Nguyên nhân bất ngờ khiến tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ bị đâm thủng
Lúc 5 giờ 24 sáng 21.8.2017, tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ và tàu chở dầu Alnic MC treo cờ Liberia đã đâm vào nhau ở vùng biển ngoài khơi Singapore.
Tai nạn này làm tàu USS John S. McCain bị hư hại nặng phần mạn trái tàu nơi có phòng ngủ của thủy thủ. Nước tràn vào làm thiệt mạng 10 thủy thủ đang ngủ và kẹt lại trong đó.
Tàu USS John S. McCain phải trở về quân cảng Yokosuka để sửa chữa mất một năm và tốn 230 triệu USD.
Các số liệu hành trình lưu lại cho thấy hai chiếc tàu này đang chạy cùng hướng thì tàu khu trục đột nhiên rẽ phải cắt trước đầu tàu dầu. Việc thay đổi hướng đột ngột này làm tàu Alnic MC – vốn rất nặng nề với trọng tải 50.000 tấn, không thể đánh lái tránh kịp nên đâm vào hông tàu USS John S. McCain.
Điều làm công luận thắc mắc là tại sao một tàu khu trục chiến đấu tối tân như USS John S. McCain với hệ thống radar dò quét hiện đại lại có thể để xảy ra một tai nạn như thế?
Vụ việc rất nghiêm trọng nên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã vào cuộc, lập ban điều tra về tai nạn. Hải quân Mỹ và Cơ quan Điều tra an toàn giao thông của Singapore cũng lập những ban điều tra riêng. Chiếc USS John S. McCain thuộc lớp khu trục hạm Arleigh Burke trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đánh chặn Aegis, có tổng trọng tải 9.000 tấn, đây là lớp tàu khá mới và đã qua nhiều lần nâng cấp hệ thống vũ khí và thiết bị điều khiển.
Kết luận điều tra của NTSB công bố hồi tháng 8.2019 cho thấy, thủ phạm gây ra vụ tai nạn này là do nhiều yếu tố kết hợp. Nhưng lỗi phần lớn là do hệ thống điều khiển tàu SCC (Ship Control Console) dùng màn hình cảm ứng kỹ thuật số (digital touchscreen). Hệ thống SCC gồm có hai màn hình cảm ứng, một điều khiển tăng/giảm lực đẩy của máy tàu (vòng quay chân vịt) và một điều khiển các bánh lái.
Vài phút trước khi xảy ra tai nạn, thủy thủ cầm lái đã báo cáo là bị mất kiểm soát bánh lái và lực đẩy. Việc này, theo điều tra là do lỗi của hệ thống màn hình cảm ứng và hai thủy thủ lái chính và phụ lại nhầm lẫn trong việc thiết lập quyền điều khiển hoạt động của bánh lái lẫn lực đẩy. Điều này làm cho lực đẩy ở chân vịt bên phải vẫn giữ nguyên còn bên trái thì lại giảm, làm tàu đột ngột rẽ sang phải nên bị tàu dầu đâm vào hông.
Một yếu tố nữa, theo lời khai của các thủy thủ là giao diện chương trình điều khiển lái thể hiện trên màn hình khá rối rắm và phức tạp làm người lái khó thao tác. Các thủy thủ cầm lái lại chưa được đào tạo nhuần nhuyễn về lái tàu bằng màn hình cảm ứng. Điều này trở nên nghiêm trọng trong tình huống khẩn cấp đòi hỏi phải thao tác nhanh và chính xác trên màn hình cảm ứng.
Các yếu tố khác góp phần gây nên tai nạn là thiếu người trực ở một số vị trí điều khiển phụ, sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần ở cuối ca trực đêm của kíp thủy thủ có trách nhiệm quan sát trên bong tàu. Các yếu tố này đã làm kíp trực không có những giải pháp xử lý kịp thời và hợp lý để tránh va chạm.
Trước đó, vào ngày 17.6.2017, ở vùng biển ngoài khơi cảng Yokosuka (Nhật), đã xảy ra vụ đâm va giữa tàu khu trục USS Fitzgerald – cũng thuộc lớp Arleigh Burke và tàu container ACX Crystal trọng tải 40.000 tấn treo cờ Philippines. Vụ tai nạn làm thiệt mạng 7 thủy thủ và bị thương một số thủy thủ tàu khu trục. Tàu USS Fitzgerald bị hư hại khá nặng ở mạn phải tàu và radar của hệ thống Aegis nên phải trở về Mỹ để sửa chữa mất hai năm với phí tổn lên đến 327 triệu USD. Kết quả điều tra tai nạn của Hải quân Mỹ và Ủy ban An toàn giao thông Nhật đi đến kết luận do lỗi của kíp trực tàu USS Fitzgerald đã không tập trung quan sát, người trực radar thiết lập sai các thông số dò quét xung quanh tàu. Tất cả là lỗi của con người.
Trong cả hai trường hợp, việc nắm bắt và xử lý tình huống của kíp trực hai tàu đều có nhiều sai sót: sĩ quan trực chỉ huy thiếu kinh nghiệm, hệ thống radar dò quét thiết lập sai, không kéo 5 hồi còi cảnh báo va chạm cho tàu kia theo quy định hàng hải, không liên lạc bằng vô tuyến với tàu hàng để cảnh báo. Hậu quả của hai vụ tai nạn này là các thuyền trưởng và thuyền phó của hai tàu khu trục bị cách chức và kíp trực khi xảy ra đâm va bị kỷ luật. Ở cấp cao hơn, Chỉ huy trưởng Hạm đội 7 và Chỉ huy đội tàu khu trục cũng bị cách chức.
Sau các vụ tai nạn này, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành thay thế hệ thống điều khiển lái màn hình cảm ứng bằng hệ thống điều khiển cơ như của các tàu chiến thế hệ trước. Việc thay thế hàng loạt này sẽ được tiến hành vào đầu năm 2020. Hải quân Mỹ cũng xem xét lại khâu đào tạo chuyên môn, tăng cường việc kiểm tra đánh giá năng lực các sĩ quan và thủy thủ.
Theo đề nghị của NTSB, Hải quân Mỹ phải chỉnh sửa lại giao diện chương trình điều khiển tàu, cách bố trí máy tính hỗ trợ và hệ thống cáp kết nối cho đơn giản và hợp lý hơn. Xem ra, hiện đại quá đôi khi cũng “hại điện” và yếu tố con người luôn là điều quyết định.
(Theo Thanh Niên)