh muốn đưa vào quy hoạch khoảng 5.000 MW điện gió với 3.000 MW điện gió ngoài khơi. Thái Bình đề xuất bổ sung 8.700 MW điện gió từ đề xuất của các doanh nghiệp, trong đó có dự án điện gió lên đến 3.000, 5.000 MW.
“Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện”
Có thể thấy phần lớn các tỉnh đều đề xuất bổ sung các dự án điện năng lượng tái tạo với quy mô công suất lớn khi Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch ngành quan trọng này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có những cam kết về giảm phát thải tại hội nghị COP26 mới đây.
Trong văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện 8), Phó thủ tướng đã giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp đến năm 2045 trên cơ sở cập nhật giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26.
Đối với các dự án điện than, Phó thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc tăng thêm quy mô điện gió ngoài khơi và nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn điện này.
Tương tự, đối với điện mặt trời, ông Thành yêu cầu cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn đối với nguồn năng lượng này, trong đó có giải pháp công nghệ lưu trữ điện.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xác định rõ các tiêu chí các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư các giai đoạn quy hoạch… đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt “tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện”.
Khai Tâm