Ngừng ngay trò lố lợi dụng phát ngôn sai lệch của ông Thượng tá biến chất

Hạnh Văn 22/09/2020 18:08

Các đây không lâu, một cán bộ sĩ quan quân đội vừa nhận mức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì những phát ngôn ngông cuồng, xuyên tạc về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Điều đáng nói, sĩ quan đó lại là một Thượng tá, Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh. Và như “bắt được vàng”, các tổ chức, cá nhân chống phá đã lợi dụng ngay sự việc và phát ngôn hồ đồ của sĩ quan trên để đặt điều về đường lối, chính sách của nước ta về chủ quyền biển đảo.

Luận điệu xuyên tạc lố bịch của Việt Tân.

Trước khi bị kỷ luật, ông Bùi Tiến Lợi mang quân hàm Thượng tá, là Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học tại Trường Sĩ quan Công binh. Tuy nhiên, trong trang phục quân nhân của mình, ông Lợi không những đã không sống đúng với sắc áo và đạo đức của người lính Việt Nam, mà còn có những phát ngôn sai trái, đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết ngôn từ kích động, xuyên tạc về chủ quyền biển đảo. Ngông cuồng hơn, ông Lợi từng đăng một đoạn clip với phát ngôn “ai đó nói rằng Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về luật biển năm 1982.”

Với những hành động, phát ngôn đi ngược lại đường lối, chính sách của quốc gia, dân tộc, ông Lợi đã phải nhận hình phạt khai trừ Đảng. Và chắc chắn đây cũng không phải là hình phạt cuối cùng cho một kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc như ông Bùi Tiến Lợi.

Chân dung ông Bùi Tiến Lợi, Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa Xã hội Khoa học.

Thế nhưng, lợi dụng một sự việc xảy ra hơn hai tháng trước, bằng phát ngôn đã chịu sự trừng phạt của ông Lợi, tổ chức Việt Tân một lần nữa lại thêu dệt lên câu chuyện xuyên tạc, chống phá, phủ nhận đường lối của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Với mưu đồ lèo lái dư luận, Việt Tân cho rằng Đại tá biến chất Bùi Tiến Lợi “nói tiếng nói chính thống” của chính quyền, quân đội chối bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông và Trường Sa, Hoàng Sa, cho rằng những lời bịa đặt của ông Lợi đại diện cho chủ trương, đường lối của nước ta về chủ quyền biển đảo. Đội lốt “tiếng nói yêu nước”, tổ chức chống phá cộm cán Việt Tân thực chất không hề quan tâm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam, mà chỉ muốn lợi dụng những trường hợp cá biệt như ông thượng tá biến chất để bóp méo sự thật, xuyên tạc chính quyền và nhà nước. Và phải chăng, Việt Tân đang “suy bụng ta ra bụng người”, móc nối vụ việc của ông Lợi với vụ ám sát hại bịt miệng 5 nhà báo mà chúng đã gây ra? Chính vì bản thân sẵn sàng ra tay giết hại những người chống đối nên Việt Tân cho rằng ai cũng như mình, sẵn sàng bịt miệng những tiếng nói không hợp ý…

Quy chụp cho hành vi của ông Bùi Tiến Lợi là quan điểm chung của Đảng và Nhà nước về chủ quyền của Việt nam tại Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa chính là lời tự thú của Việt Tân về sự ấu trĩ trong hiểu biết và tư tưởng. Trong phát ngôn chính thức đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13/11/2019, Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: “Phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.” Còn trong tuyên bố “Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” ngày 28/9/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã viết: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp l‎ý, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa”) nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22 tháng 5 năm 2014 và ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng thư k‎ý Liên hợp quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907. Việt Nam khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.” Cũng trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao lên án “Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa”, khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán về chủ quyền không thể chối cãi của chúng ta tại hai quần đảo, trái ngược hoàn toàn với luận điệu “phản bội lịch sử Việt Nam, đã thí bỏ, đã sang nhượng máu xương của ông cha, đã bán rẻ hồn thiêng của ông cha ở Biển Đông, ở Hoàng Sa, Trường Sa cho nước khác…”

Trên thực tế, Hải chiến Hoàng Sa 1974 là bằng chứng lịch sử cho thấy sự xâm lược của hải quân Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa – khi đó do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát – cũng là bằng chứng cho “ai làm mất Hoàng Sa? Dù được trang bị đến 4 tàu tuần dương với vũ khí tối tân, hỏa lực vượt trội, nhưng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa lại bại trận một cách cay đắng, bỏ chạy khỏi chiến trường, để cho Trung Quốc vào chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa suốt 39 năm qua. Vậy, ai mới là kẻ “bán rẻ hồn thiêng ông cha” tại quần đảo Hoàng Sa?

Đối với Bùi Tiến Lợi, một Thượng tá quân đội, một Chủ nhiệm bộ môn, ông ta lại có những phát ngôn tự biến mình thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ cơ hội xuyên tạc, bẻ cong sự thật. Tự biến mình thành những phần tử xuyên tạc ngông cuồng, cũng đồng nghĩa tư chất của ông Lợi đã xuống cấp như những kẻ rắp tâm chống phá chính quyền, phản bội tổ quốc. Loại trừ ông ta khỏi bộ máy, không chỉ là câu trả lời của Đảng và Nhà nước đối với những việc làm sai trái, mà còn là minh chứng cho quan điểm của nước ta về chủ quyền biển đảo. Không phải chúng ta “bỏ thí” một kẻ như ông Lợi, mà là đất nước Việt Nam không bao giờ chấp nhận bất kỳ một cán bộ, sĩ quan nào nói tiếng nói của những phần tử cực đoan, đi ngược lại tiếng nói của dân tộc. Loại bỏ những thành phần như ông Lợi khỏi bộ máy, tức là chúng ta đang loại bỏ những kẻ phản bội nhân dân, đất nước.

Lợi dụng những phần tử biến chất như Bùi Tiến Lợi cho “công cuộc” xuyên tạc, phá hoại đất nước, Việt Tân một lần nữa lại bộc lộ sự ấu trĩ, kệch cỡm và đạo đức giả của những kẻ thiếu hụt về cả “tâm” và “tầm”, nhưng lại khoác lên mình chiếc áo “tiếng nói yêu nước”. Lòng “yêu nước” của Việt Tân, thực chất chỉ là tình yêu với sự dối trá, gian xảo, tình yêu với những cơ hội “được” đưa lời bịa đặt, xuyên tạc, như sự việc của ông Bùi Tiến Lợi mà thôi.

HẠNH VĂN

Tags :
Đọc nhiều