280
topics
428336

‘Người tài luôn hoài nghi tất cả’

10/09/2020 06:14

Làm sao để thu hút người tài, chấp nhận sự khác biệt của họ để phát triển? Những khát vọng để Việt Nam vươn lên, đuổi kịp với các nước văn minh hiện đại BBT trao đổi với chuyên gia Trần Đình Thiên.

Không tôn trọng sự khác biệt, không thể có người tài 

PV: Gần đây, chủ đề tuyển chọn người tài lại bắt đầu được khơi lại. Mọi sự phát triển hay tắc nghẽn, sự đấu tranh giữa lạc hậu, trì trệ và đột phá, sáng tạo luôn xoay quanh bộ óc của người tài. Ý kiến của ông? 

Việt Nam không hiếm người tài nhưng nếu không tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng xã hội thì không tạo môi trường cho người tài phát lộ.

Triết lí của Khổng Tử là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Cái thiện là quan trọng nhất, cái thiện phải truyền từ đời này sang đời khác, con người phải có đạo đức, phải có trên, có dưới. Nghĩa là, theo đạo đức đó, mọi thứ phải dựa trên nền tảng cũ, không có đột phá, không cần sáng tạo. Xã hội như vậy đâu dung dưỡng người tài!

Hegel nói giữa cái thiện và ác, ác mới là chính vì cái ác phá cái cũ đi. Còn Karl Marx nói trong luận cương Feuerbach, phép biện chứng của chủ nghĩa duy tâm khách quan gấp vạn lần chủ nghĩa duy vật. Marx cũng có một câu nói nổi tiếng: Tôi hoài nghi tất cả.

‘Người tài luôn hoài nghi tất cả’
“Nếu cứ ôm cái cũ đứng dậy thì cái cũ đó chỉ vài năm sau sẽ không phát triển nữa” TS Trần Đình Thiên

Người khoa học là vậy, tương tự người tài cũng luôn hoài nghi tất cả. Nói vậy không có nghĩa là họ không tin điều gì, họ vẫn có niềm tin nhưng họ luôn có tinh thần hoài nghi, muốn xem xét lại chứ không phải bác bỏ. Tư duy của người tài là như vậy.

PV: Nhưng ông thấy đấy, kinh tế của Việt Nam đã phát triển rất nhanh nhờ đổi mới, nhờ những cởi trói ngược lại với những mô thức cũ… Điều đó hẳn là do nhiều bộ óc dám có tư duy mới, không giống như thông lệ?

Mọi sự thay đổi vượt cái cũ đều là thành công. Nhưng nếu chỉ thành công lặt vặt thì coi là sứ mệnh chưa hoàn thành. Giới hạn của những thành công mang tính kinh nghiệm chỉ có thế thôi.

Thành công quan trọng của đất nước này là lực lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển cùng với kinh tế thị trường. Nếu thị trường tốt, khu vực tư nhân sẽ mạnh. Đáng tiếc là thị trường nước ta chưa mạnh.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh thì đất nước sẽ phát triển bởi vì cơ chế thị trường sẽ tự phản ứng, được kích hoạt. Doanh nghiệp nội địa yếu thì tới đây mở cửa lại sau đại dịch Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Marx đã nói, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất hay còn gọi cơ sở kinh tế sản xuất của xã hội quyết định kiến trúc thượng tầng.

Chúng ta nhận thức, cần thay đổi quan hệ sản xuất nhưng phải mất thời gian vì lực lượng sản xuất bị quan hệ sản xuất trói lại, mà quan hệ sản xuất lại bị quyền lực nhà nước trói lại. Cho nên, khi còn chưa xử lí được câu chuyện cấu trúc nhà nước, ví dụ thể hiện qua cơ chế xin cho, thì còn khó. Vì sao tinh thần của kinh tế kế hoạch hoá, phân bổ nguồn lực bằng hành chính vẫn được ôm chặt và như thế thị trường không có cửa. Tức là chúng ta đang đối diện với sự tương phản giữa thị trường và nhà nước.

Câu hỏi Nghệ An cần suy nghĩ, nhân rộng ra đất nước cũng cần suy ngẫm

PV: Chúng ta vẫn nói với nhau là người Việt Nam có nhiều người tài, chẳng hạn, nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản, du học ở nước ngoài về, rồi người tài Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, rồi giới tinh hoa…

Người Việt Nam thông minh, có nhiều sáng kiến, chẳng hạn, học theo thế giới, chuyển hoá thành kinh nghiệm. Cuộc cải cách của ta có những giá trị quan trọng, đưa vào được tư duy thị trường. Ta chọn đã đúng nhưng hơi rụt rè.

Có lần về quê, Nghệ An, tôi đặt câu hỏi, vì sao Nghệ An lắm người tài mà tỉnh không phát triển được? Đó là câu hỏi mà Nghệ An cần suy nghĩ, nhân rộng ra đất nước cũng cần suy ngẫm. Tôi cho rằng khái niệm người tài là của thời xưa, người tài thời nay phải nghĩ khác đi.

Điểm loé sáng Bình Dương 

PV: Ta cứ nói người tài đâu xa, hãy nhìn việc ngay trước mắt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chỉ cần chuyên tâm cũng có thể làm chứ chưa cần tài?

Tôi lấy ví dụ một câu chuyện đơn giản, 10 năm nay Đà Nẵng có chỉ số PCI xếp thứ nhất. PCI là đánh giá của doanh nghiệp với điều hành của chính quyền. Nhưng rồi nhiều lãnh đạo bị kỷ luật.

Cái tài mà ta vẫn hay nói đến nằm trong xu hướng là tài kiểu cũ. Việc tuyển chọn cán bộ vẫn quen biết là chính. Không có cơ chế tuyển chọn cán bộ khách quan. Những tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ của ta rất lờ mờ.

Bản chất của câu chuyện người tài ở Việt Nam là nền tảng và cơ chế. Nói đến người tài phải có cạnh tranh. Muốn có cạnh tranh phải có tiêu chuẩn.

Trong chiến tranh ta huy động được lực lượng nhưng trong thời bình, việc tập hợp lực lượng lại chậm. Bằng chứng rõ nhất là đầu tư công càng ngày càng chậm. Chúng ta làm luật không phải tạo ra không gian thông thoáng mà làm luật để đắp thêm, tháo gỡ từng tí nhưng càng tháo thì các văn bản pháp luật lại càng phình ra và xung đột nhau.

‘Người tài luôn hoài nghi tất cả’
Bình Dương nổi tiếng với cách làm xin cơ chế chứ không xin tiền 

Bây giờ có những điểm loé sáng cũng là đã tuyệt vời, như Bình Dương. Bình Dương nổi tiếng với cách làm xin cơ chế chứ không xin tiền. Bình Dương có tính chủ động cao, kiên quyết. Nhưng những cái hay của Bình Dương lại không được tổng kết để lan rộng nên tỉnh này dường như vẫn đơn độc một mình.

Phải là cấu trúc cạnh tranh

PV: Nhờ cơ chế mới mà nhiều nhà doanh nghiệp tư nhân xuất hiện, nhưng dường như sự phát triển của họ chưa tương xứng. Ông nhìn nhận như thế nào?

Tình trạng doanh nghiệp tư nhân không lớn được là thực tế cần cảnh báo. Nếu một số lớn lên được thì theo cơ chế sân sau, thân hữu. Trong khi đó, cấu trúc doanh nghiệp cơ bản của trước Đổi mới để lại là doanh nghiệp nhà nước đã bị rạn vỡ. Khu vực nhà nước phải làm đúng chức năng của nó.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đứng vững vì nền tảng là những người nông dân, khả năng sinh tồn mạnh nhưng lực lượng này không đáng kể, không giải quyết được việc. Sau khủng hoảng, những sản phẩm của họ lại được ưa chuộng.

Thực chất, những gì liên quan đến cấu trúc hiện tại là có vấn đề. Tôi chỉ e rằng, sau dịch thì khả năng trở lại cấu trúc cũ là cao.

Có lần tôi đã nói với một vị lãnh đạo rằng nền kinh tế này nếu không cẩn thận đến một lúc nào đó sẽ trở thành nền kinh tế FDI. Ông ấy nói FDI chỉ chiếm 20% không đáng lo ngại đâu. Nhưng vấn đề là có những dự án FDI kiểu 0 đồng.

Tôi lấy ví dụ về Nghệ An, có xí nghiệp may mặc tuyển dụng 1.200 công nhân, lương bình quân 4,5 triệu/người. Công nhân làm việc từ 7h, một ngày 10 tiếng. Một ngày có 2 ca sáng và chiều, mỗi ca nghỉ giữa chừng 10 phút, giữa trưa được nghỉ khoảng 1 – 1,5 tiếng đồng hồ để ăn trưa. Tôi quan sát dưới chân chỗ ngồi dưới máy khâu của mỗi người là một chai nước để uống. Họ uống ít nước để đỡ phải đi vệ sinh nhiều.

Thu hút FDI vào lĩnh vực thâm dụng lao động, trả lương rẻ mạt như vậy thì làm sao thu hút được doanh nghiệp khác tốt hơn, làm sao thu hút được lao động lành nghề hơn. Lương thấp như vậy thì không ai đến làm cả. Như vậy thì tài ở đâu, sao thu hút được người tài.

Nói vậy để thấy phải nhìn cấu trúc người tài rộng ra, nếu chỉ nhìn vài ba người chỗ này, chỗ kia không giải quyết được việc gì. Nó phải là cấu trúc cạnh tranh.

Tới đây, rủi ro nhất là doanh nghiệp nội địa khó phát triển. Lâu nay ta vẫn hay nói thu hút đại bàng về làm tổ. Cần hiểu lại khái niệm tổ đại bàng ở đây là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hai yếu tố chính tạo nên tổ đại bàng: thể chế và lực lượng doanh nghiệp, ngoài ra còn một vài yếu tố khác nữa như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng.

Cần những lập trường có khí phách vượt lên

PV: Nhiều doanh nghiệp đang kêu cứu, họ không có thị trường. Ông có những gợi ý gì để tháo gỡ không?

Bây giờ cứu những cái cũ cũng không được vì nó sẽ mất thời gian kéo dài. Nếu theo mô hình cấu trúc mới sẽ sống dễ dàng hơn. Mục tiêu ưu tiên là tạo ra cái mới, thay mới chứ không phải là cứu cái cũ.

Còn trong chuyện cứu những cái cũ, cần có những ưu tiên cụ thể là cứu ai, người nào không cứu được thì không cứu nếu chi phí quá lớn. Chi phí đó để lập ra cái mới sẽ tốt hơn.

Quan điểm cần xác định rõ ngay từ đầu là phải có chuẩn mực để làm. Đây là cứu nền kinh tế chứ không phải cứu từng doanh nghiệp cụ thể.

Lúc này cần những lập trường có khí phách vượt lên để cứu nền kinh tế. Có thể nhiều doanh nghiệp ta không cứu được, khi đó nguồn lực, chất bổ còn lại hiếm hoi mới nuôi được những thứ còn lại. Mà cho đến bây giờ, việc cứu này ta còn chưa biết nó sẽ kéo dài bao lâu.

Ta cần tính toán rất kĩ sức chống chịu của nền kinh tế. Sức chống chịu được bao nhiêu, kho lương chính ở chỗ nào, nguồn lực chỗ nào. Vì sao tập trung vào đầu tư công là vì thế. Ta không thể dốc mãi nguồn lực ngân sách nhà nước ra được. Việc cứu nhiều bằng ngân sách nhà nước cũng có nghĩa những chức năng của nhà nước có khi không đủ nguồn lực. Bởi vì, nhà nước vẫn phải vận hành.

Khi định hình rõ như vậy mới lựa chọn đúng đắn. Khi đó, từng nhóm doanh nghiệp sẽ lựa chọn, những hiệp hội lựa chọn.

Mục tiêu phải là nền kinh tế đứng dậy. Đứng dậy để bước vào những cái mới. Cần phải suy nghĩ tạo ra những lực lượng mới, nếu cứ ôm cái cũ đứng dậy thì cái cũ đó chỉ vài năm sau sẽ không phát triển nữa.

Thế giới chứng minh những doanh nghiệp giàu mạnh, phát triển nhanh hầu như là về công nghệ, họ luôn sáng tạo ra cái mới như Elon Musk, Jeff Bezos. Hôm trước tôi vừa nghe tin mới có mấy tháng ở châu Âu đã bán được hàng triệu xe ô tô điện. Tài sản của Elon Musk đã lên đến 80 tỷ USD, đứng trong top đầu những tỷ phú thế giới.

Những người được giải Nobel mang quốc tịch Mỹ chiếm từ 60-70%. Mặc dù chuyện giải thưởng Nobel không liên quan gì đến phát triển công nghệ nhưng nền tảng của phát minh công nghệ phải là khoa học cơ bản.

Tôi tin rằng nước nào có nhiều giải thưởng Nobel nước đó sẽ dẫn dắt nhân loại. Ý tôi muốn nói, chúng ta phải có sự lựa chọn, khả năng đương đầu với những thay đổi để phát triển. Mâu thuẫn lớn nhất của thời đại bây giờ là mâu thuẫn giữa nhà nước và quốc gia với toàn cầu hoá.

Lan Anh/VNN

Đọc nhiều