Người Trung Quốc nhập cảnh lậu, cách ly xong không biết đưa đi đâu
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Long An đề nghị được hướng dẫn giải quyết vướng mắc liên quan đến việc xử lý những trường hợp người nước ngoài vi phạm bị cách ly.
Ngày 27-4, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã có buổi khảo sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Long An.
Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận một số ý kiến của các ngành chức năng tỉnh Long An đề nghị giải quyết để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, đặc biệt là việc đề nghị được hướng dẫn cụ thế về việc quản lý đối với những trường hợp người Trung Quốc vi phạm về xuất nhập cảnh bị phát hiện. Sau khi xử phạt và xử lý cách ly theo quy định, hiện có 20 người Trung Quốc vẫn đang chưa biết… xử lý tiếp như thế nào.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, vùng biên giới Việt Nam đã phát hiện 69 trường hợp người Trung Quốc xuất, nhập cảnh trái phép. Với các trường hợp này, sau khi lập biên bản, củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định, và đưa đi cách ly.
Hiện tại, có 6 người Trung Quốc đang trung khu cách ly tại Vĩnh Hưng vì có ý định xuất cảnh sang Campuchia và bị Biên phòng Long An bắt giữ vào rạng sáng ngày 22-4 vừa qua.
Tuy nhiên, có 20 người Trung Quốc trước đó cũng từng bị bắt giữ vì xuất, nhập cảnh trái phép nay đã hết thời gian cách ly nhưng chưa thể trao trả về nước, do phía Trung Quốc không tiếp nhận, gây khó khăn trong việc quản thúc các trường hợp này.
Theo Công an tỉnh Long An, đơn vị này đã phối hợp với Sở Ngoại vụ và liên hệ với phía Trung Quốc để tiếp nhận các công dân này trở về nước. Tuy nhiên đã hơn 3 tuần nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, việc tổ chức lưu giữ và đưa những người Trung Quốc này về nước cũng khá tốn kém, và hiện nay vẫn chưa có quy định về kinh phí cho công tác này.
“Như trước đây, khi trao trả những người vi phạm này về nước, chúng tôi phải tổ chức đưa ra đến Lạng Sơn rồi chờ phía nước bạn làm thủ tục đến mấy ngày, rất tốn kém, mà ngay cả việc quản lý hiện tại với họ sau khi cách ly cũng rất tốn chi phí, vì những người này đa số là nhập khẩu trái phép rồi tìm về Long An, không có nơi tạm trú …”, đại diện Công an Long An phát biểu.
Công an Long An cũng cho biết thời gian qua, có rất nhiều đường dây đưa người về biên giới tỉnh Long An để tìm cách vượt biên. Tuy nhiên, những người tổ chức các đường dây này chủ yếu thông qua mạng xã hội zalo, wechat để hướng dẫn những người vượt biên tự tìm đường bằng bản đồ trên điện thoại thông minh, rồi tổ chức đưa, rước ở phía bên kia biên giới nên rất khó khăn trong việc phá án.
Long An cũng kiến nghị xem xét hiện trạng những em bé nhỏ tuổi được đưa về nước để cách ly theo quy định nhưng không có người thân đi kèm. Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An, đã có hơn 60 trường hợp, phần lớn các em dưới 5 tuổi, thậm chí có em chỉ mới mấy tháng tuổi đã được đưa về nước nhưng không có người thân đi kèm. Việc xử lý chăm sóc các em này tạo ra sự lúng túng cho lực lượng chuyên trách cách ly, đa số là … sĩ quan, chiến sĩ nam.
Thứ trưởng Tuyên cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến trên và báo cáo đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia để đề ra các quy trình tháo gỡ những khúc mắc này trong thời gian tới.
SƠN LÂM