Người dân đặc biệt bức xúc về ô nhiễm

21/10/2019 06:30

Những vấn đề người dân bức xúc đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí…

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội  /// Ảnh: Trần Hữu
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Những vấn đề người dân bức xúc nhất hiện nay là nạn tiêu cực, tham nhũng mới chỉ được ngăn chặn ở mức độ nhất định; chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; lỗ hổng trong quản lý giáo dục…, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí.

Đó là thông tin dựa trên Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mà Ủy ban T.Ư MTTQ VN gửi tới kỳ họp 8 của Quốc hội (QH) khóa XIV. Báo cáo dự kiến sẽ được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp sáng nay (21.10).

Những bức xúc trong đời sống

Được tổng hợp từ 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước, báo cáo khẳng định nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH); tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Tuy nhiên, báo cáo cho biết cử tri băn khoăn, lo lắng trước nhiều vấn đề, từ tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; diễn biến phức tạp ở Biển Đông, việc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN; tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định…

Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân cũng băn khoăn, lo lắng về những vấn đề cụ thể: việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong nhân dân; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL; đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu – nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng…

Về KT-XH, nhân dân lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm… Trong lĩnh vực giáo dục, cử tri lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh như vụ việc xảy ra tại Trường Gateway, Hà Nội, cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí ở H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh… những lỗ hổng trong quản lý các cơ sở giáo dục nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường, nhân dân phản ánh về một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng, một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra…

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra những vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động; tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật; nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỉ đồng, điển hình là vụ Công ty CP địa ốc Alibaba có hành vi lừa đảo khoảng 6.700 khách hàng với tổng số tiền 2.500 tỉ đồng…

Ô nhiễm không khí, nguồn nước chậm khắc phục

Báo cáo của Ủy ban MTTQ VN cũng đặc biệt phản ánh những vấn đề “nóng”, liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân trong những ngày qua như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Báo cáo nêu rõ, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Báo cáo dẫn chứng, tại Hà Nội, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc, trong thời gian từ ngày 12 – 29.9, chất lượng không khí (AQI) liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Tại TP.HCM, theo số liệu từ 30 trạm quan trắc chất lượng không khí từ ngày 3 – 20.9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… trong các ngày 18 – 20.9.

Cao nhất là ngày 20.9, bụi tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM2.5 gia tăng từ 1,9 – 2,2, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Theo các chuyên gia, bụi mịn PM2.5 là loại bụi có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào các phế nang của phổi, thậm chí là mạch máu, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.

Báo cáo cũng dẫn số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ TN-MT khẳng định, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Đây cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Ngoài ra, theo báo cáo, nhân dân phản ánh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng, chẳng hạn như vụ cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội có sử dụng thủy ngân có độc tính cao.

Khẩn trương ổn định đời sống người dân

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân, “giải pháp gì để ổn định đời sống người dân” là câu hỏi được hầu hết cử tri đặt ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri của người dân TP.Hà Nội trước kỳ họp thứ 8 của QH.

Cử tri Mẫn Văn Mai (Q.Tây Hồ) đề nghị có những biện pháp cụ thể để xử lý các vấn đề ô nhiễm của TP vì đây đều là những vấn đề được phản ánh từ lâu nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (Q.Ba Đình) thì cho biết, rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm nước sạch cấp cho cư dân TP của Công ty nước sạch Sông Đà.

Xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường ở các địa phương cũng là một trong 5 kiến nghị mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN gửi tới kỳ họp 8 của QH. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, trước hết là TP.Hà Nội, TP.HCM khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường. Ủy ban MTTQ VN cũng đề nghị cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.

Chăm lo cho cuộc sống người dân được tốt hơn

Người dân đặc biệt bức xúc về ô nhiễm - ảnh 1

Kỳ họp 8 là kỳ họp kéo dài nhất so với các kỳ họp trước, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, từ việc xem xét báo cáo KT-XH, tài chính ngân sách của năm 2019 – 2020 cũng như thông qua nhiều nghị quyết quan trọng của QH, như việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở TP.Hà Nội… Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề vĩ mô, hay phòng chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền, cử tri, nhân dân sẽ quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề an sinh, xã hội, gắn liền với cuộc sống của họ. Đó là vấn đề giải quyết khiếu nại của cử tri, vấn đề an sinh xã hội đối với người nghèo, đối tượng chính sách, ATTP hay các vấn đề ô nhiễm môi trường như câu chuyện nước sạch ở TP.Hà Nội những ngày vừa qua…

Vì vậy, tôi nghĩ kỳ họp QH lần này sẽ có rất nhiều vấn đề để thảo luận, quyết định nhưng cốt lõi vẫn là làm sao để kinh tế của chúng ta tăng trưởng có chất lượng, đảm bảo chăm lo cho cuộc sống của người dân được tốt hơn.

ĐB Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật QH)

—–

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân

Người dân đặc biệt bức xúc về ô nhiễm - ảnh 2

Tại kỳ họp lần này, tôi nghĩ không chỉ có tôi mà nhiều đại biểu (ĐB) khác cũng quan tâm đến vấn đề tăng trưởng thực chất. Nhìn vào các chỉ tiêu, đúng là chúng ta đạt và vượt, nhưng ĐB và cả cử tri muốn biết thực chất chất lượng tăng trưởng như thế nào, phát triển bền vững hay không bền vững, động lực bền vững của tăng trưởng là gì, đặc biệt trong đó đánh giá được tác động của KH-CN mà VN làm chủ được trong tăng trưởng đó, thay thế cho những động lực cũ đã dần mất đi như lao động giá rẻ, vốn đầu tư nước ngoài…

Vấn đề tiếp theo là môi trường, gần đây liên tục xảy ra những vụ việc rất lớn như triều cường, lũ lụt, lở bờ sông, bờ biển… hay ô nhiễm không khí, nguồn nước ở Hà Nội… Thiết bị lọc không khí bán lẻ rất chạy, biểu hiện chất lượng cuộc sống của dân giảm sút, biểu hiện cho việc người dân họ đang phải “tự cứu” mình.

Khi thẩm tra báo cáo KT-XH, Ủy ban Kinh tế cũng đề ra mấy yêu cầu, đó là đề nghị phân tích thêm nhân tố KH-CN tác động vào tăng trưởng, nhất là trong thời đại này, đó là điểm cốt lõi; thứ hai là đánh giá thực chất về chất lượng nguồn lao động; và thứ ba là đề nghị Chính phủ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xây dựng bộ chỉ số đánh giá thực chất chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân. Làm rõ được những điều đó chúng ta mới có được thực chất của tăng trưởng.

ĐB Đỗ Văn Sinh (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH)

—–

Ô nhiễm không chỉ là vấn đề của Hà Nội

Người dân đặc biệt bức xúc về ô nhiễm - ảnh 3

Ô nhiễm nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí là vấn đề cử tri cả nước đều quan tâm, chứ không riêng gì các TP lớn.

Những sự cố gần đây ở thủ đô, cái chính vẫn là trách nhiệm quản lý nhà nước của TP.Hà Nội thôi, nhưng đương nhiên nó cũng có ảnh hưởng ở phạm vi cả nước, chứ không chỉ là vấn đề của Hà Nội.

Những chuyện xảy ra ở Hà Nội và các đô thị lớn chỉ là sự mở đầu, và nếu không có giải pháp, thì các tỉnh/thành khác, đặc biệt những nơi thu hút nhiều khu công nghiệp, sẽ phải trả giá.

Không cẩn thận thì giải quyết vấn đề môi trường sau thu hút đầu tư sẽ còn là bài toán nhức nhối hơn và tốn kém hơn nhiều lần so với những mối lợi mà chúng ta thu lại.

ĐB Đinh Duy Vượt (Ủy viên Ủy ban KH-CN, Môi trường của QH)

(Theo Thanh Niên)

Tags :
Đọc nhiều