148628
topics
550278

Người Việt tại Na Uy, Australia trải nghiệm “sống chung” với Covid-19

13/09/2021 09:58

Người Việt tại Na Uy và Australia đang học cách “sống chung” với đại dịch Covid-19, khi chính quyền các nước áp dụng linh hoạt biện pháp phong tỏa và mở cửa để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Gia đình anh Duy Tùng hiện sinh sống, học tập và làm việc ở Oslo, Na Uy

Tuần trước, gia đình nhỏ của anh Nguyễn Duy Tùng, 28 tuổi, hiện sinh sống ở thành phố Oslo – thủ đô Vương quốc Na Uy, đã đi du lịch qua nhiều nơi trên đất nước Bắc Âu nhờ vào thẻ xanh Covid-19.

Anh Duy Tùng cho biết anh quyết định tổ chức chuyến du lịch vì cảm thấy an toàn khi người lớn trong gia đình anh đã tiêm chủng đủ mũi vắc xin. Thêm vào đó, tại Oslo, tỷ lệ phủ vắc xin đang ở mức khá cao, với 73,1% dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi và 62,1% dân số trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi.

Hơn nữa, nhờ việc vắc xin được phủ rộng, thành phố Oslo, cũng như Na Uy đã nới lỏng nhiều lệnh hạn chế như: Cho phép mở cửa lại nhà hàng, phòng gym, hòa nhạc và sự kiện ngoài trời lên tới 3.000 người. Trong 14 ngày qua, số ca nhiễm ở Oslo tập trung ở những người chưa tiêm chủng, bao gồm nhóm từ 11-18 tuổi. Tuy nhiên, thành phố này không ghi nhận ca tử vong nào trong 2 tuần qua.

Anh Duy Tùng cho biết chính phủ Na Uy hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại nơi đông người cũng như trong không gian kín. Ngoài ra, các cửa hàng, siêu thị cũng giới hạn số người mua sắm trong cùng thời điểm theo diện tích và các quy tắc về giãn cách vẫn được áp dụng trong nhà hàng.

Các công ty và trường học ở Na Uy hiện cũng cho phép nhân viên, sinh viên có thể lựa chọn học và làm việc trực tuyến. Các trường mầm non cũng đã hoạt động bình thường và các hạn chế chống dịch đã bị gỡ bỏ.

“Điều kiện tiên quyết để Na Uy mở cửa trở lại chính là số ca tử vong, số ca bệnh nặng giảm mạnh do độ phủ vắc xin cao. Bên cạnh đó, chính phủ cũng khuyến cáo người dân chú ý tự bảo vệ sức khỏe”, anh Duy Tùng nhận định.

Ông Preben Aavitsland, người đứng đầu Viện Y tế Cộng đồng Quốc gia Na Uy (FHI), hồi tháng 8 nhận định tỷ lệ tiêm chủng cao giúp hạn chế đáng kể sự lây lan của biến chủng Delta – biến chủng hiện chiếm phần lớn số ca nhiễm mới ở Na Uy.

Trước đó, hồi tháng 6, ông Aavitsland tuyên bố Na Uy đã “hết dịch”, nhưng không phải tất cả giới chức y tế Na Uy đồng tình với quan điểm này. Ông Aavitsland giờ đây cũng thừa nhận, Covid-19 sẽ không “biến mất”, thay vào đó nó sẽ dần trở thành “mối đe dọa không đáng kể”.

Nhờ các biện pháp phong tỏa nhanh chóng từ tháng 3/2020 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Na Uy, quốc gia với 5,4 triệu dân, được coi là một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất. Đến nay, Na Uy đã ghi nhận khoảng 176.000 ca mắc Covid-19, trong đó chỉ có khoảng 820 trường hợp tử vong.

Tại Australia, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến chính phủ nước nà phải cân nhắc giữa việc quyết liệt dập dịch bằng các biện pháp phong tỏa hay chung sống với Covid-19. Tại bang Victoria, chính quyền đã quyết định gia hạn phong tỏa lần thứ 6 kể từ ngày 5/8. Kể từ tháng 3/2020 đến nay, Victoria đã phong tỏa hơn 220 ngày.

Theo chị Nguyễn Hà, chuyên viên tại một trường đại học ở thành phố Melbourne, bang Victoria cho biết, chính quyền bang đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để sống chung với Covid-19, quyết định nới lỏng hay thắt chặt phong tỏa tùy thuộc số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo thông tin từ chị Hà cho biết, khi bang áp lệnh phong tỏa, các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, cơ quan công sở, trường học đóng cửa, chuyển sang hình thức học và làm việc tại nhà, người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Người dân tuân thủ theo tinh thần tự giác, không lập rào chắn, chốt chặn kiểm tra trong khu vực dân cư (ngoại trừ các tuyến đường cao tốc, cửa ngõ biên giới bang). Chính quyền bang cũng quy định rõ các hoạt động người dân được phép làm. Những người vi phạm quy định bị phạt nặng tại chỗ như: 5.452 AUD (4.000 USD) nếu tụ tập trái phép, 200 AUD (147 USD) nếu không đeo khẩu trang (trừ một số lý do hợp pháp).

Phương Thảo, một du học sinh Việt Nam cũng đang sinh sống ở thành phố Melbourne, cho biết hiện tại, người dân ở đây chỉ được ra ngoài với 5 lý do: mua đồ thiết yếu, tập thể dục, đi tiêm vắc xin, khám bệnh, người được đi làm hay đi học. Giờ giới nghiêm được áp dụng từ 21h tối đến 5h sáng và sau 21h, không ai được phép ra đường. Tất cả các địa điểm trong nhà như chợ, siêu thị, cơ quan đều có mã QR để người dân quét mã (dùng phần mềm của chính quyền bang), với mục đích nhanh chóng truy vết ca nhiễm.

Các cửa hàng tiện lợi lớn như Kmart, Bigw, Target hay những cửa hàng nhỏ đều có dịch vụ Click and Collect (mua bán trực tuyến và lấy hàng mang về). Các nhà hàng cũng có dịch vụ bán mang về. Australia hiện chưa áp dụng cơ chế phải có chứng nhận đã tiêm chủng mới được ra vào các nơi công cộng, nhưng khai báo y tế là quy định bắt buộc.

Australia hiện vẫn đóng cửa biên giới và cũng giới hạn đi lại ở các bang. Sinh viên, học sinh vẫn phải học trực tuyến, nhân viên văn phòng có thể làm việc tại nhà. Những bố mẹ đơn thân đi làm và không thể trông con vẫn có thể gửi con tại nhà trẻ và những trẻ cần chăm sóc đặc biệt vẫn có thể đi học.

Tuy nhiên, trước sự hoành hành của biến chủng Delta, các biện pháp hạn chế, phong tỏa kéo dài cũng không giúp Australia đẩy lùi hoàn toàn Covid-19. Số ca nhiễm đang tăng mạnh trở lại trong làn sóng Covid-19 thứ ba ở xứ sở kangaroo. Australia cho tới nay ghi nhận hơn 75.000 ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp tử vong.

Phát biểu trước quốc hội đầu tháng này, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng người dân Australia cần được giải phóng khỏi các biện pháp phong tỏa, đồng thời khẳng định “Australia có thể chung sống với Covid-19”. Đó là lý do Australia bắt đầu chuyển trọng tâm sang chiến lược tiêm chủng nhanh chóng để chung sống an toàn với Covid-19 và từ bỏ chiến lược dập dịch triệt để đưa số ca nhiễm về 0.

Chính quyền liên bang và các địa phương đã tận dụng nhiều biện pháp tuyên truyền khác nhau để khuyến khích người dân tiêm chủng. Nhìn chung, phần lớn người dân Australia ủng hộ tiêm chủng. Tính đến ngày 11/9, Australia đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 42% dân số trưởng thành, trong khi khoảng 67% dân số trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều.

Giới chức Australia đặt mục tiêu sẽ nới lỏng phong tỏa vào khoảng tháng 10 khi tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ đạt khoảng 70%, và mở cửa trở lại cuộc sống bình thường khi tỷ lệ này đạt trên 80% vào khoảng tháng 11/2021. Trong lộ trình sống chung với Covid-19, các bang như Victoria, New South Wales dự định áp dụng cơ chế thẻ xanh vắc xin từ tháng 10 tới, cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ tránh các biện pháp hạn chế hiện nay.

Là một người trẻ chưa có con, tôi khá hài lòng với cách ứng phó dịch Covid-19 của chính quyền, với sự hỗ trợ của cơ quan khi tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm việc tại nhà (toàn bộ máy tính trang thiết bị làm việc được cơ quan chuyển về nhà, công nghệ giúp tiếp cận dữ liệu nội bộ của cơ quan từ xa), với nguồn thực phẩm và dịch vụ thiết yếu đầy đủ. Tôi chỉ cảm thấy đôi chút không thoải mái khi tạm thời không được gặp bạn bè, đồng nghiệp và có các chuyến đi chơi. Hy vọng rằng cuộc sống bình thường mới sẽ được thiết lập khi tỷ lệ tiêm đầy đủ 2 mũi đạt 70%“, Hà chia sẻ.

Thành Đạt 

Đọc nhiều