Nguyên nhân các sáng kiến của Việt Nam tại HĐBA LHQ được nhiều nước đồng thuận

29/01/2022 07:26

Các sáng kiến của Việt Nam nêu ra tại hội đồng nhận được đồng thuận của nhiều nước do tiếng nói của chúng ta đại diện cho lợi ích đông đảo nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nước đang phát triển .

Hậu trường chuyện Việt Nam tìm đồng thuận của các nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.
Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khi được thông báo trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu 192/193 – Ảnh: VNA

Hội đồng bảo an (HĐBA), một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cũng là nơi chứng kiến sự “va đập” giữa những lập trường khác biệt của mỗi nước. Không phải vấn đề nào cũng dễ dàng đạt được sự đồng thuận của các thành viên.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, các sáng kiến của Việt Nam đạt được đồng thuận cao, đặc biệt vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh, vấn đề có nhiều ý kiến khác biệt giữa các thành viên, đã được đưa ra thảo luận và ra được Tuyên bố chủ tịch.

Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA, ông Đỗ Hùng Việt – trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao – trả lời PV xung quanh câu chuyện Việt Nam nhận được đồng thuận của nhiều nước tại HĐBA LHQ.

Hậu trường chuyện Việt Nam tìm đồng thuận của các nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 2.
Toàn cảnh phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an ngày 9-1-2020 – Ảnh: UN

* Trong năm 2020-2021, nhiều điểm nóng trên thế giới diễn biến phức tạp, như tình hình Myanmar, xung đột Israel – Palestine… Vậy dấu ấn của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề này ở HĐBA như thế nào?

– Trong hai năm qua tình hình nhiều khu vực diễn biến phức tạp vượt ngoài dự đoán, bùng phát nhiều vấn đề mà HĐBA phải xử lý và thảo luận. Ví dụ xung đột Israel – Palestine mà đỉnh điểm là chiến sự 11 ngày tại Dải Gaza, tình hình ở Belarus, Myanmar hay tranh chấp đập thủy điện giữa Ethiopia, Sudan và Ai Cập, một số nước đưa cả chuyện biểu tình Hong Kong ra thảo luận…

Trong tất cả các vấn đề này, quan điểm của các nước cũng rất khác nhau khiến quá trình thương lượng tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả thường không đơn giản. Trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp, cũng có những vấn đề “xa” chúng ta, cũng có những vấn đề tuy “xa” về địa lý, nhưng thực chất cũng rất “gần” về tác động, ảnh hưởng.

Như câu chuyện đập thủy điện mặc dù giữa các nước châu Phi nhưng lại liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, tương tự như dòng Mekong. Một mặt Việt Nam khẳng định chủ quyền của quốc gia nơi nguồn nước chảy qua nhưng cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của quốc gia đó trong bảo đảm sử dụng nguồn nước một cách công bằng, hợp lý, tôn trọng quyền lợi các nước hạ nguồn.

Những ý kiến đóng góp trách nhiệm, xây dựng như vậy của chúng ta đã góp phần tạo không khí hợp tác, thúc đẩy mẫu số chung để các nước đi đến thỏa thuận.

Nhưng rõ nét nhất về vai trò của Việt Nam là trong việc xử lý câu chuyện Myanmar.

Với việc cùng đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN 2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ HĐBA, Việt Nam đã xác định ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt với ASEAN và ngay trong tháng 1-2020, chúng ta đã chủ trì cuộc họp để HĐBA LHQ lần đầu tiên thảo luận về tăng cường hợp tác giữa LHQ với ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Khi câu chuyện Myanmar xảy ra, trên cơ sở nền tảng Việt Nam đã tạo được, đại diện ASEAN đã tiếp tục đến tham dự các cuộc họp nhằm cập nhật tình hình và trao đổi quan điểm của ASEAN với HĐBA.

Đây là điểm mới vô cùng quan trọng vì trước đây vấn đề Myanmar đã được nêu ra ở HĐBA một thời gian dài nhưng chưa bao giờ ASEAN được mời đến dự và phát biểu như thời gian vừa qua.

Hậu trường chuyện Việt Nam tìm đồng thuận của các nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 3.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì một phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ vào năm 2020. Ông Đỗ Hùng Việt ngồi phía sau ngoài cùng – Ảnh: UN

* Ông vừa nói tại HĐBA có những vấn đề “gần”, có liên quan trực tiếp nhưng cũng có những vấn đề “xa” Việt Nam. Vậy chúng ta làm thế nào để dung hòa các vấn đề này và đạt được đồng thuận?

– Một cách dung hòa tối ưu là thúc đẩy những vấn đề xuất phát từ chính kinh nghiệm của Việt Nam đồng thời lại rất phù hợp với quan tâm của quốc tế. Tôi muốn lấy ví dụ từ vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng trong xung đột vũ trang và giải quyết hậu quả bom mìn.

Trong chiến tranh, nhiều cơ sở như trường học, bệnh viện bị tấn công đầu tiên. Chính Việt Nam đã trải qua điều này. Vì vậy Việt Nam đã cùng các nước kêu gọi chấm dứt, phải bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Kết quả chúng ta đã thúc đẩy thành công để HĐBA thông qua được nghị quyết về vấn đề này vào tháng 4-2021, được cả 15 nước thành viên đồng bảo trợ. Tới nay mới chỉ có khoảng 1% nghị quyết của HĐBA được 15 nước đồng bảo trợ như vậy.

Ý tưởng thúc đẩy sáng kiến về khắc phục hậu quả bom mìn ban đầu xuất phát từ chính nhu cầu trong nước, bởi có thể nói Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Nhưng khi đi vào nghiên cứu mới thấy đây là vấn đề rất lớn, vẫn tác động trực tiếp, lâu dài đến an toàn của người dân và phát triển tại khoảng 60 nước.

Nhờ lựa chọn đúng quan tâm chung, chúng ta thúc đẩy thông qua được tuyên bố chủ tịch của HĐBA, nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ quốc tế để cùng chung tay giải quyết thách thức chung này.

* Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27-12 có chủ đề “Chia sẻ vắc xin. Cứu sống mạng người. Phục hồi kinh tế” là một sáng kiến của Việt Nam. Xin hỏi từ đâu Việt Nam chọn chủ đề này trong rất nhiều vấn đề nổi cộm của toàn cầu?

– Đại dịch COVID-19 gây ra những hậu quả khủng khiếp và cho thấy các nước, các tổ chức quốc tế đều chưa thực sự được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Chắc rằng đây không phải là đại dịch cuối cùng, vì vậy Việt Nam kỳ vọng duy trì được sự quan tâm, đề cao chuẩn bị của cộng đồng quốc tế trước vấn đề dịch bệnh.

Chủ đề năm 2021 được chọn là “Chia sẻ vắc xin. Cứu sống mạng người. Phục hồi kinh tế” cũng xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân Việt Nam. Chúng ta là nước được hưởng lợi từ sự chia sẻ vắc xin, hiểu được chia sẻ vắc xin giữa các nước đã tạo ra hiệu ứng tích cực thế nào.

Khi người dân nhiều nước vẫn chưa được tiêm chủng, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy để vắc xin đến được với nhiều người hơn, cứu sống được nhiều người hơn và góp phần vào phục hồi kinh tế.

Tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của các nước đang phát triển. Ra LHQ, Việt Nam không chỉ nói chuyện của mình mà nói câu chuyện các nước quan tâm. Họ tín nhiệm mình là vì thế.

Hậu trường chuyện Việt Nam tìm đồng thuận của các nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh 4.
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại một phiên họp của HĐBA, bên cạnh là Tổng thư ký LHQ António Guterres – Ảnh: UN

* Cuộc họp nào tại HĐBA ông thấy đáng nhớ nhất?

– Với tôi, 2 năm qua có quá nhiều điều đáng nhớ. Nhưng cuộc họp đáng nhớ nhất có lẽ chính là cuộc họp đầu tiên và duy nhất tôi được tham dự trực tiếp tại New York với nội dung Tuân thủ Hiến chương LHQ do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì ngày 9-1-2020, chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi Việt Nam vào HĐBA.

Đặc biệt, chỉ ngay trước đó mấy ngày đã xảy ra vụ tấn công làm tướng quân đội của Iran thiệt mạng tại Iraq. Không khí lúc ấy rất căng thẳng, tôi cũng có phần lo lắng cuộc họp sẽ bị biến thành nơi các bên tranh cãi, cáo buộc lẫn nhau.

Nhưng một phần do chúng ta lựa chọn chủ đề rất khái quát và đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, thông qua Hiến chương nên không khí chung khá tích cực. Và cũng có lẽ một phần khi chứng kiến vụ tấn công, các nước càng nhận thấy giá trị của Hiến chương LHQ, giá trị của các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nên sự tham dự, hưởng ứng rất là lớn: đã có đến 111 phát biểu trong cuộc họp đó.

Ngồi ngay sau Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khi chủ trì, tôi vẫn nhớ hình ảnh cả căn phòng kín chỗ trong suốt cuộc họp.

* Có điều gì ông chưa ưng ý trong quá trình 2 năm nhiệm kỳ ở HĐBA không?

– Trong tờ rơi Việt Nam từng vận động để được bầu vào HĐBA, chúng ta có liệt kê những vấn đề sẽ ưu tiên thúc đẩy ở HĐBA. Tổng kết lại cũng thực hiện gần như tất cả các ưu tiên mình đặt ra từ đầu, cũng là một kết quả mình tự hào đã làm được.

Có lẽ ai cũng mong muốn làm được hơn nữa nhưng có những điều kiện chưa cho phép làm được nhiều hơn. Đơn cử trong vấn đề giải quyết hậu quả bom mìn, nếu chúng ta thúc đẩy thông qua được nghị quyết của HĐBA thì thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, việc có được Tuyên bố chủ tịch đã là thành công quan trọng.

* Năm 2019, khi Việt Nam trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu, có ít nhiều tò mò về lá phiếu duy nhất không bầu cho Việt Nam. Sau 2 năm nhiệm kỳ của Việt Nam, ông nghĩ gì về lá phiếu đó?

– Thực sự kết quả 192/193 phiếu là một kết quả bất ngờ. Trước đó, chúng tôi tự tin nhưng chỉ dự đoán khoảng 185 – 187 phiếu. Làm trong lĩnh vực đa phương, chúng tôi đều hiểu không có cuộc bỏ phiếu nào mà có nước đạt 100% phiếu bầu cả.

Nhưng qua kết quả này có thể thấy rõ các nước nói chung rất tôn trọng Việt Nam, chúng ta có cách tiếp cận cân bằng nên có thể có khác biệt, có mâu thuẫn trên những vấn đề cụ thể nhưng ta dung hòa được nên các nước vẫn ủng hộ mình.

Càng đặc biệt hơn khi 40 năm trước, cũng chính tại phòng họp của HĐBA, Việt Nam từng 2 lần bị phủ quyết khi xin gia nhập LHQ vào năm 1975 và 1976. Vì vậy, khi kết quả được công bố trong tiếng pháo tay của cả phòng họp, cảm xúc của tôi không chỉ là vui mà như vỡ òa.

Lợi ích nhìn thấy trong 5-10 năm tới

Tham gia HĐBA không mang lại các kết quả ngay lập tức như bao nhiêu hợp đồng được ký kết, trị giá bao nhiêu tỉ USD… nhưng sẽ thấy lợi ích mang lại sau một khoảng thời gian nhất định, 5 – 10 năm hay thậm chí dài hơn.

Đó là tạo ra môi trường chung tốt hơn cho phát triển, làm mối quan hệ của mình với các nước sâu sắc hơn. Qua đó dần dần nâng vị thế, hình ảnh của Việt Nam lên rất nhiều.

Lan Hương

 

Đọc nhiều