130115
topics
453843

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở TP HCM còn rất cao

04/12/2020 07:27

Kết quả xét nghiệm hàng ngàn trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM chưa phát hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá “nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở TP HCM còn rất cao

Chiều 3.12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo 3 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là các BN Covid-19 thứ 1359 – 1361 tại VN được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Bình, TP.HCM và TP.Đà Nẵng. Cùng ngày, thêm 8 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.361 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.209 ca đã được điều trị khỏi. Có 16.582 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly.

Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập bệnh viện

Trong ngày 3.12, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần ưu tiên cao nhất cho việc phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện (BV) và phòng khám cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập BV.

Với Sở Y tế TP.HCM, BCĐ đề nghị giám đốc sở quyết liệt chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện nghiêm bộ tiêu chí BV và phòng khám an toàn, sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm để phát hiện ngay những trường hợp nghi ngờ và ca bệnh mới nếu có. Thành lập các đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định phòng dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, ưu tiên các cơ sở có nguy cơ cao, có yếu tố dịch tễ liên quan đến những ca bệnh mới.

Theo BCĐ, sau 88 ngày không có dịch trong cộng đồng, TP.HCM đã phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 mới gồm các ca bệnh số 1347, 1348, 1349… Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ người cách ly sau nhập cảnh và lan ra cộng đồng. Tại phía bắc hiện là mùa đông cũng là thời điểm có những sự kiện lớn. Do đó, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Phong tỏa hẻm 97/16 Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6, TP.HCM để phòng, chống dịch Covid-19 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Phong tỏa hẻm 97/16 Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6, TP.HCM để phòng, chống dịch Covid-19

Khoanh vùng giãn cách nếu tiếp tục có lây nhiễm

Chiều 3.12, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

UBND TP yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống, khoanh vùng dập dịch triệt để. Mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và cơ sở lưu trú du lịch đã được phê duyệt. Người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế tham mưu UBND TP thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn…

Tại cuộc họp BCĐ diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá kết quả xét nghiệm hàng ngàn trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 nhưng không có ca mới là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn phải hết sức cảnh giác bởi ca lây nhiễm đầu tiên vào ngày 28.11 thì đến ngày 12.12 mới đủ 14 ngày và sắp tới không lường trước được dịch bệnh sẽ diễn ra như thế nào. Do đó, ngành y tế và các quận huyện phải đẩy nhanh truy vết, kiểm soát dịch để giữ vững thành quả phòng chống dịch và kinh tế đạt được trong thời gian qua.

Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, chính quyền địa phương phải nắm rõ địa chỉ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu các trường hợp này rời khỏi nhà. Sở Y tế rà soát lại các quy định về hình thức cách ly tại nhà và hạn chế thấp nhất việc cách ly này. Ông Phong cũng nhấn mạnh, nếu không đáp ứng điều kiện cách ly tại nhà thì đưa vào khu cách ly tập trung.

Sắp tới, ngành y tế TP.HCM sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở cách ly tập trung, cách ly có thu phí tại khách sạn, nếu cơ sở nào không đáp ứng thì sẽ bị đóng cửa ngay. Ông Phong cũng yêu cầu Công an TP.HCM xử lý nghiêm, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, chống người thi hành công vụ, đầu cơ, găm hàng, tăng giá…

Đang phải “nuôi” 44 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Theo lãnh đạo Công an TP.Hà Nội, riêng tháng 11, Hà Nội đã phát hiện 46 trường hợp nhập cảnh trái phép là người Trung Quốc. Đáng chú ý, hiện cũng có 44 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép khác đã hết thời gian cách ly nhưng chưa hoàn tất thủ tục, giấy tờ để trục xuất về nước nên Công an TP vẫn phải “nuôi” và cử 30 cán bộ, chiến sĩ “canh” những người trên.

Công an TP cũng bày tỏ lo lắng về 2 nhà tạm giam và 29 nhà tạm giữ với hàng nghìn phạm nhân, nếu trở thành ổ dịch sẽ rất nguy hiểm vì “không biết đưa đi đâu để chữa”, và cho biết sẽ tăng cường các biện pháp phòng dịch khi tình hình dịch có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Hà Nội chấn chỉnh cách ly sau “kinh nghiệm” của TP.HCM

Sau khi khẳng định quyết tâm bảo vệ Hà Nội trước làn sóng Covid-19 thứ 3, chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Tổng công ty May 10 và BV Đức Giang (Q.Long Biên). Cùng ngày, ông Anh cũng ra công điện mới về tăng cường kiểm tra các khu cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, yêu cầu mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và tại một số cơ sở cách ly dân sự đủ điều kiện do các địa phương quản lý. Hà Nội cũng tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao, phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 tại Tổng công ty May 10 ẢNH: PHÚ KHÁNH
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 tại Tổng công ty May 10

Rút kinh nghiệm của TP.HCM, Hà Nội cũng rất lo lắng về nguy cơ đến từ các tổ bay và những người nhập cảnh. Sở Y tế Hà Nội đã kiến nghị BCĐ và Hà Nội xem xét lại quy trình cách ly đối với tổ bay và người nhập cảnh. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị không tiếp tục đưa người cách ly về các khu chung cư, vì người dân có ý kiến không đồng tình.

Theo ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, việc giám sát cách ly các cá nhân ở các tổ chức quốc tế và đoàn ngoại giao là rất khó. Cả nhân lực của CDC Hà Nội và các trung tâm y tế được giao nhiệm vụ đều khó tiếp cận những người này.

Theo ông Việt, ngày càng phổ biến việc một số đoàn ngoại giao, khách quốc tế đề nghị miễn xét nghiệm cho trưởng đoàn và một số thành viên trong đoàn. Đơn cử, một đoàn khách quốc tế vào Việt Nam, sau khi sang Campuchia đã phát hiện có thành viên dương tính, nên CDC phải lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100 người tại Văn phòng Quốc hội. CDC Hà Nội đề nghị BCĐ quốc gia có ý kiến về việc này. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh hiện không có quy định nào về việc miễn xét nghiệm cho các thành viên trong đoàn ngoại giao, khách quốc tế; hễ vào Việt Nam đều phải xét nghiệm và đây là quy định cần thực hiện nghiêm. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết nguy cơ xâm nhập Covid-19, từ các chuyến bay nhập cảnh, và số lượng ca dương tính chuyên gia được giải cứu về trong hơn 1 tháng nay có dấu hiệu gia tăng. Tỷ lệ số ca mắc mới ở các nước cũng đang gia tăng. Nếu chủ quan thì việc xảy ra lây lan dịch bệnh là rất cao.

V.Hân – D.Tính/TN

Đọc nhiều