28
category
464982

Người Việt Nam hạnh phúc vì không…giàu

12/01/2021 19:36

Mức thu nhập cá nhân tốt đóng vai trò quan trọng tạo ra hạnh phúc. Nói cách khác, bạn khó có thể hạnh phúc nếu bạn chật vật trong thiếu thốn đói nghèo.

Nhưng có tiền chỉ là điều kiện cần chứ chưa tạo nên một hạnh phúc đủ đầy và bền lâu. Các nghiên cứu kinh tế gần đây cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người đã vượt quá một ngưỡng nào đó, người ta không còn thấy hạnh phúc hơn nếu giàu có hơn. Các nhà khoa học còn gọi là “hội chứng mất niềm vui”.

Kinh tế gia được giải Nobel, Amartya Sen, cho rằng, mục đích phát triển cuối cùng của con người không chỉ trở lên giàu có mà còn có cuộc sống tự do viên mãn. Vì thế, bên cạnh tiền, còn những yếu tố và điều kiện khác để dẫn đến hạnh phúc.

Gần đây, như một sở thích nghề nghiệp, tôi nghiên cứu và trao đổi với đồng nghiệp về mối liên hệ giữa hạnh phúc và một số hiện tượng xã hội. Chúng tôi đi tìm các câu trả lời cho câu hỏi: có phải tỷ lệ tội phạm là trẻ vị thành niên tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với trước đây? trong hoàn cảnh tương tự, tại sao người này phạm tội mà người khác lại không?

Một trong những quan điểm đồng nghiệp tôi nghiêng về là do quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình thiếu hạnh phúc, thiếu tình yêu thương hay trong môi trường bạo lực và xáo trộn khi trưởng thành thường bị thiếu hụt trong nhân cách, ít hạnh phúc hơn. Những người ít hạnh phúc hơn thường có khả năng phạm tội cao hơn, đây là kết luận của một số nghiên cứu tâm lý và xã hội học.

Nhưng mức độ hạnh phúc và sự tác động của nó không dừng ở mỗi cá nhân. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Chỉ số phổ biến mà các quốc gia vẫn dùng để đánh giá sự phát triển của mình là Mức thu nhập bình quân đầu người – GDP trên đầu người. Song ở khía cạnh khác, kinh tế học hiện đại coi GDP chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ của chất lượng phát triển là chỉ số hạnh phúc của người dân.

Ngoài chỉ số GDP, các nước giàu hơn thuộc khối OECD gần đây công bố các chỉ số hạnh phúc dựa trên khảo sát người dân của mình. Bhutan – quốc gia có thu nhập trung bình khá giống Việt Nam – đề xuất khái niệm Tổng sản lượng Hạnh phúc quốc gia (Gross national happiness) thay cho GDP từ đầu những năm 1970 và đã liên tục công bố chính thức chỉ số này từ hơn chục năm qua. Chỉ số này bao gồm các khía cạnh như sức khỏe tinh thần, y tế, giáo dục, sức khỏe môi trường và đa dạng sinh học, dịch vụ công. Mức thu nhập chỉ là một trong các yếu tố tạo nên chỉ số hạnh phúc.

Việt Nam vừa bước vào thập kỷ phát triển kinh tế mới, 2021-2030, mục tiêu Chính phủ luôn khẳng định là tiến tới nước thu nhập trung bình và cao hơn. Mục tiêu này rất đúng đắn, thể hiện trong các chỉ số GDP mục tiêu luôn được đặt ra ấn tượng từ đầu năm. Ví dụ, GDP mục tiêu năm 2021 của chúng ta tới 6%, con số khá ấn tượng với thế giới.

Nhưng, tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết phải đợi đến lúc “giàu” – cả quốc gia và dân chúng vươn tới mục đích thu nhập cao – thì mới có hạnh phúc. Tôi khá ngạc nhiên khi biết, trả lời câu hỏi về lựa chọn “ưu tiên cao nhất của nhà nước hiện nay là cứu người khỏi Covid-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế” trong một khảo sát gần đây của UNDP, có tới 89% người dân Việt Nam được hỏi trả lời “có”, cao hơn hẳn mức trung bình của thế giới là 67%. Điều này chứng tỏ người Việt Nam không đánh giá kinh tế là quan trọng nhất.

Tôi cho rằng đã tới lúc chúng ta thay đổi cách nhìn nhận, đo lường sự phát triển của xã hội không chỉ bằng tăng tưởng thu nhập mà bằng cả các chỉ số phi thu nhập. Với các bộ chỉ số thế giới sẵn có và đang dùng, Chính phủ và Tổng cục Thống kê hoàn toàn có thể đánh giá và công khai chỉ số hạnh phúc của Việt Nam.

Chỉ số này sẽ tích hợp được các yếu tố cho thấy rõ hơn chất lượng cuộc sống, bao gồm môi trường, chất lượng không khí, chất lượng di chuyển và sinh hoạt, dịch vụ công của chính phủ, sự tiếp cận giáo dục và y tế, an ninh xã hội… Xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc là bước đi ban đầu giúp Việt Nam có thể đánh giá kịp thời và đưa ra chính sách phù hợp để nâng cao hơn chất lượng sống của người dân.

Cái gì đo đếm được mới có thể thay đổi được. Quan trọng hơn, chỉ số này nếu có sẽ tạo ra động lực để cả nhà nước và người dân cùng cải thiện chất lượng sống. Điều này đã được chứng minh ở các quốc gia đi trước. Một số quốc gia đã phải trả giá cho sự đánh đổi kinh tế với các “yếu tố mềm” như môi trường xuống cấp gây ra sức khỏe kém và rút ngắn tuổi thọ người dân. Nhưng vài năm trước, họ đã sửa chữa: tuyên chiến với ô nhiễm không khí, đồng thời có hàng loạt biện pháp như đóng cửa các nhà máy ô nhiễm, thúc ép các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch.

Một quốc gia hạnh phúc gồm những người dân hạnh phúc. Các triết gia cho rằng, hạnh phúc không ở đâu xa lắc với hành trình đầy chông gai, mà gồm những điều nhỏ bé trên con đường chúng ta đi mỗi ngày. Với những chính sách được điều chỉnh phù hợp, dù nhỏ hay lớn, khi gần hơn với người dân, Chính phủ có thể nâng cao hạnh phúc – hay sự hài lòng của dân chúng.

Xã hội tốt đẹp hơn bắt đầu từ việc tạo ra các cá nhân hạnh phúc, và gia đình hạnh phúc. Khi mỗi mắt xích nhỏ hạnh phúc với công việc mình làm, thái độ tích cực có thể tạo ra hiệu quả và năng suất cao hơn. Khi đó, chỉ số GDP sẽ tốt lên tự nhiên mà không cần “chín ép”.

Đặng Hoàng Hải Anh

* Bài viết mang ý kiến cá nhân của tác giả.

Đọc nhiều