Người Syria bị bỏ quên
Dù thoát khỏi đống đổ nát trong trận động đất hủy diệt đêm 6/2, nhiều người Syria vẫn đang sống trong cảnh thiếu thiết bị y tế và không có nơi trú ẩn giữa thời tiết lạnh giá.
Bé Mohammad đang nằm trong buồng chăm sóc đặc biệt một mình. Đầu và khuôn mặt bé nhỏ quấn băng trắng, miệng gắn ống thở. Đứa trẻ 3 tháng tuổi này cô độc trong từng hơi thở khó nhọc sau khi mất cả cha lẫn mẹ trong trận động đất mạnh 7,8 độ đêm 6/2 tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria.
Những người hàng xóm đã tìm thấy Mohammad và đưa cậu bé đến bệnh viện ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát tại tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria. Trong vài giờ sau trận động đất, chỉ riêng bệnh viện này đã tiếp nhận 700 bệnh nhân.
Tại Syria, số ít bệnh viện còn sót lại sau nhiều năm bị bắn phá không được trang bị đầy đủ để đối phó với tình trạng khẩn cấp ở mức độ này. Các cơ sở y tế trên khắp vùng tây bắc cũng bị quá tải, với những người bị thương nằm la liệt ở hành lang và trên sàn nhà.
Tổng số người chết trong trận động đất đêm 6/2 hiện vượt mức 37.000 người. Trong đó, số người thiệt mạng ở Syria là khoảng 5.000 người, theo Reuters.
Tiếng kêu cứu bị phớt lờ
Tình hình ở Syria hoàn toàn khác với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang tiếp nhận các đội cứu hộ, quyên góp và viện trợ từ hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế. Việc vận chuyển hàng tiếp tế khẩn cấp tới các khu vực động đất ở miền Bắc Syria phức tạp hơn do cuộc nội chiến kéo dài giữa các lực lượng đối lập và chính phủ nước này. Và điều đó khiến các bác sĩ bất lực.
“Đây là thảm họa lớn nhất mà chúng tôi từng gặp”, tiến sĩ Ahmad Alaabd nói với CNN tại Bệnh viện Babs Al Hawa do Hiệp hội Y khoa người Mỹ gốc Syria (SAMS) điều hành vào cuối tuần qua. “Chúng tôi từng xử lý thương tích trong chiến tranh nhưng chưa bao giờ đối phó với nhiều thương vong như lần này”.
SAMS và nhiều tổ chức khác đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp, nhưng các đợt viện trợ chỉ bắt đầu đến Syria vào cuối tuần trước, song quá ít và quá muộn. “Chúng tôi đã kêu gọi hỗ trợ nhưng không có phản hồi, đặc biệt là trong 2-3 ngày đầu. Chúng tôi đã mất rất nhiều bệnh nhân vì thiếu nguồn lực y tế. Nếu có những thứ đó, chúng tôi có thể đã cứu được nhiều mạng sống hơn”, ông Alaabd cho biết.
Người dân Syria nói rằng tiếng kêu cứu của họ trong những ngày đen tối nhất của cuộc nội chiến đã bị phớt lờ và một lần nữa, họ phải tìm cách sinh tồn trong đống đổ nát mà không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Tất cả khu phố ở Idlib và vùng nông thôn Aleppo bị san phẳng. Hôm 11/2, CNN đã chứng kiến cư dân ở Bsaina và Harem – hai trong số thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở tỉnh Idlib – đào bới đống đổ nát bằng tay không và dụng cụ làm vườn.
Họ đã mất hết hy vọng giải cứu những người sống sót. Giờ họ chỉ muốn chôn cất những người đã khuất. Trẻ em cũng đang dọn dẹp các mảnh vỡ và tìm kiếm thi thể của người thân yêu.
Một cậu bé tên Ahmad nói đang tìm kiếm những người anh em, họ hàng, cháu trai và cả cháu gái trong đống đổ nát. “21 người, hai trong số đó là trẻ em”, Ahmad nói với gương mặt như chết lặng.
Cảm thấy bị bỏ rơi
Ở khu vực phía Bắc Syria, cuộc sống dường như là một chu kỳ bất tận của mất mát và đau thương. Hầu hết cư dân từng nhiều lần phải rời bỏ nhà cửa, chạy trốn chiến tranh. Sự chậm trễ của cộng đồng quốc tế trong việc huy động viện trợ khẩn cấp sau thảm họa ngày 6/2 càng khiến họ thêm vỡ mộng.
Ông Ismail Abdullah, thành viên của White Helmets, cho biết tổ chức này đã chứng kiến nỗi đau của người Syria suốt một thập kỷ, nhưng những lời kêu gọi hỗ trợ liên tục của họ không có kết quả.
“Chúng tôi đã kêu gọi cả thế giới (dừng cuộc nội chiến) hàng triệu lần nhưng không ai dừng lại. Bây giờ, sau cuộc khủng hoảng nhân đạo, chúng tôi biết họ không coi người dân ở Tây Bắc Syria là con người”, ông Abdullah nói.
“Nếu (các nước) gửi thiết bị tìm kiếm cứu nạn tiên tiến (đến khu vực này) để xác định vị trí những người mắc kẹt dưới đống đổ nát, chúng tôi đã cứu được nhiều người hơn”, ông nói thêm.
Các nhóm viện trợ đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi mùa đông khắc nghiệt bắt đầu ập đến Syria. Ở Bsaina, chỉ một số người may mắn có lều. Những người khác, bao gồm cả trẻ em, phải ngủ ngoài trời.
“Chúng tôi đang ngủ dưới những tán cây, nhưng trời quá lạnh”, bà Umm Sultan nói trong nước mắt khi bế cháu trai 2 tuổi trên tay.
“Tôi ước chúng tôi đã chết cùng với những người khác để không trải qua điều này. Chúng tôi sống sót chỉ để chìm trong đau khổ”, bà nói. Người mẹ 8 con này đã mất hết niềm tin vào việc thế giới sẽ đáp lại lời cầu xin của Syria.
Gia đình bà Sultan không có nhà ở suốt 7 năm qua. Họ chạy trốn khỏi các cuộc không kích ở tỉnh Aleppo và đến gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vì tin rằng sẽ an toàn hơn. “Chúng tôi đến đây để thoát khỏi máy bay và các cuộc không kích chết người”, bà nói với CNN.
Bà nhớ lại vào đêm xảy ra trận động đất, mọi người chạy chân trần qua đường và la hét, ướt sũng và lạnh cóng sau trận mưa lớn mà không có nơi trú ẩn. “Chúng tôi nghe thấy mọi người la hét, ‘hãy đưa chúng tôi ra ngoài, đưa chúng tôi ra ngoài’. Sau đó, họ im bặt. Tất cả đều đã chết. Không có ai cứu họ”, bà tuyệt vọng.
Theo các nhà hoạt động và giới quan sát, sự chậm trễ viện trợ ở Syria một phần xuất phát từ tình hình phức tạp tại nước này. Chính phủ Syria yêu cầu tất cả viện trợ cho đất nước, bao gồm cả viện trợ cho các khu vực ngoài tầm kiểm soát của họ, đều phải được chuyển đến thủ đô Damascus. Các nhà hoạt động và giới quan sát không hoan nghênh động thái này. Họ lo ngại chính phủ Syria có thể cản trợ việc viện trợ kịp thời cho hàng nghìn nạn nhân của trận động đất ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, theo Guardian.
Trong khi đó, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths, thừa nhận thất bại của tổ chức này tại Syria. Ông nói rằng người dân nơi đây đang “cảm thấy bị bỏ rơi”.
“Cho đến nay, chúng tôi đã khiến người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng”, ông Griffiths nói và cho biết thêm trọng tâm và nghĩa vụ của ông hiện là “sửa chữa thất bại này nhanh nhất có thể”.
Bảo Trâm