Nguy cơ “chiến tranh nóng” giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông?

29/05/2020 07:23

Không nơi nào tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc lại “chạm trán” với tần suất nhiều như ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng trên nhiều vấn đề, từ thương mại, dịch bệnh Covid-19 đến Hong Kong, hai quốc gia có nguy cơ cao rơi vào tình thế đối đầu quân sự. Và không nơi nào tàu chiến, máy bay chiến đấu của họ lại “chạm trán” với tần suất nhiều như ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.

“Trò chơi đuổi bắt” giữa Mỹ và Trung Quốc

Một cuộc xung đột quân sự sẽ vô cùng nguy hiểm với cả Mỹ và Trung Quốc và hiện giờ không có dấu hiệu nào cho thấy cả 2 bên thực sự muốn tình huống xấu này xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng gia tăng, mọi tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, Hải quân Mỹ đã tiến hành 4 lượt hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông, với đà tiến này, đến hết năm nay, các hoạt động được dự đoán có thể vượt qua con số 8 của năm 2019. Về phía Trung Quốc, sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, hải quân Trung Quốc quay trở lại cảng ở đảo Hải Nam,  nối lại các cuộc tập trận trong khu vực. Giới quan sát cho rằng, quân đội hai nước đang tham gia vào một trò chơi “đuổi bắt” với những tình huống cận kề nguy hiểm.

Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang tập trung chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 và Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng hướng sự chú ý khỏi một nền kinh tế bị tổn thương do dịch bệnh Covid-19, cả Washington và Bắc Kinh dường như đang “xao lãng” việc thúc đẩy chính sách ngoại giao cần thiết để xoa dịu căng thẳng trên biển.

Trong bài phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh hôm 26/5, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu quân đội nước này tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh.

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore đánh giá: “Mặc dù cuộc xung đột vũ trang tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc là một khả năng xa vời, nhưng chúng ta đang chứng kiến các khí tài quân sự của họ hoạt động thường xuyên với với tần suất cao hơn trong lĩnh vực hàng hải. Việc “chạm trán”  giữa các khí tài quân sự của 2 nước có thể gây ra những sai lầm và dẫn đến việc vô tình sử dụng vũ lực, gây tình trạng leo thang căng thẳng. Đây là nguy cơ mà chúng ta không thể lường trước được”.

Dù Mỹ không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại và vận chuyển quốc tế, nhưng nước này luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở khu vực biển quốc tế và hỗ trợ một số quốc gia nhỏ hơn đối phó với sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp và xây dựng trái phép các bãi đá, rạn san hô thành đảo nhân tạo, triển khai vũ khí đến các đảo này. Thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng điều tàu bảo vệ bờ biển được trang bị vũ khí giống như một tàu hải quân tiêu chuẩn để hộ tống các tàu đánh cá.

Tháng 12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ý định ưu tiên điều động các lực lượng Mỹ từ những khu vực khác tới châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Tuy  nhiên, dịch Covid-19 đã khiến Mỹ phải hủy hoặc cắt giảm quy mô các cuộc tập trận cũng như tạm dừng hoạt động tàu sân bay U.S.S. Theodore Roosevelt tại Guam.

Dẫu vậy, vẫn còn những điểm nóng dễ dẫn tới bùng phát xung đột.

Ông Reed Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á tuần trước cảnh báo về “một xu hướng đáng lo ngại” trong cuộc phỏng vấn với Fox News. Quan chức này tố tàu Trung Quốc di chuyển “không chuyên nghiệp và không an toàn” gần tàu khu trục U.S.S. Mustin lớp Arleigh Burke của Mỹ khi con tàu này tuần tra trên biển Đông. Theo ông Reed Werner, đã có ít nhất 9 sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay trinh sát của Mỹ trên không phận Biển Đông.

Hải quân Mỹ thời gian gần đây cũng chạm trán với các tàu Trung Quốc sau khi 2 lần điều tàu chiến hoạt động ở ngoài khơi biển Malaysia, nơi các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc bị tố hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nhằm gây sức ép lên tàu thăm dò West Capella, do công ty Petronas của Malaysia vận hành. Trong một tuyên bố hồi giữa tháng 5, Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 cho biết, Mỹ phải hành động như vậy để hỗ trợ “các đồng minh và đối tác theo đuổi những lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”.

Trước đó ngày 29/4, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bóm B-1B Lancer thực hiện chuyến bay kéo dài hơn 30 tiếng đồng hồ từ Nam Dakota để tiến hành các hoạt động trên Biển Đông.

“Mỹ rõ ràng đang phát đi một tín hiệu”, ông Bonnie Glaser, một chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận xét. “Tôi cho rằng, một phần lý do Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự là để đảm bảo Trung Quốc không tính toán sai lầm và để Bắc Kinh không nghĩ rằng Mỹ không có sự chuẩn bị. Nhưng tôi cũng cho rằng, điều này là để đáp trả sự gia tăng hoạt động từ phía Trung Quốc”.

nguy co "chien tranh nong" giua my va trung quoc tren bien dong? hinh 1
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc) trong một lần xuất hiện ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Lo ngại nguy cơ “chiến tranh nóng”

Trên thực tế, có rất nhiều cơ chế để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia này cùng 19 nước khác đã tham gia Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) với một giao thức đã được chuẩn hóa về quy trình đảm bảo an toàn. Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết họ đã liên lạc chặt chẽ hơn với quân đội Trung Quốc, đảm bảo CUES được thực thi.

Tuy nhiên, những quy tắc này không áp dụng với lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc dân quân biển, vốn đang được Trung Quốc sử dụng rộng rãi để áp đặt yêu sách chủ quyền phi pháp đối với 80% diện tích của Biển Đông. Đã có nhiều sự cố xảy ra giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám Mỹ trên không phận quốc tế, khiến máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp và máy bay Trung Quốc bị rơi. Năm 2016, một tàu hải quân Trung Quốc đã giữ một thiết bị bay không người lái của Hải quân Mỹ trên biển Đông. Bắc Kinh sau đó đã trả lại thiết bị này cho Washington.

Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, hải quân nước này đã theo dõi và trục xuất một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ vào ngày 28/4, cho rằng con tàu trên đã “xâm nhập” vào cái mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa ở Biển Đông (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép-ND).

“Vấn đề nằm ở chỗ những sự cố mà chúng ta chứng kiến trong khu vực không phải là “không có kế hoạch”. Trong những cuộc chạm trán gần đây, hải quân 2 nước đều biết sự hiện diện của nhau và họ luôn theo dõi nhau”, chuyên gia Koh phân tích.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tập trung tăng cường năng lực quân đội ở trên bộ, trên không và trên biển. Chỉ trong 15 năm, Trung Quốc đã tăng gấp đôi nguồn cung các bệ phóng và chế tạo những loại vũ khí vượt xa tầm hoạt động của các đầu đạn tiêu chuẩn, có thể vươn tới hầu hết các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Ông Trịnh Vĩnh Niên, giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay.

“Mối quan hệ Mỹ -Trung đang rơi tự do, được thúc đẩy bởi những nhân vật cứng rắn từ cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chiến tranh Lạnh mới giữa 2 bên đang leo thang. Bây giờ mọi người bắt đầu lo lắng về nguy cơ “chiến tranh nóng” giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia này cho biết.

Hồng Anh/VOV

Đọc nhiều