Người dân và Nhà nước cùng hưởng lợi khi bỏ sổ hộ khẩu

14/11/2020 15:24

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân bớt được thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian, còn Nhà nước giảm được chi phí trong lưu trữ hồ sơ, giấy tờ và tăng tính công khai, minh bạch.

Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với thay đổi quan trọng là bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, tích hợp tất cả thông tin trong số định danh cá nhân.

Với bước tiến này, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau gần bảy thập niên. Việc đổi mới sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho cả người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Giảm chi phí, tăng tính minh bạch

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật), việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ giúp bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Trong khi đó, công dân vẫn được đảm bảo các quyền như tự do cư trú, đi lại.

Nguoi dan duoc loi gi khi bo so ho khau anh 3
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong nhiều phiên thảo luận, giải trình ở Quốc hội đều khẳng định quyết tâm xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Quốc hội.

Về phía người dân, đại biểu Hòa đánh giá khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ giúp người dân giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú như cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, gia hạn tạm trú, cấp giấy chuyển hộ khẩu…

Khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính không cần mang theo nhiều loại giấy tờ vì thông tin cá nhân đã được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giúp người dân tiết kiệm tiền trong các thủ tục như sao y chứng thực, cấp mới, đổi những giấy tờ liên quan…

Về phía Nhà nước, bỏ sổ hộ khẩu giúp đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư; giảm chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; giảm nguồn lực và chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phân tích việc bỏ sổ hộ khẩu không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, mà còn khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý cư trú, quản lý dân cư khi đang áp dụng các phương thức hiện nay.

Ủng hộ bỏ sổ hộ khẩu, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng quản lý dân cư bằng giấy tờ, hồ sơ đã lạc hậu vừa lãng phí thời gian của công dân để thực hiện các thủ tục hành chính, vừa mất công thực hiện lưu trữ, bảo quản, tìm kiếm.

“Việc thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng điện tử là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới”, ông Đức nói.

Song ông nhấn mạnh phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam được cấp số định danh cá nhân. Nếu không đảm bảo, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây ách tắc, xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước.

Nguoi dan duoc loi gi khi bo so ho khau anh 2
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nhắc đến nhiều lợi ích của việc bỏ sổ hộ khẩu. Ảnh: Quốc hội.

Nhắc đến lợi ích của việc bỏ sổ hộ khẩu, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng khi thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác về thông tin dân cư, hạn chế tình trạng trùng lặp thông tin và đặc biệt, giảm chi phí xã hội.

Về mặt hành chính, sẽ có hàng loạt thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng được bãi bỏ. “Những chi phí về tiền bạc và thời gian của công dân khó có thể định lượng được hết trong những trường hợp này”, ông Sỹ nhận định.

Quản lý công dân chặt chẽ hơn

Là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đánh giá bỏ sổ hộ khẩu không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật) cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ giúp bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Ảnh: Quốc hội.

Theo Bộ Công an, khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.

Việc này góp phần từng bước hình thành hệ thống pháp luật theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính.

Bộ Công an cho biết việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình, hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Từ đó, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Để chuẩn bị cho phương án bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Đồng thời, tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được thông qua đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú (Luật Lý lịch tư pháp, Luật Bảo hiểm y tế…). Luật cũng quy định “hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”.

Khi cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành, hoạt động và được kết nối, chia sẻ, sử dụng chung, Bộ Công an khẳng định công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú. Cơ quan Nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Nguoi dan duoc loi gi khi bo so ho khau anh 4

Hoài Thu/ZN

Đọc nhiều