Người biểu tình Iraq phá cửa, xông vào sứ quán Mỹ, buộc nhân viên phải sơ tán

Thành Nhân 31/12/2019 18:43

Hàng chục người biểu tình Shia đã xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sau khi đập vỡ cửa chính và phóng hỏa khu vực lễ tân của tòa nhà để phản đối cuộc không kích của Mỹ, buộc đại sứ Mỹ và các nhân viên phải sơ tán.

Người biểu tình phóng hỏa tòa nhà đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: Reuters.

Phóng viên AP có mặt tại hiện trường nhìn thấy lửa bốc lên và có ít nhất ba lính Mỹ đứng trên nóc tòa nhà trong sứ quán.

Cửa bị người biểu tình phá là cửa bên, thường được dùng để cho xe hơi vào khu sứ quán. Hàng trăm người biểu tình đã đẩy cửa vào khoảng 5 mét dù nhóm này vẫn còn cách tòa nhà chính khoảng 200 mét. Hàng nghìn người phá tường và hô khẩu hiệu chống Mỹ nhằm phản đối các cuộc không kích do Lầu Năm Góc tiến hành nhắm vào các tay súng dân quân thân Iran trên lãnh thổ Iraq hồi cuối tuần.

Đám đông tức giận với vụ không kích của Mỹ vào Iraq hôm 29/12. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình ném đá vào đại sứ quán và phá hoại camera an ninh trên tường, trong khi lính thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ sứ quán bắn hơi cay và lựu đạn choáng để giải tán đám đông.

Hai quan chức Bộ Ngoại giao Iraq cho biết đại sứ và nhân viên sứ quán Mỹ tại Baghdad được sơ tán vì lý do an ninh, chỉ còn vài nhân viên bảo vệ ở lại thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với nội các ngày 30/12, Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi khẳng định ông đã tìm cách ngăn cản cuộc không kích của Mỹ nhưng bất thành. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên đố vụ việc chứng tỏ Washington sẽ không bỏ qua những hành động của Iran đe dọa tính mạng người Mỹ.

Mỹ hôm 29/12 không kích ba vị trí của nhóm vũ trang Kataib Hezbollah thân Iran trên lãnh thổ Iraq và Syria nhằm “đáp trả những đợt tập kích liên tiếp vào các căn cứ phục vụ chiến dịch Inherent Resolve tại Iraq”. 25 tay súng Kataib Hezbollah đã thiệt mạng, ít nhất 51 người bị thương trong các cuộc không kích.

Washington trước đó cáo buộc Kataib Hezbollah đứng sau vụ phóng hơn 30 quả rocket hôm 27/12 nhằm vào căn cứ gần thành phố Kirkuk, Iraq. Vụ tấn công khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng, 4 lính Mỹ và hai binh sĩ Iraq bị thương.

Đại sứ quan Mỹ ở trong Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: shafaaq

Hãng tin ABC News cho biết một số người biểu tình đã tấn công và tràn vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ, trong khi hàng trăm người khác dựng lều trại tại các khu vực xung quanh tổ hợp này.

Căng thẳng leo thang giữa Washington và Baghdad sau khi quân đội Mỹ mở các cuộc không kích nhằm vào ít nhất 5 mục tiêu của nhóm Kata’ib Hezbollah (KH) được Iran ủng hộ ở Syria và Iraq.

Nhóm KH cho biết ít nhất 25 thành viên nhóm vũ trang này đã thiệt mạng và 55 người bị thương trong các vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq trong ngày 29/12. Các vụ tấn công nhằm vào các lữ đoàn số 45 và số 46 của KH. Một vụ không kích đã nhằm vào trụ sở chính của KH ở gần quận Qaim giáp biên giới Syria.

Hàng nghìn người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Mỹ tại Baghdad phản đối vụ không kích ngày 29/12. Ảnh: Reuters.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/12 thông báo đã tiến hành không kích 5 cơ sở của KH ở Iraq và Syria để đáp trả vụ tấn công bằng rocket do nhóm này thực hiện ngày 27/12 vừa qua nhằm vào một căn cứ Mỹ gần thành phố Kirkuk, miền Bắc Iraq, khiến một binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố “các cuộc không kích nhằm vào nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria đã thành công”, và Washington không loại trừ tiến hành các vụ tấn công tiếp theo nếu cần.

Ngày 30/12, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án các cuộc không kích. Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Iraq khẳng định đó là hành động “không thể chấp nhận được và sẽ gây hậu quả nguy hiểm”. Tuyên bố nhấn mạnh hành động này có thể đẩy Iraq lún sâu hơn vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iraq lên án vụ tấn công là “hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq, đáng bị lên án, đi ngược lại tất cả nguyên tắc và luật pháp làm nền tảng cho quan hệ giữa các nhà nước”. Tuyên bố khẳng định Iraq, với tư cách là một nước độc lập, không cho phép lãnh thổ trở thành chiến trường hoặc bị sử dụng để tiến hành tấn công nước khác.

Bộ Ngoại giao Iraq cho biết nước này sẽ trao đổi với các đối tác châu Âu trong liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng để “đưa ra quan điểm thống nhất về cơ chế làm việc và sự hiện diện trong tương lai của các lực lượng liên minh tại Iraq”.

Tieu Diem (Tổng hợp)

Đọc nhiều