Người dân Châu Âu hoảng loạn, vét sạch hàng hóa siêu thị

Bảo Trâm 21/03/2022 08:50

Trang Guardian cho biết, 2 năm sau khi đại dịch khiến người tiêu dùng lo ngại, đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh, thì xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra làn sóng mua sắm hoảng loạn khác ở các khu vực của châu Âu.

Ở miền bắc nước Ý, các siêu thị đã hết sạch mì ống. Các hiệu thuốc ở Na Uy cũng “cháy hàng” thuốc iod. Còn tại Đức, các hiệp hội thương mại đang cảnh báo về tình trạng Hamsterkäufe mua sắm trong hoảng loạn.

Sabrina Di Leto (50 tuổi), đến từ Lecco, phía bắc Milan, cho biết: “Tôi đã mua 20 gói mì ống và vài kg bột mì vào tuần trước để chuẩn bị cho viễn cảnh mọi loại hàng hóa bị thiếu hụt.” Bà nói thêm: “Chúng tôi cũng đang cân nhắc việc trồng rau, nuôi gà ở sân sau trong trường hợp mâu thuẫn trở nên căng thẳng hơn và nguồn cung thực phẩm khan hiếm.”

Người tiêu dùng đã có được “bài học” về chuỗi cung ứng sau khi chứng kiến sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với thương mại toàn cầu. Giờ đây, họ đang lo lắng vì viễn cảnh chiến tranh lạnh có thể xảy ra và xung đột ở Ukraine – nơi được coi là “rổ bánh mì” của châu Âu.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì quan trọng trên toàn cầu, cũng như hướng dương, hạt cải dầu, hạt lanh và đậu nành dùng để sản xuất dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Một nửa lượng xuất khẩu dầu hướng dương trên toàn thế giới đến từ Ukraine và 21% là từ Nga.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Chế biến hạt có dầu ở Đức, gần 90% hạt lanh chế biến ở EU đều được nhập khẩu. Họ nói thêm, xung đột ở Ukraine có khả năng gây ra tình trạng thiếu hụt dầu ăn và thức ăn chăn nuôi mà rất khó để thay thế nguồn cung trong ngắn hạn.

Giá bánh mì, mì ống và thịt ở Ý đang tăng mạnh. Quốc gia này nhập khẩu phần lớn lúa mì từ khu vực Đông Âu và 80% dầu hướng dương từ Ukraine, cũng như một lượng lớn ngô được dùng làm thức ăn cho gia súc. Ở Milan, hiện một ổ bánh mì có giá tới 8 euro. Theo Coldiretti – tổ chức thương mại nông nghiệp quốc gia, hồi tháng 11, giá một ổ bánh mì là 4,25 euro.

Di Leto chia sẻ: “Thật nực cười khi bánh mì – vốn là thức ăn cho người nghèo lại trở thành một một xa xỉ phẩm.” Bà nói thêm bà đã dự trữ bột mì để tự nướng bánh mì và tiết kiệm tiền.

Các cửa hàng tạp hóa ở Đức đã phải chia các đợt bán dầu ăn để tránh tình trạng “hamster shopping” hay còn gọi là mua sắm hoảng loạn. Đây là tiếng lóng của Đức, được sử dụng phổ biến trong thời kỳ đại dịch và xuất phát từ thói quen nhét đầy thức ăn vào má dù không ăn hết của chuột hamster.

Ngoài ra, các khu chợ thường có đầy đủ hàng hóa nay lại chứng kiến các kệ hàng bột mì và dầu ăn trống trơn. Một biển hiệu bên ngoài siêu thị Penny ở Frankfurt có nội dung: “Hãy thể hiện sự đoàn kết và nghĩ đến những người hàng xóm của bạn. Tránh tích trữ hàng hóa một cách không cần thiết!”

Lieselotte – một người tiêu dùng 85 tuổi, cho biết bà chỉ được phép mua một chai dầu hướng dương. Trải qua thời kỳ Thế chiến II đang dần kết thúc ở Đức, bà tin rằng mình có sự chuẩn bị tốt hơn để chấp nhận sự thiếu thốn so với thế hệ trẻ. Bà nói: “Chúng tôi đã chứng kiến tình trạng này khi còn nhỏ. Nhưng so với thế hệ trẻ ngày nay, tôi đã quen với nó.”

Mua sắm hoảng loạn dường như lại khác biệt ở Bắc Âu, nơi người dân lo ngại về chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Tại Na Uy, người dân “điên cuồng” tìm mua thuốc iod – được sử dụng để chống lại ảnh hưởng của bức xạ. Theo truyền thông địa phương, hơn 1,7 triệu viên thuốc iod đã được bán trong những tuần gần đây và các hiệu thuốc cũng không còn hàng cho đến tháng sau.

Song, không phải khu vực nào ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng mua sắm hoảng loạn. Nhà bán lẻ Carrefour – hãng lớn ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý, cho biết họ không chứng kiến tình trạng này kể từ sau khi đại dịch bắt đầu. Đại diện Carrefour cho hay: “Một cơ sở ở Pháp và Tây Ban Nha cũng bán hết dầu hướng dương. Nhưng nhìn chung hành vi này vẫn chưa quá căng thẳng và thị trường đang hoạt động khá bình thường.”

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến các nước nghèo hơn, phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Ukraine và Nga. Jan Egeland – thuộc Hiệp hội Người tị nạn Na Uy, cảnh báo rằng Somalia nhập khẩu 90% lúa mì từ Ukraine và Nga. Ông chia sẻ trên Twitter: “Giá lúa mì tăng cao và hạn hán ngày càng tồi tệ, số lượng người rơi vào cảnh đói nghèo sẽ tăng rất nhanh.”

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu ngũ cốc ở Trung Đông đang chuẩn bị tinh thần chi nhiều tiền hơn, ví dụ như Ai Cập – quốc gia đang trợ cấp bánh mì cho 70 triệu người. Tại Lebanon và Tunisia, các kệ hàng bột mì cũng không còn gì, người dân còn “tố” các chủ cửa hàng tích trữ hàng hóa để bán lại với giá cao hơn.

Các siêu thị ở Thổ Nhĩ Kỳ – nơi các hộ gia đình đã chật vật với lạm phát tăng quá nóng, đã bán sạch dầu hướng dương sau khi nhiều hãng truyền thông đưa tin quốc gia này có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt.

Tại Tây Ban Nha, Luis Planas – Bộ trưởng Nông nghiệp, đã đưa ra ý kiến, thay vì mua dầu hướng dương, người tiêu dùng nên sử dụng dầu ôliu. Đây là sản phẩm mà quốc gia này xuất khẩu trong hơn 2 thiên niên kỷ qua. Ông lưu ý rằng, cổ phiếu của một số nhà sản xuất dầu ôliu lớn đã tăng hơn 20% trong những tuần gần đây.

Một “kẻ được” khác có thể là các nhà cung cấp xăng dầu. Tuần này, Đức cảnh báo họ sẽ theo dõi các nhà cung cấp về việc lợi dụng cơ hội để tăng giá. Dù giá dầu thô giảm, nhưng giá xăng vẫn ở mức 2,26 euro, so với mức 1,81 euro trước khi căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra.

Bảo Trâm (Theo Guardian)

Đọc nhiều