420
category
469450

Nguy cơ căng thẳng gia tăng vì luật hải cảnh của Trung Quốc

27/01/2021 07:45

Nguy cơ căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng với tàu nước ngoài, phá hủy cấu trúc trên các đảo, đá tranh chấp.

Nguy co cang thang gia tang vi luat hai canh cua Trung Quoc anh 1
Luật Hải cảnh được Ủy ban Thường vụ Nhân Đại (tức quốc hội) Trung Quốc thông qua hôm 22/1.

Luật này trao quyền cho lực lượng hải cảnh “thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán đang bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”.

Luật cũng cho phép hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các công trình của nước khác xây dựng trên các đảo, đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Lực lượng này cũng được trao quyền bắt giữ hoặc ra lệnh cho tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tự xưng là “thuộc quyền tài phán” của mình.

Nguy cơ tính toán sai lầm

Trung Quốc là nước có lực lượng hải cảnh lớn nhất trong khu vực. Lực lượng này ngày càng gia tăng hoạt động ở biển Hoa Đông cũng như Biển Đông trong những năm qua.

Nguy co cang thang gia tang vi luat hai canh cua Trung Quoc anh 2
Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 5/2014. Ảnh: Reuters.

Luật mới được thông qua là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng cường sức mạnh cho hải cảnh, sau khi lực lượng này được thành lập từ việc sáp nhập một số cơ quan thực thi pháp luật trên biển vào năm 2013.

Đến năm 2018, sau khi được đưa về nằm dưới sự quản lý của Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, hải cảnh trở thành nhánh chính thức của lực lượng quân sự.

Luật mới của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm ở các vùng biển đang có tranh chấp tại khu vực.

Thực tế cho thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên tiếp cận các tàu nước ngoài, đôi khi là trong các vụ đụng độ căng thẳng, ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông.

Luật mới quy định 4 “tình huống” mà theo đó các loại vũ khí, khí tài khác nhau – bao gồm loại cầm tay, loại dùng trên không và loại dùng cho tàu thuyền – có thể được triển khai.

Theo tiến sĩ Collin Koh, điều đáng chú ý là cách Bắc Kinh định nghĩa các “tình huống” này và việc sử dụng vũ lực tăng dần kiểu “bậc thang”.

Trong đó, “tình huống” thứ tư có thể được diễn giải rất rộng, khi nói hải cảnh Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực “khi đối mặt với các tình huống khác trong quá trình ngăn chặn hành vi phi pháp tại hiện trường”.

“Dù việc ban hành luật hải cảnh của Trung Quốc tuân theo thông lệ chung trên toàn thế giới, ngôn ngữ mơ hồ của luật cho phép hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo ra nhiều không gian tự do hành động ngang ngược cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc khi áp dụng”, ông Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói trên Twitter.

Những từ ngữ như vậy, kết hợp với việc thiếu định nghĩa cụ thể về cái mà Trung Quốc gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán” của nước này, tạo ra nguy cơ rõ ràng.

“Các chỉ huy hải cảnh Trung Quốc sẽ không chỉ có thể sử dụng vũ lực trong những tình huống đáp ứng những gì luật này quy định, mà hầu như có thể tự ý quyết định sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí trên không và trên tàu vào lúc nào, và bằng cách nào”, ông nói.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, bày tỏ quan ngại về cách diễn giải luật trên thực tế.

“Vấn đề là Trung Quốc sẽ áp dụng luật như thế nào. Vì Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán (phi lý) đối với phần lớn Biển Đông, nên họ có thể sử dụng hải cảnh theo những cách gây tổn hại đến lợi ích của các quốc gia khác”, bà Glaser nói với PV.

Láng giềng quan ngại

Việc Trung Quốc thông qua luật có thể làm gia tăng quan ngại trong các láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản và các bên tranh chấp ở Biển Đông, về viễn cảnh nhiều hành động hung hăng có thể xảy ra.

Tàu của Trung Quốc và tàu của Nhật Bản thường xuyên bám đuôi nhau xung quanh quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền (gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.

Nguy co cang thang gia tang vi luat hai canh cua Trung Quoc anh 3
Tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) và tàu hải cảnh Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo.

Trong một cuộc họp với phía Trung Quốc tuần trước, các nhà ngoại giao Nhật Bản bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.

Trong khi luật mới sẽ giúp hải cảnh Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí, lực lượng Nhật Bản phải tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt.

Luật của Nhật Bản yêu cầu phải xác nhận “hoạt động đáng ngờ” trên tàu nước ngoài, và thậm chí còn cấm các phản ứng có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm, trừ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể.

Hải cảnh Trung Quốc có 130 tàu vào cuối năm 2019, gần gấp đôi số tàu tuần tra của hải cảnh Nhật Bản.

Hải cảnh Trung Quốc cũng được xác nhận là sở hữu tàu trọng tải hơn 10.000 tấn và được trang bị pháo 76 mm – những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc sau khi lên nắm quyền hồi tháng 9/2020. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới ở Nhật dường như đã gây trở ngại cho nghị trình đối ngoại của ông.

“Trung Quốc có thể đang lợi dụng điểm yếu này” của Tokyo, ông Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đang làm việc tại Nhật Bản, trả lời PV.

Ông Chapman cũng cho rằng việc thông qua luật mới là hành động “thêm dầu vào lửa” sau những căng thẳng mà Trung Quốc đã gây ra ở Biển Đông trong năm qua, trong bối cảnh thế giới vẫn đang tập trung đối phó với đại dịch.

“Động thái này diễn ra ngay sau khi 8 máy bay ném bom và 4 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Kết hợp lại, những điều này thể hiện một dấu hiệu đáng lo ngại về sự thù địch xuất phát từ Bắc Kinh”, nhà nghiên cứu nói.

Đây cũng có thể là tín hiệu gửi đến chính quyền mới ở Mỹ sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống hôm 20/1.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) với mục đích xây dựng các liên minh kiềm chế Trung Quốc.

Trong một tài liệu được công bố hồi tháng 12/2020, Mỹ nói họ sẽ sáp nhập lực lượng hải cảnh vào lực lượng hải quân để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông.

“Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động hung hăng để buộc ông Biden phải đảo ngược một số chính sách thù địch đối với Trung Quốc, đặc biệt là thuế quan và việc thúc đẩy Chiến lược FOIP”, ông Chapman nói với PV.

Đông Phong – Thu Hằng/ZN

Đọc nhiều