Nguy cơ Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á

11/10/2020 09:50

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ Trung Quốc áp dụng “mô hình Djibouti” nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á.

Tàu tuần tra tại căn cứ hải quân Ream, tỉnh Sihanoukville của Campuchia /// REUTERS
Tàu tuần tra tại căn cứ hải quân Ream, tỉnh Sihanoukville của Campuchia

Trong báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc “có khả năng đã xem xét” thiết lập cơ sở hạ tầng hậu cần và căn cứ quân sự tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Campuchia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Singapore. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh có thể cân nhắc mô hình đầu tư phát triển để tiếp cận cơ sở hạ tầng thương mại ở nước ngoài rồi âm thầm thiết lập cơ sở hậu cần hoặc căn cứ quân sự với lực lượng đóng quân. Mô hình này từng được Bắc Kinh sử dụng từ năm 2017 để thiết lập căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti (phía đông châu Phi).

“Bẫy Djibouti” ở Đông Nam Á

Xét về khả năng thiết lập hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ nhất ở Campuchia. “Trong vòng một thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia. Cùng lúc, hai bên tăng cường hợp tác quân sự, bao gồm tập trận chung, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và mua bán vũ khí”, chuyên gia Jeffrey Becker, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Trung tâm phân tích hải quân Mỹ, nói với Thanh Niên.

Mới đây, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ đặt nghi vấn Campuchia phá hủy cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ ở căn cứ hải quân Ream (tỉnh Sihanoukville, hướng ra vịnh Thái Lan) để phục vụ thỏa thuận ngầm cho phép tàu chiến Trung Quốc cập cảng tại Ream. Phản ứng trước thông tin này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định Trung Quốc “sẽ không có được sự tiếp cận độc quyền” căn cứ Ream, bất kể Bắc Kinh tài trợ dự án nâng cấp căn cứ này. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cảnh báo việc cho phép tàu chiến Trung Quốc cập cảng ở Ream có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng tăng cường hoạt động dọa dẫm và cưỡng ép ở Biển Đông.

“Chúng tôi nhận thấy những điểm tương đồng mạnh mẽ trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Djibouti và Campuchia. Cụ thể, trong kế hoạch dài hạn ở Djibouti, Trung Quốc đẩy mạnh các khoản đầu tư, thắt chặt mối quan hệ song phương nhưng luôn phủ nhận ý định thiết lập căn cứ quân sự”, chuyên gia Becker lưu ý.

Đông Nam Á cảnh giác ý đồ của Trung Quốc

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), đánh giá: “Ngoại trừ Campuchia và Myanmar vốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế, trước mắt các quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan và Singapore sẽ không đồng ý hỗ trợ Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự trong khu vực”.

Chẳng hạn, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 4.9 khẳng định Indonesia sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Trung Quốc, thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước này, theo tờ The Jakarta Post. “Còn Bangkok cố giữ cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, do đó một cơ sở hậu cần cho quân đội Trung Quốc trên đất Thái Lan sẽ không khả thi”, theo ông Storey.

“Giống như Djibouti, Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và thậm chí cả văn hóa ở Đông Nam Á theo thời gian trước khi xúc tiến việc thiết lập hiện diện quân sự. Dù vậy, các quốc gia Đông Nam Á có lịch sử luôn tìm cách duy trì sự cân bằng trong quan hệ của họ với các cường quốc”, chuyên gia Becker lưu ý.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “ngoại giao sổ nợ”, cho vay phát triển hạ tầng, khiến các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, từ đó dần dần thiết lập hiện diện quân sự, chuyên gia Sascha-Dominik Dov Bachmann tại Đại học Canberra (Úc) nói với Thanh Niên. “Không nhất thiết phải đóng quân thường trực; việc chiến hạm Trung Quốc có thể tiếp cận cơ sở hậu cần ở Đông Nam Á cũng là điều đáng lo ngại cho an ninh khu vực trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự hóa Biển Đông”, ông Bachmann lưu ý.

Không chỉ Đông Nam Á, Trung Quốc cũng áp dụng mô hình Djibouti ở các quốc gia Nam Á như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka. Hồi giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, nhằm trả bớt khoản nợ khổng lồ 8 tỉ USD. Từ đó, chiến hạm và cả tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên cập cảng Hambantota.

PV/TN

Đọc nhiều