Ngư dân đừng biến mình thành con mồi của Trung Quốc trên biển Đông
Biển lạnh buốt, cả làng ven biển khóc ngất chờ đón thi thể ngư dân Nguyễn Văn Bé trở về với đất mẹ, sau khi anh bị lực lượng thực thi pháp luật của Malaysia bắn chết. Điều đáng buồn, trong công cuộc bảo vệ ngư dân của mình, lần này chúng ta hoàn toàn đuối lý.
Cần phải hiểu rằng, việc nổ súng bắn chết một ngư dân trên biển là một sự việc hết sức nghiêm trọng, bởi trước giờ chỉ là va chạm tàu thuyền, ngư dân bị cuốn xuống biển thiệt mạng, nhưng lần này là nổ súng. Theo thông lệ quốc tế, cảnh sát biển chỉ nổ súng khi bị tấn công và cướp biển. Chính vì vậy, sau khi có thông tin, Cục Lãnh sự có liên hệ với Đại sứ quán Malaysia nhưng họ không nghe máy. Tối ngày xảy ra sự việc, Vụ Báo chí thông qua Vụ Chính trị yêu cầu họ hôm sau lên Bộ Ngoại giao. Và đích thân người đại diện Sứ quán Việt Nam ở Malaysia đã lên gặp Bộ Ngoại giao Malaysia. Tại cuộc gặp, đại diện Bộ Ngoại giao Malaysia tỏ ý là tiếc vụ xảy ra nhưng họ cũng nói khó tránh được vì cơ quan thực thi buộc phản ứng do ngư dân ném bom xăng, vật cháy vào lực lượng thi hành công vụ và họ đã cố gắng bắn chỉ thiên 2 phát. Họ nói việc bắn vào tàu do rung lắc nên trúng ngư dân. Trong tình thế bị động như vậy, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chủ động gửi công văn đề nghị phía Malaysia xử lý nghiêm người bắn đồng thời phải đền bù thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam. Và với những nỗ lực đàm phán, sau ngày 02/09, phía Malaysia sẽ cho phép chúng ta qua làm các thủ tục và đón thi hài ngư dân Nguyễn Văn Bé trở về.
Điều đáng nói không chỉ xuất hiện trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Bé, mà thời gian vừa qua, ngư dân Việt Nam bị các cơ quan thực thi trên biển xung quanh bắt khá nhiều như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan… Theo chia sẻ của lực lượng chức năng khi trao đổi với các nước, ngư dân Việt Nam vi phạm quá sâu vùng biển của họ, và có hành vi sử dụng vũ lực chống lại lực lượng thực thi công vụ của họ. Tại sao, những người ngư dân hiền lành, chân chất, chỉ biết cá và biển lại trở nên hung hăng và dữ tợn vậy? Phải chăng, họ tự phải xù lông, để có thể bảo vệ tính mạng, thành quả mấy tháng trời lênh đênh trên biển và cả chiếc thuyền – cần câu cơm nuôi sống cả gia đình.
Và có lẽ, chính sự sợ hãi đã khiến cho những người ngư dân dần đánh mất đi sự tỉnh táo, trở nên đáng sợ. Thậm chí, là dùng cả bom xăng để chống trả. Và cũng có lẽ, vì mưu sinh, đuổi theo dòng cá mà ngư dân ta trở nên bất chấp, mang tàu xâm lấn vào vùng chủ quyền của nước bạn. Và rồi, ngư dân ta đã tự biến mình trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế, trong khi hằng ngày chúng ta khẳng định tôn trọng chủ quyền, hòa bình trên biển Đông.
Điều nguy hại hơn cả, đó chính là những hành vi vi phạm chủ quyền chủ quyền này sẽ là cái cớ quá hoàn hảo để Trung Quốc tuyên truyền về việc tàu cá Việt Nam tràn sang, vi phạm chủ quyền nước họ. Như mới hồi tháng 4 mới đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá và bắt giữ 2 tàu cá của Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhưng khi Việt Nam lên tiếng phản đối, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại trắng trợn tuyên bố rằng “tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc”.
Với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016, bị thất bại nặng nề trong vụ Philippines kiện trên biển Đông, Trung Quốc đã nhận thức được nguy cơ thất bại trong mưu đồ độc chiếm biển Đông nên bằng mọi giá tìm đối sách, kế độc mới. Đặc biệt, trong bối cảnh, lợi dụng dịch bệnh cũng như những tranh chấp trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc đã điên cuồng thực hiện mưu đồ nuốt trọn biển Đông. Hàng loạt các hành động phi pháp đã được Trung Quốc tiến hành và thúc đẩy mạnh mẽ trong suốt thời gian qua. Mới đây nhất, là việc phong tỏa biển Đông để tập trận từ ngày 24 – 29/08. Chính vì vậy, chỉ cần chúng ta sơ hở, sẽ là cái cớ cho Trung Quốc có cái cớ nuốt trọn biển Đông. Mà ngư dân Việt Nam là con mồi mà Trung Quốc nhắm tới.
Thông qua chiến thuật “Cây bắp cải”, Trung Quốc đã trang bị một lực lượng lớn tàu đánh cá có vũ trang, có mang vũ khí, đóng vỏ sắt, có lượng giãn nước tới 500 tấn và được trang bị vũ khí với lực lượng “dân binh” được đào tạo bài bản, nhưng được đội dưới lớp ngư dân. Và các tàu cá này sẵn sàng tấn công ngư dân của ta khi tiến tới những vùng biển mà Trung Quốc tự cho là của mình. Bên cạnh sự hỗ trợ của tàu hải cảnh và tàu hải quân của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam luôn luôn bị thua trong cuộc chiến không cân sức này. Cũng cần phải hiểu rằng, không phải lực lượng chức năng Việt Nam không bảo vệ ngư dân, nhưng ngoài việc tiềm lực không tương xứng thì chúng ta ở ngoài sáng, giặc ở trong tối, không phải lúc nào cũng xuất hiện kịp thời được.
Chính vì vậy, trước khi có một biện pháp dứt điểm bảo vệ ngư dân và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông trước sự hung hăng của Trung Quốc. Mỗi ngư dân ta phải tự trang bị cho mình kiến thức về lãnh hải, chủ quyền, phạm vi hoạt động của mình trên biển. Bởi trước khi tìm kế sinh nhai trên thì phải bảo toàn được tính mạng của mình. Và đừng để có một trường hợp nào đau lòng như ngư dân Nguyễn Văn Bé nữa, chúng ta đã cực khổ quá rồi!
Thu An