8
category
331577

Người Trung Quốc chiếm hơn 30% số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam

10/11/2019 18:39

Ủy ban Đối ngoại vừa gửi đến Quốc hội báo cáo giám sát chuyên đề năm 2019 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” từ năm 2013 đến nay.

Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh, cả để du lịch và làm việc /// Ảnh Ngọc Thắng
Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh, cả để du lịch và làm việc

Người Hàn Quốc chiếm gần 37% số người nước ngoài có thẻ tạm trú

Báo cáo giám sát dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết: tính từ ngày 1.1.2015 đến ngày 31.12.2018, số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2015 có gần 8 triệu lượt, thì đến năm 2018 đã tăng gấp đôi, thành hơn 16 triệu lượt.

Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đa dạng về quốc tịch, mục đích, nghề nghiệp. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân nhập cảnh Việt Nam nhiều nhất gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga.

Công dân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với số lượng gần 14,8 triệu người trong 4 năm 2015 – 2018, chiếm hơn 30% trong tổng số người nước ngoài đến Việt Nam.

Người nước ngoài nhập cảnh nhiều nhất với mục đích du lịch, với hơn 13 triệu lượt, lao động hơn 1 triệu lượt, thăm thân gần 300.000 lượt, theo số liệu năm 2018.

Từ năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 1.074.065 thị thực. Hiện có 141.042 người nước có thẻ tạm trú, trong đó lao động chiếm 85.526 người, đầu tư chiếm 14.775 người, thăm thân chiếm 38.799 người. Theo quốc tịch, người Hàn Quốc có số lượng đông nhất với 1.762 người, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 2 với 20.198 người, Nhật Bản thứ 3 với 16.604 người, Trung Quốc với 6.121 người và Mỹ là 5.226 người.

Theo Đoàn giám sát, từ năm 2013 đến năm 2018, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỷ lệ giữ các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành; giảm tỷ lệ lao động kỹ thuật. Số lao động vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần qua các năm, năm 2013 có 72.172 người thì đến năm 2018 có 88.845 người.

Người Trung Quốc chiếm hơn 30% số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam - ảnh 1
Thống kê lao động nước ngoài tại Việt Nam từ 2013 đến nay. Ảnh chụp màn hình

Một số người nước ngoài lách luật để lao động tại Việt Nam

Về quản lý lao động nước ngoài, cho đến năm 2016 mới có Nghị định 11 của Chính phủ quy định nội dung này, lại quy định thời hạn của hợp đồng lao động chưa phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động.

Bộ luật Lao động quy định sau khi ký hợp đồng lao động lần 2 thì phải ký hợp đồng không xác định thời hạn, nhưng lại quy định thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm và chưa có quy định về gia hạn giấy phép lao động.

Người lao động nước ngoài cũng lách luật do bộ luật Lao động quy định các trường hợp là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn; thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động; do đó, một số trường hợp đã góp số vốn rất nhỏ để được coi là thành viên góp vốn và được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Người Trung Quốc chiếm hơn 30% số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam - ảnh 2
Top 6 nước có người nhập cảnh vào Việt Nam đông nhất. Ảnh V.H

Thêm vào đó, nhiều nhà thầu nước ngoài cũng tuân thủ không đúng quy định “sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được, đặc biệt là lao động phổ thông; chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu”, do không có quy định xử phạt với nhà thầu sử dụng lao động không đúng theo phương án trong hồ sơ mời thầu.

Hiện vẫn còn tình trạng người lao động nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch, nhưng ở lại làm việc.

Tại các địa phương có chung đường biên giới trên bộ với các nước, tình hình lao động qua biên giới làm việc có tính chất, mức độ rất phức tạp, nhưng chưa có các văn bản pháp luật quy định để làm căn cứ giải quyết các vấn đề này, theo Đoàn giám sát. Hiện nay, chỉ có một số địa phương biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai được Chính phủ cho phép thí điểm ký kết hợp tác lao động với các địa phương đối diện bên kia biên giới của Trung Quốc.

Kiến nghị xây dựng luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Trước thực tế trên, Đoàn giám sát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo bộ luật Lao động năm 2012, trong đó quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu vào doanh nghiệp để người lao động nước ngoài được miễn cấp giấy phép lao động, quy định phải có giấy phép lao động thì mới được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề trong lĩnh vực đặc thù như hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, xây dựng, du lịch, dịch vụ.

Nghiên cứu xây dựng luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có quy định để quản lý lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

(Theo Thanh Niên)

Đọc nhiều