439
category
326208

Nguy cơ vĩnh viễn mất di tích thời Hùng Vương

25/09/2019 07:18

Hàng chục nhà khoa học thống nhất kiến nghị lên các cấp về việc cần bảo vệ cấp thiết di tích khảo cổ học thời Hùng Vương dựng nước, tại hội thảo khoa học quốc gia “Thời Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/9.

Đền Hùng Phú Thọ
Đền Hùng Phú Thọ

Thời Hùng Vương là có thật

Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” do Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương tổ chức. Gần trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn hóa quy tụ từ 12 tỉnh thành làm rõ về thời đại Hùng Vương, giá trị đóng góp trong tiến trình lịch sử Việt Nam cũng như bảo vệ giá trị di sản của thời kỳ này.

Trả lời thắc mắc của PV báo chí bên lề hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam-một trong số nhà khoa học chủ tọa hội thảo quốc gia này – khẳng định “thời đại Hùng Vương có thật”.

Câu chuyện 18 đời vua Hùng kéo dài hàng nghìn năm từng gây tranh cãi, tuy thế các nhà khoa học giải thích con số này chỉ mang tính biểu tượng. Quan điểm thống nhất và được nhà nước chấp nhận: Thời đại Hùng Vương cách ngày nay xa nhất 2.700 năm, với sự ra đời của nhà nước Văn Lang và trùng khớp với văn hóa Đông Sơn. Điều này được các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, nhân học chứng minh trong suốt nửa thế kỷ qua.

Quá trình hình thành nhà nước Văn Lang thuộc thời kỳ Hùng Vương được làm rõ ngay vào hội thảo. Ban tổ chức quyết định đưa báo cáo của cố GS.TS. NGND Phan Huy Lê là bài viết đầu tiên trong kỷ yếu. Giới khoa học trân trọng ghi nhận GS Lê là người nghiên cứu sâu và có công tổng kết lịch sử thời đại Hùng Vương trong bộ Quốc sử 30 tập-bộ Quốc sử đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh.

Nguy cơ vĩnh viễn mất di tích thời Hùng Vương - ảnh 1
Tượng Vua Hùng 

Nhiều nhà khoa học như PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Trịnh Sinh, Nguyễn Minh Tường, báo cáo khoa học GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung đều tập trung làm rõ thời đại Hùng Vương trong lịch sử thông qua sử liệu, kết quả khảo cổ học mấy chục năm qua. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thay mặt các nhà khảo cổ phục dựng lại đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cư dân thời Hùng Vương với nhiều chi tiết sinh động.

Người Việt cổ thời Hùng Vương cất nhà sàn ở để tránh thú dữ-được khắc họa trên trống và thạp đồng Đông Sơn. Nam thời ấy đóng khố, trang phục nữ cầu kỳ với váy áo đẹp và cấu trúc phức tạp-dựa vào hoa văn khắc trên cán dao găm. Cư dân Đông Sơn có hàng chục loại trang sức khác nhau, tinh xảo. Con người thời này biết dùng lúa nếp chế biến các loại bánh, biết cách chế ra rượu. Một số tập tục trong sinh hoạt như ma chay, cưới xin, sinh đẻ cũng được hình thành cùng nhiều tập tục khác như tục ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình, uống bằng mũi.

Nhiều di tích bị phá hủy

Trong 22 tham luận tập trung bàn về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thời Hùng Vương, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra tình cảnh đáng buồn. TS Nguyễn Văn Cường và nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Mạnh Hà (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chỉ ra tám thiếu sót trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hùng Vương như: Nhận thức chưa sâu, thương mại hóa di tích, công tác trùng tu di tích thiếu đồng bộ, khai thác di tích đơn điệu, tuyên truyền về di tích hạn chế.

“Chúng ta không thể bỏ qua vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa vật chất ở Việt Nam thuộc thời kỳ Hùng Vương. Theo công ước của UNESCO về Di sản văn hóa, đặc biệt Công ước về di sản khảo cổ học Lausanne 1990, đây là loại di tích quan trọng nhất mang tính xác thực cao nhất để chứng minh thời kỳ Hùng Vương là có thật, đồng thời đây là loại di tích dễ bị phá hủy nhất và một khi đã bị phá hủy không bao giờ có thể tái sinh được”, PGS.TS Tống Trung Tín cảnh báo.

Các nhà khảo cổ học thời kỳ kim khí của Viện Khảo cổ khảo sát và thông báo, sơ bộ tới năm 2000 có trên 1 nghìn di tích thời Đông Sơn. Tuy nhiên chỉ ít năm sau đó tình trạng bảo tồn các di tích đáng báo động. Đầu năm 2019, chúng ta mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng miền đất tổ Phú Thọ, Vĩnh Phúc các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Tình cảnh khá đau xót, bởi giới khảo cổ nhắc lại rằng chúng ta từng có những di tích nếu giữ được xứng tầm di sản thế giới: Di tích Phùng Nguyên ở Phú Thọ vốn là di tích lớn, mở đầu cho thời kỳ tiền Hùng Vương; di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa là di tích chứng minh cho đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn thời các vua Hùng.

“Một vài thập kỷ không xa, nếu cứ đà bảo vệ như thế này các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương cơ bản không còn tồn tại trên đất nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng đánh mất di tích lịch sử là đánh mất trí nhớ của cả một dân tộc, là bỏ quên nguồn cội của dân tộc”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Ông cũng nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị về bảo vệ và phát huy giá trị di sản năm 2018: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

Lan tỏa tinh thần thời đại Hùng Vương

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương nêu ý kiến: Đánh giá thời đại Hùng Vương cần lưu ý tới ý thức về Tổ quốc, chủ quyền quốc gia như dòng chảy xuyên suốt từ thời Hùng Vương tới thời đại Hồ Chí Minh, cũng như tinh thần đoàn kết và cố kết cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu sâu lịch sử hình thành dân tộc, văn hóa dân tộc, vai trò của Nhà nước Văn Lang, vai trò của thời đại Hùng Vương, đặt trong mối so sánh với khu vực để hiểu rõ hơn vì sao dân tộc Việt Nam là dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, đấu tranh với bất cứ thế lực nào xâm phạm nền độc lập của đất nước.

Nguyên Khánh

Đọc nhiều