Người dân có nên mua vàng lúc này?
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng về dài hạn vàng vẫn giữ xu hướng tăng nhưng mua vào thời điểm này, nhà đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro.
Từ cuối tháng 6, giá vàng trong nước liên tục xác lập đỉnh mới khi tăng một mạch từ vùng giá dưới 49 triệu đồng/lượng hiện đã đạt trên 50 triệu đồng.
Trong phiên giao dịch sáng nay (10/7), giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra đã ở mức 50,7 triệu đồng/lượng. Dù giảm 100.000 đồng so với cuối ngày hôm qua nhưng đây vẫn là vùng giá cao của vàng trong nước.
Không có “bong bóng” vàng như năm 2011
Nhận định về giá vàng hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng vàng đạt đỉnh lần này khác rất nhiều so với đỉnh 49,4 triệu đồng/lượng năm 2011.
Theo đó, giá vàng đã vượt xa mốc 50 triệu/lượng và duy trì vùng giá này trong nhiều phiên. Vì vậy, so với mức đỉnh 49,4 triệu/lượng đạt được chỉ trong vài tiếng đồng hồ năm 2011, vàng hiện tại đã xác lập vùng giá mới.
“Giá vàng hiện nay cũng tương đương với vàng thế giới, khác xa so với diễn biến năm 2011 khi giá trong nước tăng cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng. Vì thế, vàng đang xác lập mặt bằng giá mới ở mức 50 triệu đồng”, ông Hải nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, giá vàng hiện nay gần như không tồn tại yếu tố đầu cơ và “bong bóng”. Nguyên nhân do đà tăng này xuất phát từ nhu cầu trú ẩn thật của nhà đầu tư khi kinh tế thế giới chịu nhiều tác động của dịch bệnh, các tài sản đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với mức tăng 18-20% từ đầu năm, vàng đang vượt xa các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi tiết kiệm, trái phiếu… Dù đã vượt mốc 1.800 USD/ounce, nhưng vàng thế giới vẫn chưa vượt đỉnh lịch sử năm 2011 ở mức 1.923 USD/ounce, vì vậy, ông Hải cho rằng, kim loại quý vẫn còn dư địa tăng.
Ngoài ra, giá vàng thế giới vẫn còn nhiều trợ lực từ tình hình dịch bệnh, địa chính trị, chính sách nới lỏng tiền tệ.
Về nhu cầu đầu tư vàng trong nước, ông Hải cho biết, giá trong nước liên tục bám sát thế giới nên những người có kiến thức, thời gian và tài chính có thể tham gia trong ngắn hạn từ nay đến tháng 8.
“Dịch bệnh tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước nên kênh chứng khoán rất khó hấp dẫn. Ngược lại, vàng thế giới đã vượt qua mức cản tâm lý 1.800 USD/ounce, nên lực cầu đã xuất hiện nhiều hơn và thu hút vốn chảy từ thị trường chứng khoán”, ông Hải phân tích.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Vị chủ tịch công ty vàng cho rằng, không loại trừ khả năng vàng có thể đảo chiều khi chịu áp lực chốt lời từ giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xảy ra trường hợp vàng rơi một mạch vài chục phần trăm như giai đoạn 2011-2012.
“Với kịch bản bi quan là giá đảo chiều khi sức khoẻ nền kinh tế Mỹ trở lại như trước dịch và vaccine được nghiên cứu thành công thì một cú lao dốc thẳng đứng vẫn gần như không thể xảy ra”, ông nói.
Ông Hải phân tích, giá vàng tăng lần lượt 26% và 36% vào năm 2010 và 2011 lên vùng 1.700-1.900 USD/ounce trước khi giảm dần xuống vùng 1.000-1.100 USD vào năm 2016. Điều này cho thấy quãng thời gian để vàng giảm sâu 30-40% phải kéo dài ít nhất 5 năm.
“Hiện tại, vàng đạt đỉnh trên 50 triệu nhưng viễn cảnh mất ngay vài ba triệu một ngày chắc chắn không có”, vị chuyên gia khẳng định.
Trong vòng 1-2 tháng tới, vàng có thể vẫn là một kênh kinh doanh, đầu tư hấp dẫn và có nhiều sóng. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, vàng không thích hợp để đổ tiền vào mua lúc này bởi giá đang thiết lập vùng đỉnh mới.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng, giá vàng hiện nay không tồn tại nhiều yếu tố đầu cơ, bởi giá trong nước đang bám rất sát với quốc tế.
Theo ông Lực, sự kiện đạt đỉnh lần này của giá vàng khác hoàn toàn so với giai đoạn 2011-2012.
“Trước đây là do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, lần này là cú sốc ngắn hạn hơn nhưng rõ ràng nguyên nhân chính vàng tăng là tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp”, vị chuyên gia nhận định.
Theo ông, tình hình địa chính trị diễn biến ngày càng phức tạp hơn giữa Mỹ – Trung Quốc; Mỹ – EU; và Trung Quốc – Ấn Độ càng làm thương mại toàn cầu khó đoán. Ngoài ra, tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay cũng chưa rõ nét giữa các bên cũng khiến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng được lựa chọn.
“Thế giới càng bất ổn thì giá vàng càng tăng, quốc tế tăng thì trong nước cũng tăng. Việc giá vàng có đi xuống hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới”, ông Lực nói.
Theo vị này, việc có nên đầu tư vàng thời điểm này hay không là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng nhà đầu tư cần đảm bảo nguyên tắc phân tán rủi ro.
Thị trường quốc tế vẫn còn nhiều rủi ro từ dịch bệnh, địa chính trị, kinh tế… nên giá vàng vẫn còn biến động từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng, chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mình am hiểu.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nếu xảy ra rủi ro, vàng cũng sẽ không giảm mạnh như giai đoạn 2011-2012 bởi đà tăng vừa qua của kim loại quý xuất phát từ nhu cầu thực của giới đầu tư.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời điểm này chọn vàng để lướt sóng ngắn hạn sẽ mang một số rủi ro, tuy nhiên, về trung dài hạn, giá vàng vẫn sẽ đi theo xu hướng tăng.
Trong ngắn hạn, vàng có thể giảm nhưng sẽ không quá sâu. Không loại trừ khả năng vàng giảm xuống do nhà đầu tư chuyên nghiệp chốt lời. “Từ nay đến cuối năm sẽ có thời điểm giá vàng xuống nhưng xu hướng chung vẫn sẽ tăng lên”, vị chuyên gia dự báo.
Quang Thắng/ ZFN