6
category
548214

Nguyên nhân các nước châu Âu hỗ trợ nhiều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam

04/09/2021 16:55

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang viện trợ rất nhiều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam vì họ được lợi trong việc phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Tuần trước, Ý và Romania trở thành những nước EU mới nhất viện trợ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam, sau động thái tương tự của Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary và Pháp.

Theo ước tính của đài DW (Đức), các nước EU đã tài trợ hoặc cam kết cung cấp tổng cộng 2,6 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam, đối tác thương mại lớn nhất của họ ở Đông Nam Á. “Các nước châu Âu có nhiều động cơ khác nhau, kết hợp giữa lợi ích quốc gia và chủ nghĩa vị tha” – ông Carl Thayer, giáo sư trường ĐH New South Wales (Úc), nhận định.

Cũng có ý kiến cho rằng người dân châu Âu đang đền đáp sự giúp đỡ của Việt Nam khi đại dịch càn quét các nước của họ vào năm 2020. “Vào những ngày đầu đại dịch, khi châu Âu rơi vào tình trạng tồi tệ, Việt Nam đã gửi tặng đồ bảo hộ và khẩu trang cho nhiều nước, trong đó có các nước châu Âu” – trích lời bà Huong Le Thu, một chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Nguyên nhân các nước châu Âu hỗ trợ nhiều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam - Ảnh 1.
Có nhiều nguyên nhân khiến các nước EU hỗ trợ nhiều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam. Ảnh: Reuters

Ví dụ, vào tháng 4-2020, Việt Nam tặng hơn 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Nhiều hội hữu nghị Việt Nam và các nhóm cộng đồng kiều bào ở châu Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyên góp thiết bị bảo hộ và tiền cho các nỗ lực cứu trợ địa phương khi đại dịch tràn qua châu Âu.

Đáng chú ý, Việt Nam hồi phục sau đại dịch nhanh nhất có thể thì EU cũng được hưởng lợi. Và điều này đòi hỏi việc tiêm chủng rộng rãi.

Cùng với tầm quan trọng về kinh tế, Việt Nam còn là một trong những nước đóng vai trò quan trọng trong địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi các nước châu Âu đang khao khát tìm chỗ đứng.

Không chỉ hỗ trợ vắc-xin Covid-19, gần đây, các nước như Đức và Pháp đã tham dự vào các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, trong khi Brussels được kỳ vọng sẽ đưa ra chiến lược về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tháng này.

Bảo Hạnh

Đọc nhiều