Người điều khiển xe có “nồng độ cồn tự nhiên” sẽ không bị xử phạt?
Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp trình Quốc hội, nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên cấm tuyệt đối lái xe sử dụng rượu, bia hay cần đưa ra một ngưỡng nhất định.
Theo PGS-TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, ĐH Y tế công cộng, khi những quy định mới được đưa ra và có những ý kiến trái chiều là điều bình thường.
Ông nói: Là một người từng tham gia nhiều vào quá trình xây dựng, theo dõi triển khai quy định cấm rượu bia đối với người lái xe, tôi đánh giá quy định này rất hiệu quả – điều này có thể nhìn thấy rất rõ trong các báo cáo số liệu về tử vong do tai nạn giao thông có yếu tố liên quan đến sử dụng cồn, rượu bia. Số lượng tử vong do nguyên nhân này thực sự đã giảm đi rất nhiều trong năm 2023.
Báo cáo mới đây của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), số liệu nhập viện do liên quan đến nồng độ cồn cũng cho thấy tỉ lệ người nhập viện đã giảm đi rất nhiều. Đây là một thành công của quy định này và có thể mang đến những thành công lớn khác khi chúng ta kiểm soát tốt việc đã uống rượu bia thì không lái xe.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là ở Việt Nam không cấm uống rượu bia. Chúng ta chỉ cấm “đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông”.
Theo tôi, quy định nồng độ cồn bằng 0 là quy định chặt chẽ. Cần lưu ý rằng ở Việt Nam chúng ta mới chỉ thực hiện quy định kiểm soát chặt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông được 2-3 năm. Chỉ sau 2-3 năm này, chúng ta đã nhìn thấy hiệu quả, thành công của nó.
Ở các quốc gia khác, ngay từ giai đoạn đầu người ta cũng áp dụng quy định này. Chúng ta không nên so sánh rằng tại sao ở Nhật Bản hay các quốc gia khác có quy định cho phép có nồng độ cồn ở mức nhất định… bởi cần hiểu rõ rằng họ đã thực hiện quy định này từ rất nhiều năm rồi, đã hình thành được nếp sống rất tốt cho cộng đồng của họ, ý thức tuân thủ không uống rượu bia trong cộng đồng của họ cũng rất cao.
Do vậy, nếu ngay từ bây giờ chúng ta lại nới lỏng ra, thay đổi quy định thì những thành công của những năm vừa rồi sẽ không thể tiếp tục duy trì.
Bên cạnh đó, cần hiểu rằng hệ thống giao thông ở Việt Nam rất phức tạp, đông đúc. Khoảng cách giữa ô tô và xe máy lưu thông trên đường rất mong manh và bất kể một va chạm nào thì những người đi xe máy thường phải trả giá rất đắt về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Như vậy, với tình hình giao thông phức tạp kết hợp việc điều khiển phương tiện của người Việt, tôi cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 là rất cần thiết.
Tôi cũng khẳng định chưa có ai bị phạt vì không uống rượu bia mà có nồng độ cồn tự nhiên. Trong tất cả hội thảo mà tôi tham dự, với những số liệu được báo cáo, tôi chưa thấy có trường hợp nào bị phạt vì lý do nồng độ cồn tự nhiên như vậy.
Thật ra người dân có lý do để lo lắng về “nồng độ cồn tự nhiên” do trái cây lên men, thuốc Đông y có chứa rượu…, tuy nhiên quy trình kiểm tra nồng độ cồn hiện nay của lực lượng cảnh sát cũng rất rõ ràng. Nếu người dân khẳng định họ không sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông thì cảnh sát cũng sẽ hoàn toàn hợp tác, đồng ý đợi một khoảng thời gian để kiểm tra lại. Thậm chí, người dân có thể đi kiểm tra máu để khẳng định lại.
Trong các cuộc họp mà tôi tham gia, các ý kiến đều thống nhất rằng nên duy trì nồng độ cồn bằng 0. Và trong vài năm tới, khi xã hội đã thay đổi được thói quen, ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn thì chúng ta có thể cân nhắc, xem xét thêm.
Hồng Anh