125752
topics
410801

Người khai sinh đội ‘thiên thần cứu hộ’

19/07/2020 06:56

‘Angel có nghĩa là thiên thần. Thiên thần luôn có 2 sứ mệnh. Trước tiên là bảo vệ người không may mắn bị nạn. Nếu không thể bảo vệ thì sẽ ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường. Đó là lý do tôi lấy tên ‘FAS Angel’ để đặt cho đội’… Anh Phạm Quốc Việt – Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cắt nghĩa tên gọi của câu lạc bộ thiện nguyện mà anh là người ‘khai sinh’, bằng một giọng nói trầm ấm nhưng rất hào sảng.

Anh Phạm Quốc Việt sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông. Ảnh: Hồng Quý

Giấc mơ dang dở

Phạm Quốc Việt sinh năm 1987 trong một gia đình có truyền thống làm nghề y ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hồi ấy, ai cũng nghĩ lớn lên, cậu bé Phạm Quốc Việt sẽ nối nghiệp cha ông, trở thành một thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cứu người. Thế nhưng, học xong bậc phổ thông, Việt không có điều kiện để theo nghề truyền thống của gia đình. Anh lựa chọn một con đường hoàn toàn khác, đó là thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với mơ ước được trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Việt đã không thể theo đuổi đến cùng mơ ước tuổi trẻ của mình. Anh quyết định trở thành một nhân viên văn phòng với suy nghĩ rất đơn giản: Phải sống đã rồi tính tiếp. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, Việt lại tranh thủ lao ra đường làm vài “cuốc” xe ôm. Khi đó, mục đích đơn giản của anh là kiếm thêm chút đỉnh để trang trải cuộc sống thường ngày. Nào ngờ, chính công việc làm thêm đó đã khơi nguồn cho ý tưởng về một FAS Angel ngày nay.

“Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2016, khi tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi ngất luôn tại chỗ” – Việt kể lại. Sau một hồi lâu bất tỉnh, Việt tỉnh lại nhưng toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo. Tuy nhiên, càng tỉnh anh càng sợ. Nỗi sợ hãi cố hữu của con người khi cảm nhận được mình đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh liếc mắt nhìn xung quanh, mong tìm thấy một bóng người nào đó để cầu cứu cho đến khi kiệt sức và ngất đi một lần nữa. “Thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Thì ra, một người qua đường tốt bụng đã nhìn thấy và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi có cảm giác như vừa từ cõi chết trở về” – anh Việt nói.

Trở về sau tai nạn, anh Việt tiếp tục với cuộc mưu sinh hàng ngày của mình. Năm 2017, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát, hễ chỗ nào xảy ra TNGT, có người bị thương, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu.

Những “thiên thần” trong đêm

“Đã có những người bị TNGT nặng, họ nắm chặt tay tôi mong muốn được giúp đỡ. Với tất cả những thứ nhỏ nhoi có trong tay, tôi cố gắng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch” – anh Việt kể về công việc thiện nguyện của mình. Anh bảo, nhìn vào đôi mắt của họ, anh chợt nhớ về hoàn cảnh của mình trong lần bị TNGT ở Tuyên Quang. Cũng với đôi mắt tuyệt vọng ấy, cũng với nỗi sợ hãi cố hữu rất con người ấy. Thế mới hiểu, mạng sống của con người đáng quý đến mức nào. Đấy chính là lý do anh quyết định bỏ hẳn công việc văn phòng để thành lập Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel vào năm 2019.

Hàng ngày, khi đồng hồ chỉ đúng 21 giờ 15 phút, những thành viên FAS Angel lại lặng lẽ nổ xe và bắt đầu vào ca làm việc của mình. Họ tình nguyện giúp đỡ, sơ cứu cho những người gặp tai nạn trên đường, đó là sứ mệnh những đêm không ngủ của “biệt đội” những thiên thần áo xanh. Việt chia sẻ về quy trình hoạt động của đội: “Các thành viên chia ca trực, khoảng 4 người mỗi đêm, được tôi quản lý, điều phối bằng một phần mềm trên điện thoại. Cứ 21 giờ 30 phút, mọi người lại gặp mặt tại 42 Nguyễn Xiển để họp trước khi tỏa đi các tuyến đường”. Anh cho biết thêm, khi nhận tin có tai nạn và tiếp cận được hiện trường, việc đầu tiên của các thành viên trong nhóm là chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Các bức ảnh sau đó được chuyển đến công an, người nhà nạn nhân để họ nắm tình hình.

Khi mới thành lập, FAS Angel chỉ có 5 thành viên. Đến hiện tại, Đội đã tăng lên hơn chục lần với 55 người. Hầu hết mọi người đều làm xe ôm công nghệ và có mặt ở khắp mọi nơi trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Thở dài một hơi, nhớ đến khó khăn của đội khi kinh phí mua thuốc men, đồ sơ cứu hoàn toàn là do các thành viên tự bỏ tiền túi ra mua. Khó khăn là vậy nhưng Việt vẫn muốn mở rộng quy mô đội lên nhiều thành viên, nhất là các thành viên có kiến thức tốt về y khoa và mong muốn mô hình này sẽ được lan tỏa đến trong cộng đồng để có thể giúp đỡ được nhiều người bị tai nạn giao thông hơn.

Nguyễn Quý – Quang Huy/KTDT

Đọc nhiều