8
category
320767

Người mẹ té xe chết nghi do gờ giảm tốc: Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói gì?

15/08/2019 20:01

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, Sở thường xuyên nhận được đề xuất lắp gờ giảm tốc ở các khu vực trường học, dân cư, doanh nghiệp nhưng rất ít duyệt vì thấy không thật sự cần thiết.

Một gờ giảm tốc người dân tự xây trong hẻm 186 Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP.HCM) /// Vũ Phượng
Một gờ giảm tốc người dân tự xây trong hẻm 186 Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Sau loạt bài viết về gờ giảm tốc do Xí nghiệp xây dựng Miền Đông, thuộc Công ty Đông Hải (Quân khu 7) tự ý lắp trên Xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) nghi làm một người té xe tử vong và những gờ giảm tốc “bỗng nhiên” xuất hiện trong hẻm ở TP.HCM, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Sở GTVT TP.HCM.

Xử phạt PGĐ xí nghiệp và công ty quản lý tuyến đường

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, ngày 27.7.2019, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ nhận được thông tin có 2 gờ giảm tốc xuất hiện trên Xa lộ Hà Nội nghi do một đơn vị công ty kinh tế của quân đội tự ý lắp đặt.

Tiếng khóc nhớ mẹ của 4 đứa trẻ mồ côi trong mùa Vu lan ở Sài Gòn

Sáng 28.7, Trung tâm cùng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội (CII) đã cho công nhân đến tháo dỡ để đảm bảo an toàn giao thông nhưng bị một nhóm người phản đối. Sau đó, trung tâm đã phải nhờ thêm CSGT Rạch Chiếc (thuộc PC08, Công an TP.HCM) và Thanh tra Sở GTVT mặc sắc phục ra hỗ trợ thì nhóm người này mới để yên cho công nhân tháo gờ.

Sau đó, từ thông tin bài viết của Báo Thanh Niên về sự việc chiều 27.7, bà Huỳnh Thị Nga (39 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) bị té xe nghi do gờ này và chết ở bệnh viện, Sở GTVT đã yêu cầu Thanh tra Sở làm việc cới các bên liên quan để làm rõ.

Gờ giảm tốc trên Xa lộ Hà Nội nghi khiến bà Nga té tử vong
Gờ giảm tốc trên Xa lộ Hà Nội nghi khiến bà Nga té tử vong

Ông Đường thông tin: “Bước đầu làm việc, lãnh đạo Công ty Đông Hải không thừa nhận việc thực hiện trên là chủ trương của công ty. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng chức năng đưa ra những cơ sở có liên quan và thông tin thu thập từ người dân tại khu vực, đến 17 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Công Thường, Phó Giám đốc Xí nghiệp xây dựng Miền Đông đã thừa nhận sai phạm của mình đối với việc tự ý lắp đặt trái phép gờ giảm tốc trên Xa lộ Hà Nội”.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Thường theo điểm a, khoản 3, điều 11 Nghị định 46/2016. Ngoài ra, Thanh tra Sở cũng xác định trách nhiệm của đơn vị quản lý hạ tầng tại khu vực và lập biên bản vi phạm hành chính đối với CII theo điểm d, khoản 3, điều 15 của Nghị định này do đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, phát hiện kịp thời những bất cập của hạ tầng trong phạm vi quản lý của mình.

Theo đó, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Miền Đông bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 vì để các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông; Công ty CII bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Việc lắp đặt phải được sự đồng thuận chủ trương từ phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Nếu tự ý lắp đặt gồ giảm tốc, gờ giảm tốc, thậm chí xây gờ bằng xi măng sẽ được xem là trái phép, sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật và phải bị cưỡng chế tháo dỡ. Việc xử lý sẽ do đơn vị quản lý hạ tầng theo phân cấp thực hiện

Ông Ngô Hải Đường

Tất cả sai phạm nêu trên đều được các bên thừa nhận và ký vào biên bản làm việc cũng như biên bản vi phạm hành chính được lập vào ngày 9.8.2019.

‘Sở rất ít duyệt lắp gờ vì không cần thiết!’

Ông Ngô Hải Đường cũng cho biết, Sở nhận được rất nhiều đề xuất lắp gờ giảm tốc từ các doanh nghiệp để lắp trước công ty, hoặc khu dân cư, trường học nhưng hầu như Sở không duyệt lắp.

TP.HCM hiện có 4.300km đường, nhưng Sở GTVT chỉ quản lý khoảng 1.500km, còn lại giao các quận, huyện phụ trách. Nên khi nhận được lắp đề xuất ở tuyến đường do đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó sẽ chủ động mời các bên liên quan, Ban An toàn giao thông TP, Công an TP xem điểm đó có phải là điểm đen tai nạn không, có nhiều người chạy nhanh gây nguy hiểm không… Các bên thống nhất thì khu vực đó mới bắt đầu lắp gờ theo tiêu chuẩn.

Người mẹ té xe chết nghi do gờ giảm tốc: Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói gì? - ảnh 2
Nhiều khu dân cư, người dân cũng tự ý lắp gờ giảm tốc liên tiếp nhau để hạn chế tốc độ của xe vào hẻm

Ông Đường chia sẻ: “Việc lắp đặt phải được sự đồng thuận chủ trương từ phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Nếu tự ý lắp đặt gồ giảm tốc, gờ giảm tốc, thậm chí xây gờ bằng xi măng sẽ được xem là trái phép, sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật và phải bị cưỡng chế tháo dỡ. Việc xử lý sẽ do đơn vị quản lý hạ tầng theo phân cấp thực hiện”.

Theo ông Đường, tác dụng của gờ giảm tốc ban đầu là giảm tốc độ, nhưng phải theo đúng tiêu chuẩn, vị trí nào cần giảm tốc. Khi lắp phải có biển cảnh báo sắp có gờ, mô giảm tốc phải theo tiêu chuẩn.

Tháo dỡ 2 gờ giảm tốc

Hiện nay, các tuyến đường ở TP rất ít sử dụng gồ giảm tốc bằng cao su mà chủ yếu là các vạch sơn giảm tốc. Vạch sơn này là 5 vạch liên tiếp nhau, màu vàng, dày từ 6-9mm có tác dụng cảnh báo giảm tốc độ.

Các vạch này thường được Sở GTVT lắp ở những điểm đen tai nạn giao thông như: làn xe hỗn hợp đường Mai Chí Thọ, đường Trường Sa (đoạn gần vòng xoay)…

Sau sự việc vừa qua, Sở GTVT đã gửi văn bản đến Ban An toàn giao thông TP, UBND các quận – huyện, Hiệp hội bất động sản TP và Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ để rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp lắp đặt gồ và gờ giảm tốc trái phép trên đường bộ.

Sau đó sẽ hợp các bên để lấy ý kiến, nếu gờ nào thấy thật sự cần thiết thì Sở sẽ thêm vạch sơn phản quang, biển cảnh báo để đảm bảo gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng vào ban đêm để đáp ứng yêu cầu an toàn, còn không cần thiết thì đập bỏ. Kinh phí có thể được trích từ nguồn kinh phí của TP với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ.

Vũ Phượng/ Thanh Niên

Đọc nhiều