8
category
465052

Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Ngọn lửa Leng Su Sìn

13/01/2021 08:05

Ai từ Điện Biên – Lai Châu lên công tác vùng ngã ba biên giới A Pa Chải (xã Sín Thầu, H.Mường Nhé, Điện Biên) cũng dừng lại Đồn biên phòng Leng Su Sìn thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Trần Văn Thọ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của bộ đội biên phòng.

Đồn biên phòng Leng Su Sìn vào tháng 10.2020 /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Đồn biên phòng Leng Su Sìn vào tháng 10.2020

Ở khu tưởng niệm liệt sĩ này, tên anh Thọ đứng đầu danh sách 29 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi bảo vệ, giữ gìn mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Ở bản nhiều hơn ở đồn

Trung tá Chu Ngọc Lệ, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Leng Su Sìn (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Điện Biên), kể: Cuối tháng 9.1954, ta giải phóng hoàn toàn Lai Châu. Đối phó với các toán phỉ nổi lên ở ngã ba biên giới; tháng 2.1958, đồn 5 bộ đội biên phòng (nay là Đồn biên phòng Leng Su Sìn) được thành lập để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn trị an khu vực tuyến biên giới Việt – Trung và biên giới Việt – Lào, quản lý 2 xã: Sín Thầu và Chung Chải thuộc tiểu khu 57, châu Mường Tè.

Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Ngọn lửa Leng Su Sìn - ảnh 1
Công an Nhân dân vũ trang Lai Châu dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới vào năm 1968

Thời điểm ấy, địa bàn do đồn phụ trách là vùng đất tận cùng khu tự trị Thái – Mèo, vừa khó khăn gian khổ vừa hoang sơ mông muội. Bản này cách bản kia từ 7 – 25 km đường rừng núi đèo dốc; nghiện hút thuốc phiện, mê tín dị đoan tràn lan. Nhà có người thân chết vào mùa mưa thì bó chiếu làm sàn gác lên, chờ đến mùa khô mới chôn xuống đất. Người dân thì mù chữ. Đến năm 1970, xã mới có trường cấp 1, học sinh học đến hết lớp 2 là bỏ; và mỗi xã, lúc nhiều nhất cũng chỉ có 31 học sinh đi học. “Ở đây còn tục cắt máu ăn thề. Khi đã ăn thề kết nghĩa anh em thì dù 1 trong 2 người có làm phản động chống phá cách mạng, người kia cũng không nói cho ai”, trung tá Chu Ngọc Lệ kể.

Chính trong những ngày khó khăn và mông muội ấy, ngọn lửa yêu thương và cống hiến đã được những chiến sĩ công an nhân dân vũ trang thắp lên, điển hình là thiếu úy Trần Văn Thọ. Sinh năm 1935 ở xã Việt Thành (H.Trấn Yên, Yên Bái), năm lên 10 tuổi bố mất, Trần Văn Thọ đã phải đi ở đợ để phụ mẹ nuôi em. 15 tuổi anh Thọ trốn nhà vào du kích và 17 tuổi (11.1952) xung phong đi bộ đội, được kết nạp Đảng tháng 12.1956. Vốn người miền núi, nên anh Thọ được đưa vào đơn vị chuyên chiến đấu ở vùng rẻo cao biên giới Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Hoạt động ở địa bàn đặc thù nhưng chiến sĩ Trần Văn Thọ vượt khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lập công lớn trong các trận chiến đấu ở Pừ Xì Ngài, Dào San (Lai Châu) giai đoạn 1953 – 1954.

Tháng 3.1959, công an vũ trang được thành lập, Trần Văn Thọ nhận quyết định chuyển về đồn 5 công an vũ trang Lai Châu. Đi bộ cả tuần từ châu Mường Tè vào đơn vị mới, anh Thọ đề xuất ngay với đồn trưởng Cao Lâm: “Tôi phải xuống ăn ở với dân thì mới vận động được người dân”. Không thể kể hết câu chuyện một người Kinh tìm cách hòa nhập với người Hà Nhì ngàn đời nay chỉ biết tộc người mình, gian khó ra sao. Chỉ biết qua vài tháng, từ chỗ bị đồng bào không cho vào nhà, phải mắc võng ngoài rừng ngủ, anh Thọ đã được… đồng ý cho vào bản giúp cắt tóc cho trẻ con, giặt quần áo hộ người già, mang muối gạo tặng gia đình khó khăn; và cuối cùng, được coi như người của bản, được một gia đình nhận làm con nuôi.

Mang cho dân từng hạt giống, lưỡi cày

Giữa năm 1959, cô gái Chu Chà Me, 15 tuổi, và là một trong những người Hà Nhì đầu tiên của bản Leng Su Sìn, nghe lời anh Thọ, vận động gia đình xuống núi, dựng nhà mới gần suối Păng Pơi. “Người Hà Nhì xưa chỉ biết dùng gậy vót nhọn chọc lỗ, tra ngô tra lúa để cây cối tự nhiên lớn lên mà không chăm tưới nên năng suất không cao. Năm nào rét đậm, sương muối thì mất hết, phải kiếm củ mài, rau rừng ăn chống đói”, bà Chu Chà Me nhớ lại và kể: “Anh Thọ mang cho dân từng hạt giống, lưỡi cày”.

Những cựu binh Đồn biên phòng Leng Su Sìn kể: Sau khi vận động dân xuống thấp định cư theo từng bản, Trần Văn Thọ đã cùng bộ đội lập tổ mẫu làm ăn, tổ đổi công và tìm mua giống lúa tốt của người Thái, thay cho giống năng suất kém của người Hà Nhì. Cuối 1959, khi về nghỉ phép ở quê, anh Thọ đã tìm mua 20 kg thóc giống, ôm khư khư suốt đoạn đường 700 km từ Phú Thọ lên Mường Tè và gùi cõng suốt 10 ngày đường đi bộ, mang lên tặng đồng bào Hà Nhì. Những đồng tiền phụ cấp ít ỏi, Trần Văn Thọ dành dụm mua lưỡi cày tặng từng gia đình và trực tiếp xuống ruộng hướng dẫn bà con cày bừa, gieo mạ, làm phân bón ruộng… Vụ mùa năm 1959, sản lượng lúa thu hoạch rất cao. Đồng bào Hà Nhì khu vực Leng Su Sìn, Sen Thượng ai cũng bảo “công của bộ đội Thọ hết đấy”.

Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Ngọn lửa Leng Su Sìn
Di ảnh Anh hùng – liệt sĩ Trần Văn Thọ.  

Thương dân như người ruột thịt, Trần Văn Thọ dùng phụ cấp và vận động bộ đội trong đồn góp tiền mua giấy bút sách vở để dạy chữ xóa mù cho 24 cán bộ cốt cán và sau đó là toàn thể dân bản. Từ những cố gắng hết mình của anh Thọ, cuối năm 1959 việc học văn hóa đã trở thành phong trào quần chúng trong toàn địa bàn. Khi trình độ văn hóa của đồng bào được nâng lên, anh Thọ trực tiếp vận động các thầy mo, thầy cúng bỏ nghề và vào rừng chặt gỗ, đẽo cày bán cho dân bản và trở thành những thợ đẽo cày giỏi.

“Hồi ấy, những người mắc bệnh phong bị xua đuổi vào rừng sâu, anh Thọ cùng đội công tác vào làm lán ở cạnh, tìm thuốc trong rừng chữa bệnh cho họ. Anh dạy chúng tôi múa hát, học chữ và chính anh đã dành nhiều thời gian thuyết phục gia đình cho tôi ra tỉnh học”, bà Chu Chà Me kể. Ít ai biết rằng, là người đầu tiên của vùng ngã ba biên giới rời bản đi học, bà Chu Chà Me đã được đại diện cho học trò vùng dân tộc thiểu số đi đón Bác Hồ và được gặp Bác lần thứ 2 tại Hà Nội vào dịp 2.9.1960. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Việt Bắc, bà Me đi dạy học, về công tác ở Ban Dân tộc tỉnh, và sau đó làm phát thanh viên tiếng Hà Nhì của Đài phát thanh – truyền hình Lai Châu cho đến khi nghỉ hưu.

Không chỉ giúp dân vượt qua đói nghèo lạc hậu, Trần Văn Thọ còn trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp 13 quần chúng ưu tú vào Đảng, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Sính Phình (4.9.1959) và nhiều người đã trưởng thành thành cán bộ huyện.

Nằm lại với núi rừng

Ngày 8.8.1961, nhận được tin người dân báo “cán bộ Thọ ốm nặng lắm”, trung úy Cao Lâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Leng Su Sìn, lập tức cử một tổ công tác mang cáng vào khênh về. Vừa tới đồn thì Trần Văn Thọ trút hơi thở cuối cùng. Ông Lường Văn Thước (89 tuổi, hiện đang sống ở xã Sen Thượng, H.Mường Nhé, Điện Biên), nguyên là bạn chiến đấu với liệt sĩ Trần Văn Thọ từ ngày mới nhập ngũ và sau đó cùng công tác ở Đồn biên phòng Leng Su Sìn, kể lại: “Thọ ở bản với dân, làm việc quá sức, ăn uống không đảm bảo nên khi mất, người toàn da bọc xương. Trước khi liệm, chúng tôi phải vào kho lấy quân trang mới, thay bộ quần áo vá chằng vá đụp” và trầm giọng: “Vật dụng quý nhất của Thọ là đôi giày bata trắng. Cậu ấy dành đi khi lấy vợ. Hôm chôn Thọ, tôi để đôi giày bên cạnh cậu ấy”.

Ngày an táng liệt sĩ Trần Văn Thọ, bà con dân bản kéo về đông nghịt. Mỗi người bê 2 hòn đá dưới suối Păng Pơi xếp lên ngôi mộ và dựng bia tưởng niệm người chiến sĩ 26 tuổi. Ngày 1.1.1967, Hồ Chủ tịch ký lệnh truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Thọ.

41 năm sau, ngày 24.7.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định tặng bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Văn Thọ. Cuối tháng 2.2016, tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ và khu tưởng niệm các liệt sĩ đã được khánh thành ở vị trí đối diện Đồn biên phòng Leng Su Sìn (H.Mường Nhé, Điện Biên) hôm nay.

(còn tiếp..)

Mai Thanh Hải/ TNO

Tags :
Đọc nhiều