Người đàn ông tự xưng là “ban chỉ đạo Q.7” khai gì tại cơ quan công an?
Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Hồ Hữu Nhân đã thừa nhận hành vi sai trái của mình.
Người đàn ông tự xưng “tui là ban chỉ đạo quận 7” làm náo loạn siêu thị ở quận 7 (TP.HCM) được xác định là Hồ Hữu Nhân (SN 1980, ngụ tại khu chung cư Phú Mỹ Hưng, quận 7).
Theo PV, công an xác định ông Nhân không phải là thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của quận 7. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Nhân đã thừa nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời lấy lý do nóng giận khi không được mua hàng tại siêu thị nên dẫn tới sự việc như đoạn clip được đăng tải.
Nguồn trên thuật lại, khi ông Nhân cùng vợ tới siêu thị ở phường Tân Phong, quận 7 để mua hàng chiều 29/8 thì không mua được. Lý do là phía siêu thị cho biết là chỉ phục vụ đơn hàng do phường chuyển đến, để hỗ trợ người dân trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội. Ông Nhân sau đó chửi bới nhân viên an ninh siêu thị.
Người đàn ông này thừa nhận, chiếc thẻ mà ông giơ ra thời điểm tự xưng người của “Ban chỉ đạo quận 7” là do bạn cho.
Trả lời PV, lãnh đạo Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) khẳng định, ông Nhân đã thôi việc và không còn đảm nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. Việc ông Nhân thôi việc ở TTC Land đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Theo dẫn nguồn tin riêng cho biết, thời gian qua, ông Nhân cũng đóng góp cho cộng đồng thông qua việc làm từ thiện trong lúc dịch bệnh, nhưng không kiểm soát bản thân để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Tại cuộc họp báo về phòng chống Covid-19 ở TP.HCM chiều hôm qua, Thượng tá Hoàng Đình Thạch (Phó Trưởng Công an quận 7) nói: “Đối với vụ việc này, Ban Giám đốc Công an thành phố, Quận uỷ Quận 7, UBND Quận 7 rất quan tâm và chỉ đạo cho các ban ngành có liên quan của Quận 7 sẽ xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật, một cách chặt chẽ nhất, đúng luật nhất, và trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sai tới đâu, vi phạm tới đâu sẽ xử lý nghiêm khắc”.
Được biết, công an đang xác minh về nguồn gốc chiếc thẻ mà ông Nhân có, để làm rõ vụ việc.
Trước đó, đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh ông Nhân đi tới cửa của một siêu thị thì nhân viên chặn lại, nhân viên nhẫn nại giải thích nhưng ông Nhân hùng hổ quát tháo. Ông còn nạt bảo vệ rằng sẽ “cho công an xuống”, đồng thời nói mình chính là “ban chỉ đạo quận 7, quản lý địa bàn này”.
Xử lý nghiêm
Theo các chuyên gia pháp lý, đặt trong bối cảnh người dân và chính quyền đang chung tay chống dịch, nếu không xử lý nghiêm hành vi “tự xưng” của ông Hồ Hữu Nhân sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Theo luật sư (LS) Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), nếu xác định “thẻ cộng tác viên” mà ông Nhân sử dụng là thẻ giả thì hành vi của ông này – và tùy tài liệu, chứng cứ cơ quan chức năng thu thập được – có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
(Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
“Giả sử có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nhân dùng “thẻ cộng tác viên” giả để ra đường, thông các chốt kiểm soát trái pháp luật thì hành vi của ông Nhân có thể bị xử lý hình sự theo Điều 341 BLHS”, LS Hà Hải phân tích và nói thêm, nếu ông Nhân chỉ dùng “thẻ cộng tác viên” giả đề hù, thể hiện thì hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính.
“Trường hợp thẻ cộng tác viên ông Nhân sử dụng là thật, nhưng ông Nhân không thuộc đối tượng được cấp thẻ nhưng vẫn dùng thẻ ra đường, đi qua các chốt kiểm soát thì hành vi của ông nhân cũng bị xử phạt hành chính”, LS Hải nêu.
Ngoài ra, một kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đánh giá, hành vi la lối, quát tháo của ông Nhân tại siêu thị có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự nơi công cộng”, theo Điều 318 BLHS năm 2015.
Vị này phân tích, cấu thành tội phạm của Điều 318 BLHS là: người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. “Trong khi đó, ông Nhân đã có hành vi tự xưng là “Ban chỉ đạo Q.7” để thị uy, lớn tiếng tại nơi công cộng là siêu thị. Hành vi này của ông Hồ Hữu Nhân đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Cơ quan nhà nước trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Trong khi, cả TP và người dân đang chấp hành nghiêm Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP.HCM về việc “ai ở đâu, ở yên đấy” nhằm tăng cường giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm”, kiêm sát viên này nhấn mạnh.
Sơn Ca