8
category
563713

Người thân cố nhạc sĩ Văn Cao lên tiếng sau khi Quốc ca bị đánh bản quyền

05/11/2021 10:11

Những ngày qua, BH Media bất ngờ “nhận vơ” bản quyền của nhiều tác phẩm nổi tiếng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bất ngờ thay, ngay cả Quốc ca Việt Nam do cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân cũng bị BH Media đánh bản quyền. Ngay sau đó, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã chính thức lên tiếng.

Bản quyền Quốc ca Việt Nam bị BH Media “nhận vơ” là sai trái

Trong khi sự việc ồn ào liên quan đến chuyện BH Media tung “gậy bản quyền” đối với ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube chưa kịp lắng xuống thì mới đây BH Media lại gây phẫn nộ khi tự ý xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam.

Đây là ca khúc mà đại đa số người dân Việt Nam đều biết là sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ca khúc này đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Quốc hội và toàn thể người dân Việt Nam vào năm 2016. Mục đích hiến tặng là để các cá nhân và tập thể sử dụng một cách phi lợi nhuận trong các hoạt động mang tính chính trị, xã hội, văn hoá, nghệ thuật.

Chia sẻ với chúng tôi xoay quanh vấn đề ca khúc Tiến Quân Ca bị phía BH Media đánh bản quyền, Nhạc sĩ Văn Thao, con trai của cố Nhạc sĩ Văn Cao, đại diện gia đình cho biết:

“Gia đình đã giao bản quyền và toàn bộ quyền cho Nhà nước. Vấn đề này thì Bộ Văn hóa và Cục Bản quyền của Nhà nước cần có ý kiến chứ gia đình đã trao tặng toàn bộ ca khúc, xem như thuộc về Nhà nước, thuộc về Nhân dân rồi. Về bản quyền tác giả thì tôi nghĩ không thu tiền ca khúc ấy vì ca khúc ấy đã thuộc toàn quyền của Nhà nước.

Vấn đề này nên trao đổi với Bộ Văn hóa, gia đình không thể có ý kiến gì cả vì đã làm lễ bàn giao chính thức cho Nhà nước và cho nhân dân. Tất nhiên, quyền của tác giả thì vẫn là tên tuổi của cố NS Văn Cao nhưng mà thu tiền bản quyền sử dụng thì đơn vị nào thực hiện trái phép, không xin phép Nhà nước thì Bộ Văn hóa nên đứng ra”.


Bản nhạc Tiến Quân Ca được NS Văn Cao hiến tặng cho Bảo tàng Cách Mạng

Trước đó, vào ngày 21/6/2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến Quân Ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Nghiêm Thúy Băng, với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến Quân Ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ 1945 đến nay.

Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trong lễ hiến tặng bài Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam cho Quốc hội, toàn dân. Ảnh: Mạnh Thắng.

Sau đó, PV liên lạc được với bà Hà Anh – vợ của họa sĩ Nghiêm Bằng, con dâu của cố họa sĩ Văn Cao. Bà Hà Anh cho biết, gia đình bà đã nắm bắt được sự việc này thông qua các phương tiện truyền thông.

Phía gia đình hoàn toàn không có bất kỳ sự ủy quyền nào cho phía BH Media về việc sở hữu độc quyền ca khúc này trên mạng YouTube. Gia đình rất không bằng lòng với hành vi “nhận vơ” bản quyền của BH Media khi tự ý đăng ký quyền tác giả đối với ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam vì mục đích thương mại.

“Cách đây 5 năm, gia đình chúng tôi đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca tức Quốc ca Việt Nam cho Quốc hội và toàn thể nhân dân Việt Nam. Chúng tôi hiến tặng với mong muốn Nhà nước và toàn dân sẽ hát vang Quốc ca trong các dịp lễ lạt, văn hóa – văn nghệ để tôn thêm lòng tự hào dân tộc mà không phải trả phí bản quyền.

Trong dịp hiến tặng đó, anh Nghiêm Bằng cũng nói rõ trên báo chí rằng, nhiều nước trên thế giới trả tiền bản quyền ca khúc cho tác giả sáng tác ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước đó nhưng ở nước ta lại chưa làm điều đó. Dù vậy, từ khi sáng tác ca khúc Tiến quân ca vào năm 1945, bố chúng tôi là nhạc sĩ Văn Cao đã có tâm nguyện rằng, ca khúc đó không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về dân tộc, Tổ quốc Việt Nam. Và gia đình chúng tôi hiến tặng ca khúc này cũng theo di nguyện của ông cha mình.

Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với bất kỳ hành vi sở hữu độc quyền ca khúc này vì mục đích thương mại trên nền tảng số đối với bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào. Tất cả những hành vi đó đều sai trái và vi phạm pháp luật”, bà Hà Anh khẳng định.

Theo con dâu của cố nhạc sĩ Văn Cao, gia đình bà không muốn lên tiếng gay gắt vì nghĩ Tiến quân ca – Quốc ca đã trở thành “tài sản tinh thần” chung của Quốc hội, của toàn dân nên để Quốc hội toàn quyền quyết định.

“Tôi nghĩ rằng, gia đình chúng tôi không lên tiếng thì mọi người cũng đã biết. Tôi mong Quốc hội sẽ xử lý vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật vì chúng tôi đã hiến tặng ca khúc này cho Quốc hội, cho nhân dân”, bà Hà Anh nói thêm.

Bà Hà Anh cũng cho biết, gia đình chưa nhận được sự liên hệ của bất kỳ đơn vị nào, kể cả Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để bàn cách giải quyết sự việc này. Cách đây ít hôm, bà có lên văn phòng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam giải quyết một số việc liên quan đến quyền tác giả của nhà thơ – họa sĩ Nghiêm Bằng và chứng kiến khá nhiều chuyện bi hài về bản quyền âm nhạc. Bà mong những sự việc như thế này cần được sớm chấn chỉnh và giải quyết triệt để.

Trọng Thanh

Đọc nhiều